Việt Nam Thời Báo

VNTB- Biểu tình giáo dân sẽ phát triển đến đâu?

Những cuộc biểu tình liên tục với quy mô ngày càng lớn của giáo dân ở Nghệ An đã xác nhận về phong trào biểu tình phản kháng Formosa của người Việt đã chính thức bước vào giai đoạn 2.

30,000 giáo dân giáo phận Vinh biểu tình vì môi trường hôm Thứ Hai 15/8/2016. (Hình: FB Dũng Mai)
Giai đoạn 1 thuộc về những phong trào biểu tình sơ khởi ở Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác. Phong trào này có lúc đã đạt đỉnh điểm đến 4,000 người như ngày 1/5/2016 ở Sài Gòn, sau đó bị công an và “côn đồ” đàn áp đánh đập dã man.
Ngay sau con sóng biểu tình sơ bộ trên, chính quyền đã buộc phải công bố nguyên nhân cá chết trắng 4 tỉnh miền Trung là do chất xả thải của Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đằng sau đó là đảng cầm quyền đã quá chủ quan khi trù tính chỉ cần tung ra con số bồi thường 500 triệu USD của Formosa là dân chúng sẽ im bặt. Ngược lại hoàn toàn, ngay sau khi chính phủ công bố nguyên nhân cá chết cùng giọng điệu “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, giai đoạn 2 của phong trào phản kháng Formosa đã bùng nổ. Nhưng lần này, phong trào tập trung vào khu vực các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề nhất, nơi mà đời sống ngư dân đã cực kỳ bấp bênh và nhiều gia đình bắt đầu phải lo nạn đói kém vì mất hẳn kế mưu sinh trên biển.
“Cùng tắc biến” là cảnh tượng đang diễn ra ở giáo phận Vinh vào những ngày này. Không phải là đám đông nhiều thành phần, bao gồm cả một bộ phận người “đi biểu tình cho vui” và chẳng có ai khởi xướng lẫn lãnh đạo như ở Sài Gòn và Hà Nội vào tháng 5/2016, những cuộc xuống đường của giáo dân Vinh là một tập hợp của sự đồng nhất về xác tín và mục đích, được tổ chức quy củ, có kỷ luật, được dẫn dắt bởi những chủ chăn từ nhà thờ bước ra đường theo cách không còn cách nào khác.
Như một kinh nghiệm rất thường trong đời sống biểu tình phản kháng ở Việt Nam, những cuộc biểu tình có số lượng từ 200-300 người trở xuống đều có thể bị công an đàn áp và tiến tới vô hiệu biểu tình thông qua thủ đoạn cô lập, chia rẽ, hành hung, bắt bớ… Nhưng với những cuộc biểu tình có số lượng từ 400 trở lên, đặc biệt khi số lượng lên đến hàng ngàn người, chính quyền và công an đương nhiên không dám đàn áp. Bài học này đã được chứng nhận qua các cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội vào tháng 5/2015, đình công của con nhân PouYuen ở Sài Gòn vào tháng 4/2015, biểu tình môi trường ở Sài Gòn vào ngày 1 tháng 5/2016, và mới nhất là hàng loạt cuộc biểu tình của bà con giáo dân Vinh và Quảng Bình.
Được biết tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An, lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát chống bạo động và cả dân phòng, quân đội lên đến vài ngàn người, sẵn sàng cô lập và đàn áp những cuộc biểu tình nhỏ lẻ. Nhưng trước sức mạnh đoàn kết và tổng hợp của một đám đông giáo dân lên đến 5,000 người và sau đó đạt đến 30,000 người, không một lực lượng cảnh sát nào dám “tham chiến”.
Bất lực vì phải đứng nhìn, giới tuyên giáo, công an và dư luận viên của đảng đành trở lại luận điệu “Giám mục Nguyễn Thái Hợp có phải là người của Việt Tân?”.
Vào thời gian tới, có nhiều lý do để những cuộc biểu tình giáo dân vẫn tiếp tục và tiếp tục phát triển mạnh hơn. Quá nhiều khuất tất của giới chức chính quyền trong giai đoạn “hậu Formosa” đang khiến biển tiếp tục chết, và ngư dân tiếp tục tha phương cầu thực. Người dân đã bị đẩy tới đường cùng. Chỉ cần một mồi lửa đàn áp của công an là rất dễ thổi bùng cả một đống lửa của giáo dân  – những cuộc biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người – để thiêu rụi tất cả.
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo