Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – phần 1

 

GS -TS Nguyễn Văn Chữ

 

(VNTB) – Lãnh đạo dường như chỉ triển khai và thực thi các công trình mà họ có thể ăn chia.

 

Phần 2: Thành quả của chính sách “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ Nghĩa”

Phần 3: Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg và người Việt hải ngoại

Phần cuối: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

 

1. Đặt Vấn Đề

Sau năm 1975, thể chế độc đảng, chế độ công sản, luận cứ “đảng cử, dân bầu”, và qui trình phối trí lao động theo nguyên tắc “hồng hơn chuyên” trong nền kinh tế trung ương hoạch định của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đưa toàn thể đất nước này vào một thời gian cực kỳ khó khăn, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này đe dọa sự tồn tại của đảng Cộng Sản và thể chế vào các năm đầu của thập niên 1980. Bằng chứng là Đại hội Đảng lần thứ 6 vào cuối năm 1986 đã kết thúc bằng khẩu hiệu “Đổi mới hay là chết” (Kleinen, 2015). 

Việt Nam đã đưa ra kế hoạch “đổi mới”, trong đó trên lý thuyết hoạt động kinh tế theo mô hình “trung ương hoạch định” được chuyển đổi sang mô hình “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, vào năm 1986. Quá trình chuyển đổi này bắt đầu khi các định chế tài chính quốc tế, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân hàng Thế giới, cũng như lãnh đạo của nhiều quốc gia tân tiến đang rao giảng chủ thuyết kinh tế tân cổ điển, chủ trương rằng chiến thuật và chiến lược phát triển kinh tế thời thượng là phát triển lãnh vực sản xuất để xuất cảng, được mệnh danh là “Chính sách Kinh tế Phát triển Hướng ngoại, được hiểu là đặt lãnh vực ngoại thương là cốt lõi hay vai trò mũi nhọn” trong kế sách phát triển kinh tế quốc gia. Dĩ nhiên, các định chế tài chính quốc tế này khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia theo đuổi kế sách kinh tế phát triển hướng ngoại này. Tất yếu là “phần kinh tế thị trường” của kế sách phát triển kinh tế của Việt Nam dựa vào chiến lược xuất cảng để phát triển hay chiến lược kinh tế phát triển hướng ngoại.

Phát triển kinh tế là một “quá trình dẻo-cứng (putty-clay process; Singer, 1998)”. Quá trình dẻo-cứng thuyết giải rằng nếu kế sách phát triển kinh tế không triển khai đúng, hay thực thi sai lạc sẽ vô cùng tốn kém, cả về tư bản, nhân lực và thời gian để, ngay cả không thể, chuyển sửa sau khi áp dụng.

Ngoại thương và cán cân mậu dịch (hay cán cân ngoại thương) là các lãnh vực phức tạp và khô khan nên rất khó nuốt; dù vậy, trong những dòng sau đây, người viết xin mạo muội:

I. Giải trình cán cân mậu dịch là gì và các tài khoản của nó.

II. Trích dẫn dữ liệu thống kê chọn lọc từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), và những cảm thán của các chuyên gia và học giả về chiến thuật và chiến lược cũng như sự thực thi kế sách phát triển kinh tế Việt Nam gần đây, như dữ liệu thống kê phơi bày. 

III. Dựa vào các dữ liệu thống kê trích dẫn, thử lượng giá hoạt động kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

IV. Từ kết quả của sự lượng giá trên, người viết ước đoán chủ đích của Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg  và nói lên một vài suy tư về vai trò của  người Việt hải ngoại.

Xin được bắt đầu phần (I).

 

2. Cán cân mậu dịch 

Cán cân mậu dịch, bao gồm các trương mục hay tài khoản, là sổ sách mà các quốc gia, hay lãnh thổ, ghi chép giá trị của những “thứ” (sản phẩm, dịch vụ, các công cụ đầu tư tài chính và kiều hối, cũng như giá trị của các trao đổi quốc tế khác) mà người dân, doanh nghiệp, và chính phủ của họ trao đổi với nhau hàng năm. Toàn thể các trương mục báo cáo/ghi chép giá trị các nghiệp vụ trao đổi quốc tế này, báo cáo của các nghiệp vụ ngoại thương của một nền kinh tế, được gọi là cán cân mậu dịch hay cán cân thanh khoản quốc tế (balance of international payments hay chỉ đơn giản là balance of payments). Cán cân mậu dịch có ba nhóm tài khoản sau đây: (I) nhóm trương mục của tài khoản vãng lai (current account), (II) nhóm trương mục của tài khoản tư bản (capital account), (III) và nhóm trương mục của tài khoản tài chính (financial account). Và, tổng số giá trị của ba trương mục này cùng với khoản điều chỉnh do sai số và bỏ sót là cán cân mậu dịch hay cán cân thanh khoản quốc tế của một nền kinh tế.

Nhóm trương mục thuộc tài khoản vãng lai gồm có: (1) giá trị của các tác vụ xuất cảng (exports) sản phẩm hay dịch vụ, lợi nhuận doanh nghiệp quốc nội thu được do hoạt động tại ngoại quốc (profits), cổ tức (dividends) từ cổ phiếu (stocks), lãi nhuận (interest incomes) người dân nhận được từ những khoản đầu tư trái phiế́u (bonds), đầu tư danh mục (portfolio investments) tại ngoại quốc, và thu nhập của công dân làm việc tại hải ngoại, được ghi vào trương mục xuất cảng; (2) giá trị của các tác vụ nhập cảng sản phẩm hay dịch vụ, lợi nhuận doanh nghiệp quốc nội, cổ tức từ cổ phiếu, lãi nhuận từ những khoản đầu tư trái phiế́u hay đầu tư danh mục mà nền kinh tế phải trả ra ngoại quốc, cũng như thu nhập của người ngoại quốc phục vụ trong nền kinh tế sẽ được bút toán vào trương mục nhập cảng; (3) và sự khác biệt giữa giá trị của đơn phương chuyển nhượng (unilateral transfers) tài chính nhận từ và trả ra nước ngoài sẽ được bút toán vào trương mục đơn phương chuyển nhượng tài chính ròng (net unilateral transfers). 

Giá trị của các tác vụ mua bán các của cải tài chính (financial assets) sẽ được bút toán vào các trương mục của tài khoản tài chính. Các món tài sản sau đây là những thí dụ của cải (wealth) tài chính: tiền (money), ngoại tệ (foreign currencies), cổ phiếu, trái phiếu do doanh nghiệp tư (corporate bonds) hay do chính phủ ấn hành (sovereign securities), hay giá trị của chính cơ sở doanh nghiệp (business).

 Có một số tương đối rất nhỏ, về cả số tác vụ lẫn số lượng hay giá trị tài chính của các tác vụ, khác với các trao đổi được ghi vào các trương mục của tài khoản tài chính, sẽ được bút toán vào các trương mục của tài khoản tư bản. Hầu hết các tác vụ này liên quan đến chuyển nhượng những món “của” hay tài sản không sản xuất (non-produced), không là của cải tài chính (non-financial), và thường là vô hình (intangible) như bản quyền (copyrights) hay thương hiệu (trademarks). Sai biệt giữa giá trị của các chuyển nhượng mà nền kinh tế nhận được và giá trị của các chuyển nhượng cho ngoại quốc sẽ được bút toán vào trương mục của tài khoản tư bản.

 

3. Dữ liệu thống kê chọn lọc từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, và cảm thán của các chuyên gia và học giả về kế sách phát triển kinh tế đưa đến kết quả như dữ liệu thống kê phơi bày. 

 

3.1. Dữ liệu thống kê chọn lọc từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Bảng 1 dưới đây ghi lại giá trị của hoạt động ngoại thương của Việt Nam với Mỹ, Trung Quốc, toàn thế giới, và một số các chỉ số kinh tế chọn lọc quan trọng khác từ Báo Cáo đợt tham vấn theo Điều IV năm 2023 của IMF với Việt Nam cũng như các chỉ số thống kê từ kho dữ liệu Direction of Trade Statistics (DOTS database) do IMF lưu trữ. Xin ghi nhận là các tài khoản “Giá trị sản phẩm nhập cảng và Giá trị sản phẩm xuất cảng” trong Bảng 1 chỉ báo cáo các giao dịch phát sinh từ giá trị xuất/nhập cảng đo lường bằng triệu Mỹ kim (trừ khi có ghi chú hay giải trình khác) của một nền kinh tế nhất định; được hiểu là chỉ báo cáo giá trị của các tác vụ được ghi trong hai trương mục xuất cảng và nhập cảng và số lượng sai biệt giữa hai trương mục này (xuất hay nhập siêu) của nhóm trương mục của tài khoản vãng lai. Nói cách khác, các dữ liệu này trong Bảng 1 không bao gồm giá trị của trương mục đơn phương chuyển nhượng tài chính ròng của tài khoản vãng lai.

 

3.2. Cảm thán của các chuyên gia và học giả về kế sách phát triển kinh tế và hiệu quả tại Việt Nam

W. Arthur Lewis có thể xem là một lý thuyết gia danh tiếng về phát triển kinh tế trong thế kỷ thứ 20. Trong tác phẩm kinh điển “Lý Thuyết Tăng Trưởng Kinh Tế (The Theory of Economic Growth)” xuất bản lần đầu tiên vào năm 1955, và được tái bản nhiều lần, ông giải thích rằng chính phủ có thể có ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế. Nếu họ triển khai và thực thi chính sách đúng thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh. Nếu họ làm quá ít, hoặc mắc phải những điều sai trái, hay quá độ thì mức độ phát triển kinh tế sẽ bị chậm lại. 

Bảng 1.  Việt Nam: Các Chỉ Số Kinh Tế Chọn Lọc

(Đơn vị đo lường: triệu Mỹ kim, trừ khi có ghi chú hay giải trình khác)

Một điểm thú vị là Giáo Sư Lewis cho rằng chính quyền sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế khi dùng quá nhiều tài nguyên của xã hội để xây tượng đài (monuments) hay tòa thị chính (town halls) vì khả năng sinh lời của các sản phẩm này rất nhỏ, nhưng chi phí phát sinh sau khi hoàn thành sản phẩm rất cao. Tác phẩm của ông xuất bản vào năm 1955, nên nguyên do của lời phê phán này là nhằm vào các công trình này tại Nga và khối Đông Âu. Tuy nhiên, trong hai thập niên gần đây; truyền thông quốc nội VN đã hãnh diện tường trình khá nhiều công trình xây dựng tượng đài to lớn, cổng làng, và cổng xóm hay cơ sở văn hóa đồ sộ; và gần đây, các bảo tàng nghìn tỷ ngạo nghễ, với chi phí hoạt động và bảo trì hàng năm cao ngất ngưởng, trong khi bệnh viện không đủ cả cơ sở lẫn thuốc; học sinh, là tương lai của đất nước, phải dùng thùng xốp qua sông vì không có cầu và chia nhau từng gói mì tôm hàng ngày.

Cần quan tâm nơi đây là những thay đổi nhanh chóng trong hơn ba thập niên qua trên thương trường làm cho vai trò và trách nhiệm của chính phủ khi triển khai và thực thi chính sách một cách đúng đắn trở nên khó khăn và nhiều thử thách hơn bội phần. Kang và Paus (2020) lập luận rằng đây là những thách thức mà các quốc gia thành công trong quá trình công nghệ hóa tại Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan, và Tân Gia Ba đã không gặp phải trước đây. Do đó, nhu cầu “chính phủ phải làm đúng” mà Giáo Sư Lewis thuyết giảng trở nên tối cần, nếu một quốc gia hy vọng không bị sập bẫy thu-nhập-trung-bình. Bẫy thu- nhập-trung-bình giả thuyết rằng các quốc gia vừa vượt qua ngưỡng cửa từ “quốc gia có mức thu nhập thấp-cao” lên “quốc gia có mức thu nhập trung-bình-thấp” có thể lâm vào tình trạng là mức tăng trưởng mà các quốc gia này đã từng trải nghiệm trong nhiều thập niên trước bị chậm lại vì sự gia tăng năng suất sản xuất không tăng đồng bộ với chi phí sản xuất, hoặc nói cách khác, gia tăng năng suất sản xuất tụt hậu phía sau gia tăng chi phí sản xuất.

Ngoài ra, Kang và Paus (2020) cho rằng tập trung hoàn toàn vào các yếu tố quốc nội không cung cấp một khuôn khổ hữu ích để hiểu/thoát bẫy thu-nhập-trung-bình. Cách tiếp cận như vậy bỏ lỡ hai thách thức quan trọng mà các quốc gia có thu-nhập-trung-bình phải đối mặt: (I) những thách thức nội bộ phức tạp trong việc nâng cấp và xây dựng khả năng đổi mới trong nước, với sự hỗ tương hay giao thoa cần thiết giữa các yếu tố tương quan, và (II) tác động của ngoại lực, có thể thay đổi theo thời gian, và – tương tác với các yếu tố nội tại – tạo ra nhiều thách thức cho công tác nâng cấp và đẩy mạnh các hoạt động chuyên sâu về đổi mới và sáng tạo. Và từ hai nhận định trên, Kang và Paus (2020) tin rằng phương thức để có thể đưa ra các khuyến nghị về giải pháp để thoát bẫy thu-nhập-trung-bình phải được xây dựng trên các công trình của các nhà kinh tế và các nhà khoa học chính trị.

Trong phạm trù này, Kang và Paus (2020) đưa ra các khuyến nghị để thoát bẫy thu-nhập trung-bình là chính sách phát triển kinh tế phải có một cách tiếp cận có hệ thống và lâu dài hầu xây dựng khả năng sản xuất cũng như sự cần thiết phải hành động mạnh mẽ của Nhà nước để: (I) thúc đẩy sự phát triển của khả năng sản xuất (productive capacities) trong nước để nâng cấp và tăng mức tăng trưởng phát triển năng suất sản xuất của các yếu tố sản xuất (tư bản và lực lượng lao động) cao hơn; (II) kịp thời đối phó hay lợi dụng sự tương tác của quốc tế với các yếu tố trong nước, vì sự tương tác này sẽ thay đổi theo thời gian và có thể đưa đến những thách thức cho đổi mới trong nước hay mang đến cơ hội cho kế hoạch gia tăng mức tăng trưởng năng suất sản xuất; và (III) thấu hiểu bản chất của các hoạt động liên kết giữa chính phủ và khu vực tư nhân, đồng thời tận dụng sự liên kết này để tối đa hóa mức tăng trưởng của năng suất sản xuất. 

Hơn nữa, Raj-Reichest (2020) còn khuyến cáo thêm rằng các khuyến nghị để thoát bẫy thu-nhập-trung-bình hay đuổi kịp các nền kinh tế có thu nhập-cao trên đòi hỏi những điều kiện tiên quyết là chính quyền phải sẵn có nền giáo dục đại học chất lượng cao, bao gồm các ngành khoa học (bao gồm những ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội); đầu tư của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển; và thực hiện những thay đổi cấu trúc khó khăn để loại bỏ các công ty cũ và công nghệ cũ không còn thích hợp với thời đại hiện nay. Đồng thời, Raj-Reichest (2020) cũng chỉ ra rằng tại các quốc gia vượt qua tình trạng thu nhập trung-bình như Hàn Quốc và Đài Loan có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ sở kinh doanh lớn quốc nội để cải thiện giáo dục hầu đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động với kỹ năng cao và thích nghi.

Về vấn đề triển khai và thực thi kế sách phát triển kinh tế Việt Nam, hai học giả có nhiều liên quan đến và rất am tường VN, Giáo Sư Klingler-Vidra và Wade, trong bài nghiên cứu mang tựa đề “Những Chính Sách Khoa Học và Kỹ Thuật và Bẫy Thu-Nhập Trung-Bình: Những Bài Học từ VN” (Science and Technology Policies and the Middle-Income Trap: Lessons from Vietnam, 2020) chỉ ra rằng VN đã được các tổ chức trong giới nghiên cứu về phát triển kinh tế xem là có thể như một con hổ Đông Á mới nổi, nhanh chóng di chuyển lên trong thu nhập và công nghệ, từ những năm đầu của kỷ nguyên 2000, bằng chứng là các dự án sau đây: Intel khai trương trung tâm sản xuất chip lớn nhất bên ngoài Mỹ trong năm 2010 dường như xác nhận VN được coi là một quốc gia với công nghệ thông tin và truyền thông (information and communication technology) mới nổi; các tập đoàn đa quốc gia (multinational corporations) lớn khác của phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc, chẳng hạn như Samsung, Fujitsu, và Toshiba, cũng thành lập các cơ sở sản xuất tại VN.

Cùng thời gian đó, ‘VN vừa vượt qua ngưỡng của Ngân Hàng Thế Giới từ “thu nhập-thấp-cao” đến “thu nhập trung-bình-thấp” vào năm 2010. Chính phủ và các nhà tài trợ và viện trợ bắt đầu bàn thảo về “bẫy thu-nhập trung-bình” như một vấn đề trọng yếu sắp tới cho VN. Và để khung “chính sách khoa học và công nghệ” (Science and Technology) như một phương tiện để duy trì tăng trưởng kinh tế và do đó tránh được cái bẫy thu-nhập-trung-bình, các giới hữu trách xác định Trung Quốc và chính sách khoa học và công nghệ như là một mô hình, và chỉ vào cơ sở 1 tỷ Mỹ kim do Intel đầu tư vào VN như là bằng chứng của một trung tâm công nghệ đang phát triển.’ Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, chính sách khoa học và công nghệ của VN đã đi khập khiễng, với những nỗ lực đơn giản là tăng số lượng các công ty khởi nghiệp theo phong cách Thung Lũng Silicon của Mỹ; thay vì triển khai và thực thi một chính sách khoa học kỹ thuật sâu rộng thích hợp với môi trường xã hội Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển của năng suất sản xuất, hay theo đuổi chương trình giống như “Made in China 2025”. 

Không phải là chính phủ VN không biết, nhưng lãnh đạo dường như chỉ triển khai và thực thi các công trình mà họ có thể ăn chia. Klingler-Vidra và Wade (2020) chỉ ra rằng “…báo cáo VN 2035 được công bố rộng rãi vào tháng 2, năm 2016, khuyến nghị chính phủ ‘tăng cường’ và ‘điều phối’ hệ thống khoa học và kỹ thuật của mình như một ưu tiên để ‘tránh rơi vào bẫy thu-nhập- trung-bình và tụt hậu’ (Ngân Hàng Thế Giới & Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư VN, 2016). Vào tháng 11 năm 2018, Bộ Trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ VN, tiến sỹ Chu Ngọc Anh đã tuyên bố rằng: ‘VN cần xây dựng chiến lược quốc gia’” (Akhaya, 2018). Klingler-Vidra và Wade (2020) báo cáo rằng “Ngay sau khi công bố báo cáo VN 2035, tháng 5, năm 2016, Nghị quyết 35 của chính phủ xác định các mục tiêu tiếp theo để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các mục tiêu bao gồm kế hoạch tạo ra 5.000 doanh nghiệp, vừa và nhỏ, tập trung vào khoa học và kỹ thuật, và 30 doanh nghiệp công nghệ cao và trung tâm phát triển công nghệ cao giữa 2016 và 2020. Klingler-Vidra và Wade (2020) cảm thán rằng cũng như nhiều mục tiêu đã đề cập trước đó; chẳng hạn, vào năm 2011, tuyên bố là sẽ đào tạo 80.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, và quản lý của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào năm 2020, những con số này được đưa ra mà không có cơ bản hay phân tích nào cả.” 

Klingler-Vidra và Wade (2020) dựa trên các tài liệu về chính sách từ những nguồn công cộng, các cuộc phỏng vấn các nhà hoạch định chính sách khoa học và công nghệ VN, nhân viên của các tổ chức tài trợ hay viện trợ, và các nhà đầu tư khởi nghiệp mà họ thực hiện từ năm 2012 đến 2018, và tư liệu của họ, hai học giả này kết luận rằng có ít nhất là ba nguyên nhân chính đã ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ đến chính sách khoa học và công nghệ VN: (I) bộ Khoa học và Công nghệ là bộ yếu kém, ngân sách ít, không  thể hối lộ quan chức các bộ khác để hợp tác trong các chiến lược cần thiết cho kế hoạch gia tăng mức tăng trưởng năng suất sản xuất; (II)  các nhà hoạch định chính sách nói rằng họ muốn mô phỏng cả Thung Lũng Silicon và Made in China 2025 của TC, và biện minh là để thoát bẫy thu-nhập-trung-bình mà trong thực tế giới hữu trách chỉ có xu hướng giúp thiết lập các công ty khởi nghiệp dễ dàng hơn; (III) cộng đồng các nhà tài trợ viện trợ lớn của VN đã ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực xây dựng thị trường khởi nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ là bộ yếu kém vì ngân sách của bộ rất ít, không thể thuyết phục được các bộ khác để hợp tác trong các chiến lược cần thiết cho kế hoạch gia tăng mức tăng trưởng năng suất sản xuất và các kế hoạch này cần nhiều tư bản hay vốn. Klingler-Vidra và Wade (2020) tiết lộ trong trao đổi cá nhân (giao tiếp cá nhân, ngày 29 tháng 11 năm 2018 – personal communication, 29 November 2018) để giải thích rằng bộ Khoa học và Công nghệ là bộ yếu kém tương quan với các bộ hay cơ phận khác trong chính quyền là do bản chất của việc đầu tư vào các dự án thuộc chính sách khoa học và công nghệ: không có tiền mặt để ăn chia hay hối lộ các quan chức chính phủ khác. Ví dụ như các công trình xây dựng có nhiều tiền mặt để ăn chia nên được cung cấp các dự án với ngân sách lớn. Theo cảm tính của người viết, điều này, một lần nữa, giải thích tại sao các công trình thua lỗ hàng tỷ tỷ đồng vẫn tiếp tục tại VN.

Do đó, tổng quan về hiệu quả của chính sách kinh tế của lãnh đạo Việt Nam, Klingler-Vidra và Wade (2020)  kết luận rằng: “Xu hướng sản xuất đồng thời ngày nay được tổ chức trong chuỗi giá trị toàn cầu, độc quyền kiến thức (bởi các công ty có trụ sở tại các nền kinh tế tiên tiến), tài chính hóa và áp lực điều chỉnh bất đối xứng đối với các quốc gia thâm hụt, cùng có nghĩa là các nước đang phát triển khó có thể hội tụ hay bắt kịp với các nền kinh tế tiên tiến về mức năng suất thông qua ‘sức mạnh hay cơ chế của thị trường’. Nhà nước phải phối hợp để hướng dẫn, thúc đẩy, cũng như định hướng cho đầu tư bằng cách mở rộng khả năng hấp thụ công nghệ từ nơi khác và đổi mới tại quốc nội là một điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững. Chính sách khoa học và công nghệ không định hướng, không có nhà nước phối hợp có thể sẽ không ‘bắt kịp’, vì chỉ tạo điều kiện giúp thiết lập các công ty khởi nghiệp dễ dàng hơn theo mô hình của Thung Lũng Silicon mà không tăng đầu tư vào các khả năng kỹ thuật làm nền tảng cho những nỗ lực tương tự ở Trung Quốc. Điều này khiến các công ty khởi nghiệp được định sẵn vẫn là những doanh nghiệp bắt chước và lắp ráp. Chính sách này sẽ không có triển vọng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế hầu thoát bẫy thu-nhập-trung–bình, mà đại đa số các nền kinh tế có mức thu nhập trung–bình, như nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, trên thế giới đã bị sập.”

Khi lượng giá khả năng “thành công” của chính sách khoa học và công nghệ tại VN thì Klingler-Vidra và Wade (2020) đã cho rằng: “‘Thay vì đầu tư vào công nghệ và kiến thức, các doanh nghiệp VN vẫn còn chủ yếu dựa vào những lợi thế của lao động giá rẻ và khai thác nguyên liệu’. Các cái gọi là các công ty công nghệ cao vẫn còn nhỏ và cạnh tranh quốc tế gần như hoàn toàn về chi phí, không phải đổi mới hoặc chất lượng.”

_____________

***Chú thích:

[1]  Theo định nghĩa trong kinh tế vĩ mô, Tổng Sản Lượng Quốc Nội (GDP) bằng Tổng Giá Trị Tiêu Dùng (C) + Tổng Giá Trị Đầu Tư (I)  + Tổng Giá Trị Tiêu Dùng của chính phủ (G) + Tổng Giá Trị Xuất Cảng (EX) – Tổng Giá Trị Nhập Cảng (IM); một cách ngắn gọn hơn, chúng ta có thể diễn tả mệnh đề trên như sau:

                                                 GDP = C + I + G + EX– IM                                                       (1)

Nếu dùng ký hiệu  để diễn đạt phần trăm (%) tăng trưởng, thì phần trăm tăng trưởng của các biến số GDP (tăng trưởng kinh tế), C, I, G, IM, và IM có thể diễn đạt, theo thứ tự, bằng các ký hiệu: GDP,C, I, G,EX, và IM. Và, mức tăng trưởng kinh tế sẽ được chiết tính như sau: 

                                        GDP = C +  I + G + EX IM                                            (2)

Xin ghi nhận là: (a) phương trình (1) cho thấy kiều hối được bút toán như là số dương vào hạn mục hạn ngạch đơn phương chuyển nhượng tài chính ròng có cùng ảnh hưởng đến cán cân thanh khoản quốc tế như gia tăng hạn mục xuất cảng (EX), nên số lượng kiều hối đến VN sẽ có thể xem là làm cho xuất cảng và GDP của VN tăng bằng một trị số tương ứng; và, (b) phương trình (2) mức tăng trưởng kinh tế cũng như trị giá của trương mục ngoại hối dự trữ của VN cũng sẽ gia tăng đáng kể, như đã trình bày trên đây.

 

(*) Gs/Ts Nguyễn Văn Chữ, Nguyên  giáo sư Kinh tế và Tài chính, Trưởng khoa FMAIS – của University Houston – Downtown.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chưa thể trở thành nền kinh tế thị trường nếu vẫn còn CNXH

Bùi Ngọc Dân

VNTB Chiến lược ‘lãnh đạo’ người Việt Nam ở nước ngoài của đảng CSVN

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đảng CSVN âm mưu ‘lãnh đạo’ các cộng đồng người Việt hải ngoại

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo