VNTB – Nhận thức – loay hoay hoài vẫn chưa ra!

VNTB – Nhận thức – loay hoay hoài vẫn chưa ra!

Mỹ Thuận

(VNTB) – Từ báo cáo kinh tế Đại hội XII, đến Nghị quyết 11/2011, đến dự thảo báo cáo kinh tế đại hội XIII cho thấy, “nhận thức” đang là vấn đề.

Sẽ cần thêm 10 năm nữa để đến 2030 những nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam mới hoàn thiện nhận thức để hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo báo cáo kinh tế Đại hội XIII đánh giá: “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi”.

Báo cáo kinh tế của Đại hội XII từng lý giải những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trong đó nguyên nhân chủ quan chính là “nhận thức”:

“Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực, cơ chế cung ứng dịch vụ công, giá dịch vụ trong giáo dục, y tế,… chưa đủ rõ, còn khác nhau, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển”.

Dự thảo báo cáo kinh tế của Đại hội XIII lại một lần nữa thừa nhận vấn đề “nhận thức”:

”Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất, nhất là vấn đề quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân… Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển”.

Từ đó, dự thảo cho rằng việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “đột phá chiến lược”… trong giai đoạn 10 năm tới:

“Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ.

Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”.

Tóm tắt, cả hai đoạn văn kiện cách nhau 5 năm, với câu từ, ngữ nghĩa gần như na ná nhau, và đều chung hứa hẹn là trong thời gian tới sẽ có câu trả lời rõ ràng, thế nào là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở một quốc gia đơn đảng như Việt Nam.

Chờ đợi – chờ đợi, và lại chờ đợi.

Trong thời gian đang có hứa hẹn ‘chung cuộc’ vào năm 2030, có lẽ những vị quan chức chuyên hoạch định chính sách thế nào là ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’, cần trả lời ngay hôm nay về những câu hỏi thời sự:

Trên nghị trường Quốc hội, từ ngày 3 đến 6/11, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Không biết các vị kể tên ở trên có cảm xúc gì khi nhìn cảnh những ngôi nhà sụp đổ, đồ đạc bị nước cuốn trôi, cảnh cả một ngôi làng bị xoá sổ, cảnh những xác người chìm lấp trong bùn đất, cảnh những con người gào khóc tìm thân nhân, gỗ trôi lấp kín mặt sông…?

Thưa các vị, trong số những người đã chết trong đợt lũ lụt vừa rồi có cả những sĩ quan, chiến sĩ Quân khu 4 – chết vì bão lũ, hy sinh trong lúc tham gia cứu hộ nạn nhân. về nguyên nhân lũ lụt, sạt lở kinh hoàng trong những ngày qua ở miền Trung cũng như trách nhiệm quản lý của từng bộ trưởng.

Nếu không được lý giải đầy đủ và có trách nhiệm, người dân sẽ không hiểu sự khác nhau giữa một cái đập thủy điện và một hồ thủy điện; sẽ khó thông được khả năng giữ đất, giữ nước, chắn gió, chắn sóng của một cánh rừng tự nhiên và một cánh “rừng” keo (thường sẽ được khai thác sau 6 hoặc 7 năm) hay “rừng” cao su (20-25 năm) dù có thể trên báo cáo, nhiều héc-ta cây trồng ấy cũng được gọi là rừng.

Tương tự, người đang đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam cần trả lời mỗi một thắc mắc thôi: Những căn cứ khoa học nào cho thấy đến năm 2030, Việt Nam sẽ có câu trả lời mạch lạc rằng thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Tính tương thích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế chung toàn cầu vào năm 2030 sẽ ra sao?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)