Hoài Nguyễn
(VNTB) – Báo chí trước hết là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước.
Tại cuộc họp báo ngày 9/5/2025, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói rằng: Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do biểu cảm, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin. Điều này đã được quy định rất rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013, cũng như các văn bản pháp luật khác của Việt Nam.
Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này đều được các nước ghi nhận và đánh giá cao, được trình bày rõ ràng, toàn diện, minh bạch tại Báo cáo quốc gia về bảo hộ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam theo cơ chế (UPR).
Hãy cùng xem xét từ căn cứ điều chỉnh pháp luật của Nhà nước Việt Nam về “quyền tự do biểu cảm, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin” (*).
Trước hết, với Luật báo chí, ở điều 4.1, thì xếp theo thứ tự, báo chí trước tiên là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng; thứ hai là cơ quan nhà nước; sau đó nữa lần lượt là tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Điều 4.2.a và 4.2.b, thì nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí phải tuân thủ theo thứ tự sau đây: a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thể diễn giải nhiệm vụ và quyền hạn trên của báo chí, đó là định hướng chính trị phải luôn “phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”. Với yêu cầu này nên ở các vụ việc tạm gọi là “dân oan” như Thủ Thiêm, Lộc Hưng tại TP.HCM, người ta chỉ thấy thông tin một chiều từ phía chính quyền, mà không phản ánh công khai trên mặt báo sự đa chiều của ý kiến người dân.
“Tôn chỉ, mục đích” mà Luật báo chí yêu cầu đã hạn chế quyền “tự do tiếp cận thông tin”, vì răm rắp thực hiện điều luật 4.2.b này có nghĩa tờ báo như Tuổi trẻ chỉ đưa bó hẹp thông tin về Đoàn thanh niên; báo Gia đình Việt Nam chỉ đưa vấn đề gia đình, món ăn trong các nhà hàng, siêu thị hay nội trợ; tạp chí Giáo dục chỉ đưa thông tin nghiên cứu về giáo dục, kỳ thi tuyển, công tác đào tạo…
“Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, tại điều 1.3 tiếp tục nhắc lại về lằn ranh của quyền tự do báo chí: “Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí”.
Quy hoạch này được đánh giá là sản phẩm duy ý chí của nhà làm chính trị, thay vì phải từ giới chuyên ngành, thật sự am tường về quyền tự do của báo chí.
Một xem xét khác nhìn từ Luật tiếp cận thông tin. Ở điều 6.2 của luật này đưa ra một yêu cầu chủ quan, rằng, “thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế”.
Như vậy có thể lý giải vì sao trên báo chí, người dân chỉ được biết đến các vụ bê bối của phía chính quyền địa phương hay trung ương từ chủ ý được đưa ra của nơi được quyền nhân danh “cơ quan chức năng”, chẳng hạn như Bộ Công an. Thuật ngữ của nghề báo, gọi đây là các thông tin dạng “đá gà chết” (!?).
…Liệu trong bối cảnh qua ghi nhận còn ở mức đôi nét phác họa như trên, người ta có thể mạnh miệng tuyên bố “Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do biểu cảm, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin”?
______________
Tham khảo: