Hà Nội vẫn dè dặt với những sáng kiến của Manila về vùng biển tranh chấp với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 29/01/2024 bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước Việt Nam đến ngày 30/01. Riêng về vấn đề Biển Đông, nhân chuyến đi này, Marcos Jr. có lẽ sẽ cố thuyết phục Việt Nam ủng hộ đề xuất của ông về một bộ quy tắc ứng xử riêng giữa Philippines với Việt Nam và Malaysia. Nhưng nói chung Hà Nội vẫn dè dặt với những sáng kiến của Manila về vùng biển tranh chấp với Trung Quốc.
Ngay trước khi kết thúc chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN năm 2023, Indonesia đã huy động các ngoại trưởng của khối này đưa ra tuyên bố riêng về Biển Đông ngày 30/12 trong bối cảnh căng thẳng leo thang, đặc biệt là giữa Philippines và Trung Quốc. Bày tỏ “mối quan ngại”, tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN kêu gọi các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông “ tự kiềm chế” và “tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình”. Đặc biệt ASEAN đã đề cập đến “khu vực hàng hải của chúng ta” và tái khẳng định “sự thống nhất và đoàn kết” giữa các thành viên, trong đó có Philippines, một quốc gia sáng lập ASEAN đã có nhiều xung đột với Trung Quốc xung quanh khu vực Bãi Cỏ Mây ( Second Thomas Shoal ) trong vài tháng qua.
Tuy nhiên, ASEAN đã không chỉ trích đích danh Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của khối và cũng không đưa ra bất kỳ trợ giúp cụ thể nào cho Philippines, ngoài việc nhắc lại cam kết về các cuộc đàm phán dường như không bao giờ kết thúc với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Một số nhà lãnh đạo ASEAN còn gián tiếp chỉ trích lập trường cứng rắn hơn của Philippines trong vùng biển tranh chấp với Trung Quốc. Vì thấy không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của ASEAN, Philippines dường như đang muốn dựa vào liên minh chiến lược với các nước láng giềng có cùng chí hướng, đặc biệt là Việt Nam.
Vào ngày 20/11/2023, ông Marcos Jr. tuyên bố Philippines đã tiếp cận các nước láng giềng như Việt Nam và Malaysia để xây dựng một “Bộ quy tắc ứng xử” (COC) ở Biển Đông riêng giữa ba nước, trong khi chờ bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN với Trung Quốc mà tiến trình đàm phán vẫn diễn ra quá chậm.
Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Marcos Jr. kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán COC riêng với các nước láng giềng của Philippines, vì ông muốn tận dụng ảnh hưởng tập thể để phản đối các điều khoản có lợi cho Trung Quốc trong bộ quy tắc ứng xử đang đàm phán với ASEAN. Đồng thời thông qua việc đe dọa đưa ra một COC riêng, tổng thống Philippines cố gây áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong hồ sơ này.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 17/01/2024, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt nhận định về sáng kiến của tổng thống Marcos Jr.:
“Philippines là một quốc gia nổi tiếng xưa nay có rất nhiều sáng kiến. Ngay cả sáng kiến đầu tiên về bộ quy tắc ứng xử COC từ những năm 1990 là bắt đầu từ phía Philippines. Chính vì vậy Philippines đã rất năng nổ trong việc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Nhưng Philippines là một nền dân chủ, một tổng thống chỉ nắm quyền một nhiệm kỳ tối đa là 6 năm và chính sách có thể thay đổi rất nhiều, cho nên lập trường của Philippines về vấn đề này luôn luôn thay đổi. Dưới thời tổng thống Aquino III, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực. Nhưng đến 2016, khi Duterte trở thành tổng thống thì Manila lại xoay trục về phía Trung Quốc, hoàn toàn muốn thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Đến thời tổng thống Marcos Jr. thì lại có thay đổi.
Có lẽ đây là một sáng kiến tốt của Philippines? nhưng thành công của nó thì chúng ta còn phải cân nhắc và chờ xem. Chưa kể là từ 2012, các nước ASEAN đã thống nhất với nhau một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, gọi là bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử số 0, do Indonesia khởi thảo. Tức là trước đó, do sự rất chậm trễ của tiến trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, đã có những ý kiến rằng nên chăng các nước ASEAN tự mình đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, rồi sau đó mới đưa Trung Quốc vào? Toàn bộ các nước ASEAN đã đồng ý với bản dự thảo của Indonesia. Sau đó, ASEAN đã mời Trung Quốc tham gia, nhưng Trung Quốc từ chối.
Bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đó đã bị vứt vào sọt rác. ASEAN và Trung Quốc phải làm lại từ đầu trong tiến trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, tại vì trong bộ quy tắc ứng xử này, Trung Quốc là bên tham gia cực kỳ quan trọng, bởi Trung Quốc hiện là cường quốc lớn nhất khu vực, cả về kinh tế và về quân sự. Nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc thì rất khó. Mười quốc gia ASEAN đã đồng ý một bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông thế mà vẫn chưa thể buộc Trung Quốc tham gia, thì liệu 3 quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Philippines có thể khiến Trung Quốc chấp nhận ngồi vào bàn để đàm phán các điều khoản đó hay không? Tôi nghĩ là không chỉ Việt Nam, mà cả Malaysia đều phải cân nhắc kỹ vấn đề này.”
Ngay sau tuyên bố của tổng thống Marcos Jr. về việc soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử riêng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh đã cảnh báo rằng “bất kỳ hành động nào rời xa khuôn khổ và tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC đều sẽ vô hiệu”. Tuyên bố này không chỉ cho thấy Trung Quốc chống lại đề xuất của Marcos Jr., mà còn thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh ngăn chặn Philippines gây rối loạn tiến trình đàm phán COC giữa ASEAN với Trung Quốc. Ngoài việc thuyết phục hai nước ủng hộ bộ quy tắc ứng xử riêng, Philippines còn đặt mục tiêu lôi kéo Việt Nam và Malaysia vào cuộc chiến chống lại Trung Quốc ở Biển Đông để củng cố vị thế thương lượng của mình. Thông qua hợp tác với các bên tranh chấp khác, Philippines cũng có ý định ngăn chặn Trung Quốc có những hành động gây hấn ở Biển Đông.
Nhưng trong một bài viết đăng trên trang EastAsiaForum ( Diễn đàn Đông Á ) ngày 02/01/2024, ông Nian Peng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á Hồng Kông (RCAS), Hồng Kông, cho rằng Việt Nam và Malaysia khó có thể làm theo đề xuất của Marcos về việc xây dựng một COC riêng. Theo nhà nghiên cứu này, khác với Philippines, Việt Nam không có ý định khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông. Thay vào đó, Hà Nội chủ trương dùng biện pháp ngoại giao để quản lý một cách thận trọng các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mà không gây tổn hại quan hệ song phương. Việt Nam khó có thể tham gia phe chống Trung Quốc của Philippines.
Đây phần nào cũng là ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Việt:
“Về mặt lý thuyết, rõ ràng Việt Nam luôn ủng hộ những sáng kiến nào khiến cho bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sớm được ra đời và có hiệu lực, mà phải có tính pháp lý cao và phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Nhưng trên thực tế thì Việt Nam rất dè dặt với sáng kiến này của Philippines, bởi vì, như đã trao đổi ở trên, Philippines rất năng động đưa ra các sáng kiến, nhưng họ lại làm không chắc chắn, cho nên nhiều lúc Việt Nam lo rằng Philippines có những hoạt động mang tính “phiêu lưu” và điều này thì hoàn toàn Việt Nam không muốn, đặc biệt trong bối cảnh mà Việt Nam mới đưa mối quan hệ với Trung Quốc lên tầm cao hơn, sau chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái.
Nói cho cùng Việt Nam rất muốn ủng hộ Philippines hoặc là muốn Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông sớm ra đời, nhưng Việt Nam lo ngại, một là sự phiêu lưu trong các quyết định của Philippines, hai là sự chia rẽ vẫn còn rất lớn trong nội bộ ASEAN, ba là sức mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn muốn sử dụng ASEAN và sử dụng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông như là một công cụ để loại các quốc gia khác như Hoa Kỳ khỏi việc đàm phán này.
Philippines là một đồng minh của Mỹ, nên dựa hẵn vào Mỹ, luôn viện dẫn Hiệp định hổ tương quân sự ký với Mỹ 1951. Trong khi đó, Việt Nam chọn cách khác, đó là dựa vào sức mình. Trong lúc Việt Nam đang “đu dây”, gọi một cách chính thống hơn là “cân bằng quan hệ” với Mỹ và với Trung Quốc. Đương nhiên Việt Nam “cân bằng” không có nghĩa là sẽ nhượng bộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, một trong những vấn đề gay góc nhất trong mối quan hệ. Nhưng Việt Nam hiểu rằng tranh chấp Biển Đông sẽ kéo rất dài và trước mắt Việt Nam phải làm sao duy trì được môi trường hòa bình để tránh xung đột quân sự và để Việt Nam có không gian để phát triển được. Tức là phải vừa giữ được chủ quyền biển đảo của đất nước, nhưng phải duy trì được sự phát triển kinh tế và từ phát triển kinh tế mới tăng cường được sức mạnh quốc phòng của mình.
Bản thân nhiều học giả Philippines bạn của tôi cũng đặt vấn đề là liệu Mỹ có thực tâm giúp Philippines hay không? Nghi ngại của họ không phải là không có lý: Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm đoạt bãi cạn Scaborough của Philippines mà phía Mỹ chỉ đưa ra vài lời phản đối thôi, không đủ để khiến Trung Quốc dừng tay.”
Còn Malaysia từ lâu đã duy trì cách tiếp cận không đối đầu trong các tranh chấp ở Biển Đông. Bất chấp căng thẳng ở Biển Đông, chính phủ Malaysia luôn nhấn mạnh đến giải pháp ngoại giao. Kể từ khi thủ tướng Anwar Ibrahim nhậm chức vào tháng 11/2022, quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc thậm chí còn chặt chẽ hơn. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Anwar là tăng trưởng kinh tế thay vì gây bất ổn ở Biển Đông.
Indonesia cũng đã có những sáng kiến để quy tụ một số nước ASEAN đối đầu với Trung Quốc, nhưng vẫn không có kết quả mong muốn, như ghi nhận của nhà nghiên cứu Hoàng Việt:
“Bốn quốc gia mà Trung Quốc luôn cho tàu xâm phạm liên tục vào vùng đặc quyền kinh tế là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Năm trước, Indonesia đã có sáng kiến là thành lập liên minh cảnh sát biển giữa 4 quốc gia này hoặc cùng với các nước ASEAN. Nhưng cho tới nay, các bước tiến hành khá là chậm chạp.
Indonesia cũng đã có sáng kiến là tổ chức các cuộc tập trận chung của các nước ASEAN. Năm vừa qua cũng đã có thực hiện nhưng không có nhiều nước tham gia, trong đó có Philippines.”
Dầu sao, vì là hai nước đều có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và thường xuyên bị Trung Quốc sách nhiễu, uy hiếp ở vùng biển này, Việt Nam và Philippines buộc phải tăng cường hợp tác chiến lược để đối đầu với địch thủ chung. Cụ thể, theo báo chí Philippines, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Marcos Jr., Manila và Hà Nội sẽ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Tuần duyên Philippines. Về kinh tế, tổng thống Marcos Jr. hy vọng trong chuyến đi lần này Manila sẽ ký được với Hà Nội một hiệp định mua gạo của Việt Nam để bảo đảm an ninh lương thực cho Philippines.