Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xây cho đủ chỉ tiêu

Minh Triều

 

(VNTB) – 

 

Hàng loạt công trình Nhà nước xây xong nhưng bị bỏ hoang phế là điều không hiếm gặp khắp 63 tỉnh thành. Những công trình này không chỉ là biểu tượng của sự lãng phí mà còn là việc vô trách nhiệm trong quản lý và sử dụng đất đai cũng như tiền thuế của dân.

Chợ Hòa Phát (phường Hoà Phát, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) được xây dựng năm 2016, trên diện tích 4.000m2 với mức đầu tư 10 tỷ đồng đã bị báo chí và người dân đồng loạt phản ánh vì rơi vào cảnh vắng tiểu thương, các sạp hàng đóng cửa, và chợ có nguy cơ bị bỏ hoang.

Theo kế hoạch, chợ bố trí 208 quầy sạp và ki ốt, phục vụ 15.000 hộ dân với kỳ vọng trở thành trung tâm mua sắm, giao thương quan trọng ở phía Tây quận Cẩm Lệ. Thế nhưng, chợ hoạt động trong thời gian ngắn thì nhiều tiểu thương đã bỏ đi nơi khác, chợ rơi vào cảnh vắng lặng. Theo các tiểu thương, nguyên nhân chợ ế khách vì địa điểm không thuận tiện, dân cư ít. Khu vực quanh chợ có nhiều địa điểm buôn bán tự phát, thuận tiện hơn nên người dân không vào chợ mua bán.(1)

Tương tự, chợ Nghĩa Phương (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) được triển khai xây dựng từ tháng 5-2016 trên diện tích gần 4.800 m2 để đạt chuẩn nông thôn mới (được công nhận năm 2017). Công trình có vốn đầu tư trên 4,9 tỷ đồng được hoàn thành, nghiệm thu từ đầu tháng 7-2017. Thế nhưng, dù đã hoàn thành nhiều năm qua, phần lớn khu chợ đóng cửa, nhiều hạng mục xuống cấp, hoang tàn, trong khi đó, tiểu thương phải che lều buôn bán sát bên cạnh.(2)

Chợ Bảo Ninh ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình được đầu tư gần 6 tỷ đồng và khánh thành vào năm 2014. Đây là ngôi chợ khang trang và từng được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, dịch vụ, quảng bá những sản vật biển đặc trưng với du khách… Thế nhưng, chỉ đưa vào hoạt động một thời gian ngắn thì chợ bị bỏ hoang dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng.(3)

Để đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương trên khắp cả nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây chợ mới khang trang mặc dù đã có chợ cũ đông đúc tồn tại nhiều năm. Nhưng sau khi hoàn thành, thì chợ mới lại vắng như chùa bà đanh vì không có tiểu thương đến buôn bán.

Không chỉ có chợ mà còn có nhiều công trình lớn với mức đầu tư vài chục cho đến hàng trăm tỷ khi xây xong nhưng vẫn bỏ hoang phế như: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trên khu đất rộng 13.000 m2 (thuộc xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu), tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng; trường THPT Mai Kính (xã Việt Tiến, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 31 tỷ để xây dựng, nhưng khi chưa kịp hoàn thành thì bỏ hoang; khách sạn Lam Kinh – khách sạn 4 sao tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa được Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư gần 500 tỷ đồng, sau thời gian hoạt động không hiệu quả đã đóng cửa, bỏ hoang;… Và còn rất rất nhiều công trình làm nghèo đất nước mà không thể nào kể hết được.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều nhiều công trình của Nhà nước bị bỏ hoang là do sự yếu kém trong quản lý, rà soát và đánh giá hiệu quả của các công trình. Việc quy hoạch và xây dựng một số công trình không gắn với tập quán, thói quen và điều kiện thực tế của địa phương.

Theo Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, giai đoạn 2016-2021, ngành thanh tra đã triển khai 43.276 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và những nội dung có liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí. Qua thanh tra và kiểm tra 64.671 đơn vị, phát hiện vi phạm về kinh tế là 148.540 tỷ đồng và 143.777 ha đất. Đây là con số rất lớn và pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn có những bất cập, chưa đồng bộ, thiếu chế tài xử lý nghiêm minh.(4)

Công trình hoàn thiện nhưng không được đưa vào sử dụng thì nhà cầm quyền cần phải làm rõ nguyên nhân và xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị triển khai. Phải xem xét trước khi khởi công dự án, chủ đầu tư và các ngành chức năng địa phương đã đánh giá tiềm lực, tiềm năng và hiệu quả công trình chưa? Hay chỉ vẽ, rồi xây lên, khi không triển khai được đành bỏ hoang? Bởi bất kể dự án nào khi triển khai chậm trễ, bỏ hoang phế đều để lại thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Nếu có sự thất thoát, lãng phí, cần xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể… sau đó, cần có biện pháp xử lý cứng rắn để răn đe.

Gần như nhà cầm quyền đã quá quen với việc lãng phí và trốn trách nhiệm khi công trình không thể đưa vào hoạt động. Điều này khiến cho dư luận hết sức bức xúc, hoài nghi về tầm nhìn chiến lược của Đảng, cũng sự yếu kém về cách thức quản lý của các cấp chính quyền chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

______________

Tham khảo:

(1) https://vietnamnet.vn/canh-hoang-lanh-kho-tin-trong-trung-tam-mua-sam-duoc-dau-tu-10-ty-o-da-nang-2277179.html

(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/cho-tien-ty-bo-hoang-tieu-thuong-dung-leu-buon-ban-20210112191150843.htm

(3) https://www.nguoiduatin.vn/ngoi-cho-tien-ty-bo-hoang-gan-chuc-nam-o-quang-binh-a579267.html (4) https://baodautu.vn/lam-ro-trach-nhiem-tai-du-an-lam-ngheo-dat-nuoc-d162876.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Mặt đường càng tệ thì mặt quan càng dày

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nhà cầm quyền chỉ biết “bòn mót” từng đồng của dân

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nữ sinh hành hung, hạ nhục nhau

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.