Minh Triều
(VNTB) – Tăng lương cho giáo viên không chỉ là để trả công xứng đáng cho công việc quan trọng mà họ đảm nhận, mà còn tạo ra sự hấp dẫn và động viên cho sinh viên sư phạm.
Trong 4 tháng bộ GD-ĐT đề xuất 2 dự thảo trái ngược nhau
Bộ GD-ĐT vừa trình Quốc hội dự thảo đề xuất hạ chuẩn để tuyển dụng người có bằng cao đẳng để dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Lý do mà bộ này đưa ra là đội ngũ giáo viên tại các trường học hiện nay chỉ đạt khoảng 80% số lượng và chất lượng, không thể đáp ứng được nhu cầu phân công giảng dạy, hoạt động giáo dục theo chương trình GDPT 2018.
Trong khi đó, cuối năm ngoái, cũng chính bộ GD-ĐT lại muốn xoá sổ 38 trường cao đẳng sư phạm và cao đẳng đa ngành có đào tạo sư phạm; theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại thời điểm đó, bộ GD-ĐT cho rằng vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt, chưa có sự chia sẻ nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo giáo viên của toàn ngành.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 4 tháng, bộ GD-ĐT đã trình hai dư thảo trái ngược nhau với những lý do rất mâu thuẫn. Điều này cho thấy hai vấn đề: chương trình GDPT 2018 quá nặng cho giáo viên và bộ GD-ĐT viết dự thảo một cách tùy tiện, phi khoa học, phi thực tế, coi thường giáo viên và sinh viên sư phạm. Hơn nữa, theo luật Giáo dục năm 2019, giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có trình độ cử nhân đại học sư phạm. Như vậy có thể nói bộ GD-ĐT đang vi phạm luật trong kế hoạch hạ chuẩn giáo viên.
Quay trở lại dự thảo hạ chuẩn giáo viên, kế hoạch này có thể dẫn đến việc giảm sút chất lượng giáo dục, khi giáo viên không được đào tạo và chuẩn bị đầy đủ cho vai trò của mình. Hạ chuẩn giáo viên cũng gây ra một chuỗi các vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục. Phải luôn nhớ rằng giáo viên phải có trình độ kiến thức đủ để dạy dỗ, truyền đạt kiến thức.
Như bộ GD-ĐT đánh giá, chỉ 80% giáo viên đạt chất lượng. Chất lượng đã kém, bây giờ lại muốn hạ chuẩn thì văn hoá, giáo dục tương lai sẽ như thế nào?
Lương thấp làm sao nuôi sống nhân tài?
Hiện nay sinh viên sư phạm ra trường bị thất nghiệp rất nhiều. Một phần vì những tiêu cực trong việc chạy biên chế giáo viên, một phần vì lương quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản khiến các cử nhân sư phạm phải làm trái nghề để mưu sinh.
Người nào yêu nghề, cố gắng mỗi ngày đến trường dạy học thì lại phải đối mặt với tình trạng vừa làm việc vừa phải tìm kiếm thêm nguồn thu nhập phụ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây mất tập trung và giảm hiệu suất trong lớp học.
Giáo viên làm thêm chủ yếu là mở các lớp dạy thêm để thu tiền học sinh. Đây là tiêu cực tồn tại dai dẳng suốt mấy chục năm nay, khiến cho bao nhiêu thế hệ học sinh phải trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.
Nếu không dạy thêm, giáo viên có lòng tự trọng sẽ phải rời bỏ nghề sau một thời gian ngắn để tìm việc khác mưu sinh. Điều này gây ra sự mất mát không chỉ về kinh nghiệm mà còn về sự ổn định và liên tục trong việc giảng dạy, tạo ra một lỗ hổng lớn trong hệ thống giáo dục.
Tăng lương cho giáo viên không chỉ là để trả công xứng đáng cho công việc quan trọng mà họ đảm nhận, mà còn tạo ra sự hấp dẫn và động viên cho sinh viên sư phạm. Mức lương hấp dẫn và đủ để đáp ứng các chi phí cơ bản của cuộc sống sẽ làm cho nghề giáo trở nên hấp dẫn hơn đối với những người trẻ đam mê và có năng khiếu trong lĩnh vực này. Đối với sinh viên sư phạm, một mức lương hấp dẫn cũng có thể giúp giảm bớt áp lực tài chính và tạo ra một tương lai ổn định hơn, làm cho nghề giáo trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn hơn đối với giới trẻ.
_______________
Tham khảo:
https://thanhnien.vn/thieu-giao-vien-cac-mon-hoc-moi-bo-gd-dt-de-xuat-ha-chuan-de-co-nguon-tuyen-185240325152556257.htm
https://vietnamnet.vn/se-xoa-so-38-truong-cao-dang-dao-tao-su-pham-2217440.html