GS-TS Nguyễn Văn Chữ
(VNTB) – Chỉ có người Việt quốc nội mới có khả năng đấu tranh cho tự do và hạnh phúc cho dân tộc.
Phần 1: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Phần 2: Thành quả của chính sách “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ Nghĩa”
Phần 3: Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg và người Việt hải ngoại
Phần cuối: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Một hiện tượng khá phổ thông là chúng ta thường cho những gì ta thấy trước mắt là sự thật hay chân lý, nhất là các hiện tượng ở tầm cỡ vĩ mô, mà không suy tư, phân tích, hay so sánh để kiểm nghiệm nhận định của chính mình. Chẳng hạn, kế hoạch “đổi mới” năm 1986, khởi đầu cho quá trình phát triển đất nước trong gần 4 thập niên qua, được rao giảng và nhiều người trong chúng ta cho là kế sách “ưu việt” này là công lao của đảng và nhà nước Việt Nam.
Nhưng nếu suy gẫm kỹ hơn, chúng ta có thể thấy rằng chính các rào cản của chủ thuyết kinh tế trung ương hoạch định mà đảng và nhà nước đã áp đặt lên nền kinh tế từ năm 1975 đã đưa nền kinh tế đến khó khăn và nghèo đói. Kế hoạch “đổi mới” chỉ là tháo gỡ một số những rào cản mà chính nhà nước cài đặt đưa đến vấn nạn quốc gia để chuyển nền kinh tế sang mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa để người dân có cơ hội để kinh doanh và phát triển.
Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà cũng do chính đảng và nhà nước tạo ra từ năm 1986, quan chức đã lại bày ra và áp đặt nhiều rào cản mới dưới muôn hình vạn trạng mà rào cản nguy hại nhất là tạo môi trường cho và dung túng tham nhũng, rồi lại đốt lò để thanh trừng hay triệt hạ phe nhóm đối lập hầu tạo uy tín cá nhân. Các rào cản này cản trở mức độ phát triển kinh tế nghiêm trọng và đưa nền kinh tế đến cửa của bẫy thu-nhập-trung-bình.
Mặc dù với nhiều rào cản, nền kinh tế VN vẫn đạt được nhiều thành quả đáng kể nhờ vào năng khiếu và tinh thần cầu tiến cùng sáng tạo cá nhân của người dân, và không thể phủ nhận vai trò của kiều hối. Tuy nhiên cũng vì các rào cản này nên nếu so sánh với quá trình khởi sắc của các lân bang trong vùng Đông Nam Á, thì thành quả của VN thật khá khiêm tốn. Dù vậy, đảng và nhà nước không những che dấu sự thật này mà còn rất tự hào và cho đây là thành quả và công lao cao dày của họ.
Trên đây là khó khăn nan giải của Đảng Cộng Sản và quan chức Việt Nam. Hơn nữa, các khó khăn này là do chính họ gây ra mà dường như hiện nay chính họ không thể khắc phục. Ngoài ra, lịch sử đã cho thấy một cách rõ ràng rằng chế độ độc đảng, độc tài, toàn trị không thể mang lại ấm no, thịnh vượng cho dân tộc, dù những lãnh đạo cộng sản luôn biện minh và bảo vệ vì quyền lợi cá nhân và phe nhóm của họ. Hệ luận tất yếu là để mang lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho dân tộc, thể chế này phải thay đổi.
Và, như vừa chỉ ra trong thí dụ trên, người Việt hải ngoại có một vũ khí sát thương để thay đổi chế độ đó là: nguồn kiều hối, “áo gấm về làng” và “mang chuông về đánh tại quê nhà”.
Nghi vấn phải đặt ra là tại sao vũ khí sát thương này không được đem ra để mang lại tự do, ấm no, và hạnh phúc cho người Việt tại Việt Nam?
Đáp án phổ thông nhất là truyền thống trọng nghĩa tình của người Việt hải ngoại: “chị ngã em nâng” trong gia đình và “lá lành đùm lá rách” ngay cả “áo rách đùm áo tả tơi” ngoài xã hội, và tâm lý không chịu thua kém chòm xóm của một số người thân (keeping up with the Joneses), như đã trình bày trên đây.
Một lý do khác có thể là vấn đề sau đây không được tranh luận công khai và tường tận để chỉ ra bản chất thật của người cộng sản. Ở một tầm cỡ nào đó, ngoài các bản chất khác, chỉ trên phương diện lý luận thì trong thiên đàng cộng sản thành phần lãnh đạo phải trần truồng. Nhìn vào xã hội Việt Nam ngày nay, quan chức lãnh đạo, ngay cả tại cấp xã cũng sống trong biệt phủ thì thân thể không thể trần truồng. Thế nên, chúng ta không thể không hoang mang là chủ thuyết cộng sản mà họ tuyệt đối tôn thờ và thiên đàng cộng sản mà họ rao giảng cũng như nhưng lời Bác đã dạy là gì. Ngoài ra, các đảng viên cũng là quan chức luôn có trình độ lý luận cao, nhưng chúng ta thấy họ chỉ thể hiện khi thành khẩn khai báo trước tòa và đem huy chương và bằng khen ra xin giảm án do tham nhũng, chứ không nghe hay thấy họ lý luận hiệu quả hay hợp lý nơi nào khác.
Một mặt khác nữa là sự hiện hữu rất rõ hiện tượng xã hội Post-truth (do Pinker diễn giải; Pinker, 2018) trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Xã hội Post-truth là một xã hội mà trong đó các cá nhân hay các tập thể thành viên “không còn đồng thuận về tiêu chuẩn khách quan để minh định sự thực hay chân lý” mà các cá nhân hay tập thể “đã đồng thuận khi dùng những tiêu chuẩn chủ quan của riêng họ để minh định sự thực hay chân lý theo tư duy của họ”.
Để nắm bắt vấn đề này, thử quan sát ba làn sóng di dân theo thời điểm họ rời Việt Nam: (i) trước 30 tháng 4, năm 1975; (ii) từ 30 tháng 4, năm 1975 đến 1 tháng 1, năm 2000, và (iii) sau 1 tháng 1, năm 2000. Vì khác biệt lý do và hoàn cảnh khi họ rời Việt Nam cũng như những trải nghiệm của cuộc sống của họ trước khi họ rời VN nên Việt kiều trong các làn sóng di dân này không đồng thuận về tiêu chuẩn khách quan để minh định văn hóa hay cách hành xử của Đảng và quan chức chính quyền VN mà khi suy tư đến đề tài này, mỗi nhóm sẽ dựa vào những tiêu chuẩn chủ quan của riêng họ.
Không những thế mà các cá nhân hay tập thể của các làn sóng di dân này còn khác nhau khá nhiều trong các lãnh vực sau đây: (I) mức độ hội nhập vào xã hội; (II) công việc/nghề nghiệp và hiển nhiên những khó khăn hay nhiêu khê của công việc tại quốc gia thứ hai; (III) nhu cầu và mức độ vui vẻ hạnh phúc khi thăm viếng VN; (IV) vấn đề an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, an toàn cá nhân khi thăm VN; (V) mức độ gắn bó với gia đình và bạn bè tại VN; (VI) mức độ tương đồng và dị biệt giữa tư duy và văn hóa tại VN; (VII) khả năng, thiện chí để du lịch/tham quan tại các quốc gia và lãnh thổ khác hơn là VN, có rất nhiều quốc gia và lãnh thổ có nhiều phong cảnh đẹp và hữu tình không kém VN, nhưng đến các nơi này, người Việt sẽ không có “hào quang Việt kiều” như tại VN; và nhiều vấn đề tế nhị khác nữa. Một hệ luận gần như không thể phản biện là do các dị biệt này mà cộng đồng người Việt hải ngoại tại một quốc gia hay lãnh thổ, hay rộng lớn hơn, các cộng đồng Việt kiều tại các quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, kể cả tại Việt Nam, đều mang bản chất rõ rệt của một xã hội Post-truth.
Các dữ liệu thống kê, vì chỉ từ một mẫu nhỏ được lấy một cách ngẫu nhiên (a small convenient sample) nên xác suất sai lạc có thể sẽ cao, dường như yểm trợ các luận cứ rằng: dù trong xã hội post-truth như thuyết giải trên, hầu hết các quyết định về kiều hối và áo gấm về làng dựa trên truyền thống trọng nghĩa tình của người Việt hải ngoại cùng với văn hóa của một số người thân tại quê nhà, và các khác biệt (i) –(vii) nêu trên, nhất là trường hợp của số đông người Việt trong làn sóng di dân từ sau 1 tháng 1, năm 2000.
Trong giả định rằng dữ liệu thống kê trên không quá sai lạc thì những quyết định liên quan đến kiều hối và áo gấm về làng mang bản tính cục diện, kích động, theo xu hướng nhất thời (impulsive) và chỉ nhằm vào chủ đích riêng tư mà không quan tâm đến bao hệ quả tiêu cực, có thể, đến tha nhân, và tập thể xã hội VN do cách hành sử của đảng và quan chức. Trong khi những người đưa ra quyết định để hành động này luôn cảm thán về hành vi của Đảng và quan chức Việt Nam như kinh nhật tụng mà lại vô tình tích cực bảo vệ họ bằng hành động phát sinh từ tư duy ích kỷ riêng tư. Các ước mơ và kỳ vọng nhan nhản sau đây phản ảnh bản chất của quyết định mang bản chất nhất thời về kiều hối và áo gấm về làng: tôi cố dành dụm tiền để gửi tiền về cho gia đình tôi có cái tết vui vẻ (hoành tráng) hay gia đình tôi cố dành dụm để về thăm quê và du lịch để ngắm cảnh đẹp, hùng vĩ, và hữu tình tại Việt Nam.
Một tư duy cũng nhằm vào chủ đích riêng tư trong xã hội xã hội Post-truth nữa là nghi kỵ rằng “nếu mình không gửi tiền về giúp người thân sẽ đưa đến hai hệ quả tiêu cực sau đây: (I) người thân sẽ nghèo khổ, và (II) trong khi người khác gửi tiền về không những sẽ giúp đỡ người thân của họ mà còn có thể tạo nên cơ hội để ‘ăn trên, ngồi trước’ sau này”. Lối suy tư này cũng là một nguyên nhân khá quan trọng cho số kiều hối gửi về Việt Nam.
Một sự thật khó có thể phản biện là không mấy ai bị bắt buộc phải rời quê cha đất tổ để di cư đến các quốc gia Tây Âu và bắc Mỹ; do đó, những nơi này phải có những cái gì đó thu hút những luồng người di dân qua năm tháng trong lịch sử. Ba trong những cái thu hút này chắc phải là tự do, dân chủ, và cơ hội kinh tế, tại các nơi này.
Công dân của một xã hội dân chủ có nhiều quyền tự do, trong số các quyền tự do đó, quyền quyết định về mọi mặt của cuộc sống của chính mình là quyền cơ bản nhất. Và, cũng trong xã hội dân chủ, các quyết định cá nhân trong xã hội sẽ tập đại thành nền tảng của “nguyên tắc đa số lãnh đạo và quyền của thiểu số (The principle of majority rule and minority right)”. Nền dân chủ của một quốc gia không phải là một thiên khải mà là hình thành qua một chuỗi của các tập đại từ các quyết định của những con người trong xã hội đó qua thời gian.
Do đó để xây dựng, bảo tồn nền dân chủ, hay thay đổi nguyên tắc “thiểu số lãnh đạo và đa số là công cụ”, các quyết định cá nhân trong xã hội phải toàn diện, trung thực, và nhất quán. Và, đây là trách nhiệm của những con người yêu chuộng tự do. Hơn nữa, trách nhiệm này không thể hoàn tất bằng những quyết định theo xu hướng nhất thời, chỉ nhằm vào chủ đích riêng tư. Một quyết định toàn diện, trung thực, và nhất quán cho một vấn đề trọng đại đòi hỏi người quyết định phải cẩn thận tìm kiếm (đến mức tối đa có thể) tất cả các yếu tố liên hệ đến vấn đề và phân tích, suy gẫm, đắn đo, so sánh cả hai mặt tích cực (bao gồm cả lợi ích cá nhân) và tiêu cực của các yếu tố này trước khi chọn lựa một quyết định để hành động.
Những quyết định theo xu hướng nhất thời hay do thúc dục của người thân từ quê nhà, chỉ nhằm vào chủ đích riêng tư của các thành viên trong trong xã hội và tư duy nghi kỵ, vừa trình bày, qua quá trình tập đại thành thường có thể không những không mang lại kết quả tối ưu mà còn có thể gây nguy hại đến tha nhân, hoặc lợi ích tập thể của xã hội và dân tộc mà lắm khi chính những cá nhân quyết định cũng không ngờ. Trớ trêu thay, dù vô tình hay cố ý, đây là sự lừa dối chính mình, tha nhân, và tập thể xã hội.
Trở lại chủ đích của những dòng tạp ghi này, người viết không có bất kỳ ảo tưởng nào cho rằng những dữ liệu thống kê, sự kiện, vấn đề, cảm thán trình bày trên đây là trung thực hay độc nhất, vì đây là các vấn đề rất to lớn và phức tạp vượt xa sự hiểu biết cá nhân. Do đó, xin xem đây là một vài nét chấm phá đơn sơ của một bức tranh thủy mạc nên “chân dung thật” của nó còn tùy theo suy diễn trong tâm tư của mỗi người, được lấy một cách ngẫu nhiên.
Từ một góc độ khác, các cuộc đấu tranh của Ba Lan, Tiệp Khắc, và Nam Phi, đã không có Charles de Gaulle của Pháp, mà chỉ có Lech Wałęsa, Václav Havel, và Nelson Mandela; được hiểu là chỉ có người VN quốc nội mới có khả năng đấu tranh cho tự do và hạnh phúc cho dân tộc.
Tuy nhiên, dùng bạo lực để áp đặt quy luật “thiểu số lãnh đạo và đa số là công cụ” nên Đảng Cộng Sản và quan chức chính quyền Việt Nam đang đưa nền kinh tế quốc gia vào bẫy thu-nhập- trung-bình mà dường như họ không thể tìm ra lối thoát tại quốc nội nếu họ không nhìn ra được cái lỗi cơ bản này. Sau gần nửa thế kỷ, sức mạnh kinh tế và chất xám của Việt kiều rất lớn và vì văn hóa trọng nghĩa tình đã gián tiếp giúp chế độ vượt qua cơn khủng hoảng vào cuối thập niên 1980. Trong khi tình hình thế giới, nhất là tại Mỹ, đang giao động, chính phủ Việt Nam đang động viên gần như tòan bộ hệ thống chính phủ mang Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg đến sân nhà của các cộng đồng Việt kiều không ngoài chủ đích là lập lại trải nghiệm của cuối thập niên 1980.
Tại khúc quanh của lịch sử này, các cộng đồng người Việt năm châu trực diện với cơn hồng thủy đang ồ ạt tràn đến để vô hiệu hóa vũ khí sát thương của chúng ta. Như vừa trình bày ở trên, chỉ có người VN quốc nội mới có khả năng đấu tranh cho tự do và hạnh phúc cho dân tộc. Tuy nhiên, đây là vấn đề trọng đại của đất nước, Việt kiều có trách nhiệm phải chân thật với chính mình và với đồng bào trong nước qua hình thức nhất quán giữa tư duy qua lời nói và hành động. Trong xã hội tự do mà chúng ta đang sống, không cá nhân hay đoàn thể nào có thể áp đặt tư duy của mình lên kẻ khác.
Do đó, nếu ai cho rằng chân thật với chính mình và với đồng bào trong nước qua hình thức nhất quán giữa tư duy qua lời nói và hành động là việc nên làm thì cần cẩn thận tìm kiếm, đến mức tối đa mà mình có thể, tất cả các yếu tố liên hệ đến vấn đề này và phân tích, suy gẫm, đắn đo, so sánh cả hai mặt tích cực (bao gồm cả lợi ích cá nhân) và tiêu cực của các yếu tố tìm được trước khi chọn lựa một quyết định để hành động trong vấn đề “kiều hối và áo gấm về làng” theo tư duy và hoàn cảnh của chính mình. Quyết Định Số 1334/QĐ-TTg cũng nhắm vào chất xám từ cộng đồng Việt kiều, những hiện tượng du sinh từ VN luôn tìm đường ở lại, quan chức mua quốc tịch cũng như tài sản ngoại quốc, mới đây 25 cán bộ, giảng viên thuộc Đại học Đà Nẵng sau khi hoàn thành xong quá trình đào tạo, công tác tại nước ngoài đã không về nước theo hợp đồng ký kết, và quá trình phối trí nhân dụng tại VN là vài biến số, trong nhiều biến số khác, mà các bậc muốn “vác chuông về đánh tại quê hương” nên suy gẫm. Đồng thời cũng không thể quên rằng tại sao mình đang sống tại đất nước thứ hai này và không có cuộc đấu tranh nào mà không có sự hy sinh, ngay cả đổ máu.
Qua quá trình này, mỗi cá nhân trong cộng đồng người Việt hải ngoại, dù trong xã hội post-truth, sẽ quyết định và hành động theo tư duy và điều kiện của chính mình trong vấn đề “kiều hối, áo gấm về làng, vác chuông về đánh tại quê nhà”. Những kết quả của tất cả các quyết định để hành động cá nhân này sẽ tập đại thành số kiều hối và số ngoại tệ từ số lượt áo gấm về làng, cũng như số lượng “chuông” được mang về đánh tại quê hương.
Nếu hầu hết người Việt hải ngoại cho rằng nên chân thật với chính mình và với đồng bào trong nước qua hình thức nhất quán giữa tư duy qua lời nói và hành động thì đa số các quyết định sẽ không còn chỉ nhằm vào chủ đích riêng tư. Kết quả tất yếu có thể là kiều hối và số chuông mang về VN tập đại thành vẫn có thể giúp Đảng Cộng Sản tiếp tục áp đặt quy luật “thiểu số lãnh đạo và đa số là công cụ” và bảo toàn ghế của quan chức, để một số chúng ta nhìn cơ hội lịch sử có thể mang lại tự do, hạnh phúc, ấm no cho dân tộc trôi qua trong hối tiếc; hay có thể giảm đi giúp thiết lập cơ bản của nền dân chủ “nguyên tắc đa số lãnh đạo và quyền của thiểu số” tại Việt Nam. Dù kết quả nào cũng đều cho đồng bào quốc nội rõ tư duy thật của Việt kiều về Đảng Cộng Sản và quan chức chính quyền cũng như cách hành xử của họ.
Sau cùng, để thay ời tạ từ, xin ghi nhận những dòng tạp ghi này là những hạt bụi đời còn lưu đọng lại trên mái tóc đã đổi màu và luyến lưu trong tâm tư của người viết trong những bước chân lần đá qua suối tại quê hương thứ hai. Do đó, đây chỉ là những suy tư theo thiển kiến của mình về vấn đề rất lớn hiện nay.
_____________________
Tài liệu tham khảo:
1. Akhaya, P. T. 2018. Vietnam inks agreement with Ericsson to open IoT innovation Hub (2018, November 30).e27. Retrieved from https://www. e27.co.
2. IMF. 2023. Vietnam: 2023 Article IV Consultation-Press Release; Staff Report; and Statement by the Executive Director for Vietnam. IMF Country Rport No. 23/338 (September 27, 2023). https://www.imf.org. Truy cập vào ngày 15, tháng 1, năm 2024.
3. IMF. Direction of Trade Statistics (DOTS). https://data.imf.org . Truy cập vào ngày 15, tháng 1, năm 2024.
4. Kang, N., and Paus, E. 2020. The Political Economy of the Middle Income Trap: The Challenges of Advancing Innovation Capabilities in Latin America, Asia and Beyond, The Journal of Development Studies, 56:4, 651-656, DOI: 10.1080/00220388.2019.1595601.
5. Kleinen, J. 2015. Vietnam: One-Party State and the Mimicry of Civil Society. Occasional Paper-Investigation Series 03. Research Institute on Contemporary Southeast Asia. Bangkok, Thailand.
6. Klingler-Vidra, R. and Wade, R. 2020. Science and Technology Policies and the Middle-Income Trap: Lessons from Vietnam. The Journal of Development Studies, Vol. 56(4), pp. 717-731, DOI: 10.1080/00220388.2019.1595598.
7. Lewis, W.A. 1955. The Theory of Economic Growth. Routledge Library Editions (2003), London, U.K., and New York, USA.
8. Nguyen, C.V., Hiệp, N.P., Lộc, N.B. 2021. Một Góc Nhìn Về Chiến Tranh “Mậu Dịch” Mỹ-Trung Và Hệ Quả Đến Việt Nam. Nhóm Việt 2000, Houston, U.S.
9. Raj-Reichert, G. 2020. Global Value Chains, Contract Manufacturers, and the Middle-Income Trap: The Electronics Industry in Malaysia, The Journal of Development Studies, 56:4, 698-716, DOI: 10.1080/00220388.2019.1595599.
10. Pinker, S. 2018. Enlightenment NOW: The Case for Reason, Science, Humanism, and Progress. Viking, an imprint of Penguin Random House, LLC.
11. Singer, H. W. 1998. Growth, Development and Trade. Edward Elgar Pub lishing Company, UK.
12. VietnamNet (2024) Remittances to Vietnam hit record high of US$16 billion in 2023 (03/02/2024). https://vietnamnet.vn/en/remittances-to-vietnam-hit-record-high-of-us-16-billion-in-2023-2246752.html.
(*) Gs/Ts Nguyễn Văn Chữ, Nguyên giáo sư Kinh tế và Tài chính, Trưởng khoa FMAIS – của University Houston – Downtown.