Mỹ Tiến
(VNTB) – Gần đây, Bộ Giáo dục bang New South Wales cho biết sẽ cấm du học sinh trung học từ bốn tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ninh.
Do lo ngại về việc không tuân thủ các quy định về thị thực, Bộ Giáo dục bàng New South Wales, bắt đầu từ ngày 12/03/2023, sẽ không chấp nhận hồ sơ của học sinh đến từ Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ninh cho việc học tại các trường phổ thông công lập. Thông báo này cũng đồng thời gửi cho các công ty môi giới du học tại Việt Nam.
Khoảng một tháng trước, Bộ Giáo dục Nam Úc cũng đã ra thông báo rằng họ sẽ tạm thời ngừng nhận học sinh Việt Nam từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đồng thời siết chặt quy định tuyển sinh đối với sáu tỉnh, thành phố khác là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đồng Nai.
Quyết định này của một số bang ở Úc được đưa ra khi Úc đang siết chặt các quy định về thị thực du học và làm việc, với mục tiêu giảm số lượng người nhập cư xuống còn một nửa vào năm 2026-2027, chỉ còn khoảng 235.000 người.
Việc hạn chế du học sinh Việt Nam bắt nguồn từ việc 4 du học sinh Việt Nam biến mất một cách bí ẩn. Sau khi chính quyền Úc liên lạc với gia đình 4 “nạn nhân”, phụ huynh của các học sinh này lại tỏ ra bình tĩnh đến lạ thường.
Các cuộc điều tra của cảnh sát bang Nam Úc hiện nay cho thấy rằng một số học sinh có thể đã di sang các bang khác và vẫn còn ở đó. Từ các cuộc điều tra hiện tại không tìm thấy bằng chứng rằng những học sinh bỏ trốn nói trên đang gặp nguy hiểm và cho rằng những học sinh này đang cố tỉnh lẩn trốn.
Cho tới năm 2020, cấp độ cấp xét visa của Úc dành cho Việt Nam – Assessment Level được xếp hạng 2 tức là mức độ rủi ro khá cao. Đến tháng 5/2023, Việt Nam được thăng hạng 1, tuy nhiên thứ hạng này không được duy trì lâu, đến tháng 9 cùng năm Việt Nam lại bị hạ xuống lại hạng 2.
Việc cấp xét visa cho du học sinh tại Úc được căn cứ vào các yếu tố như tỷ lệ hủy visa (25%),
tỷ lệ từ chối vì lý do gian lận (40%), tỷ lệ từ chối vì các lý do khác (10%), tỷ lệ du học sinh trốn ở lại bất hợp pháp ( 15%),
Những du học sinh Úc bỏ học, trốn học, đi làm thêm quá số giờ được quy định sẽ bị huỷ visa, du học sinh ở lại quá hạn visa 28 ngày đã khiến cho cấp độ cấp xét visa cho du học sinh Việt Nam gặp khó khăn hơn. Việc 4 học sinh trung học bỏ trốn mới đây đã khiến cho 2 bang của Úc đưa ra quyết định không thâu nhận du học sinh Việt Nam từ các tỉnh có “truyền thống tai tiếng”.
Chính phủ Hàn Quốc từng chính thức ngưng tuyển lao động Việt Nam đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nghệ An và Hải Dương trong năm 2023 cũng là hệ luỵ từ tỷ lệ người lao động Việt Nam vi phạm các quy định về visa như trốn ở lại bất hợp pháp hoặc không về nước sau khi visa hết hạn có nơi lên tới 57%. Hàn Quốc cũng đã ngưng nhận lao động Việt Nam trong các năm từ 2012 -2016 vì số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này đang ở mức cao nhất.
Nhật Bản, tuy không có thông tin chính thức, nhưng những người quê Thanh -Nghệ – Tĩnh bị đưa vào danh sách đen vì nổi tiếng với việc “phá hợp đồng”. Một cán bộ của đảng bộ Quảng Bình đi du lịch Mỹ rồi trốn ở lại luôn mới đây cũng đã làm tăng thêm thành tích “đen” của tỉnh nhà.
Không chỉ riêng ở Úc, người Việt đi du học hoặc xuất khẩu lao động, du lịch… rồi biến mất luôn ở nước ngoài là chuyện thường tình. Cán bộ được cử đi học cũng trốn ở lại như 25 người ở trường đại học Đà nẵng. Chỉ trong 10 năm từ 2013 – 2022, có đến 4.471 người đi du học bằng tiền ngân sách rồi không trở về, chấp nhận đóng tiền bồi hoàn chi phí đào tạo.
152 người đi du lịch Đài Loan rồi rủ nhau trốn hồi năm 2019 đã buộc Đài Loan thay đổi chính sách visa cho người Việt. 100 người đi du lịch Hàn Quốc năm 2022 rồi bỗng nhiên mất liên lạc ngay sau khi nhập cảnh. Bỏ trốn, ở lại bất hợp pháp, nếu “may mắn” không bị bắt, họ lại trở thành “ung nhọt” cho nước sở tại khi tham gia trộm cắp, ẩu đả, nhậu nhẹt,…
Những người đi trước cứ tiếp tục làm bậy, sẽ làm cho những người ngay thẳng đi sau gặp khó khăn thậm chí là mất cơ hội được học hay làm việc ở nước ngoài. Trở lại với các học sinh bỏ trốn ở Úc khi chưa đầy 18 tuổi nhưng đã tìm cách trốn ở lại, sống bất hợp pháp, trốn chui, trốn nhủi như vậy, tương lai các em sẽ về đâu?