Hà Nguyên
(VNTB) – Có thể gọi đây là hình thức của biểu tình, tức đám đông công chúng muốn bày tỏ ý chí, nguyện vọng cảm phục với một lối tu tập của người có pháp danh Thích Minh Tuệ.
Ông Hồ Quang Bửu, người được được phân công điều hành UBND tỉnh Quảng Nam cho đến khi bầu chủ tịch UBND tỉnh, vừa ký công văn về việc thực hiện công tác quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo trên địa bàn tỉnh, gửi Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Theo đó yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn nơi có lộ trình ông Thích Minh Tuệ đi qua xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông; tập trung vận động chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân không tập trung đông người nơi công cộng, gây cản trở, ách tắc giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn.
Hiểu theo ngôn ngữ triết học mà Sigmund Freud trong tác phẩm “Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi” đã viết thì chính quyền Quảng Nam đang lo sợ hiệu ứng của đám đông, bởi theo Freud thì: “Hiệu ứng đám đông là một hiệu ứng tâm lý mang tính dây chuyền. Theo đó cách hành xử của đám đông sẽ có tác động đến tâm lý của người ngoại cuộc.
Thông thường hệ quả của nó là người chịu tác động của hiệu ứng này sẽ hành xử giống như những gì đang xảy ở hiệu ứng, hoặc chí ít cũng có khuynh hướng hành động như vậy. Cứ như vậy, số lượng người tham gia vào hiệu ứng càng nhiều và kết quả của hiệu ứng càng lớn hơn”.
Hiệu ứng đó lúc này đối với đạo Phật nói chung và tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng cho thấy phần nào trái ngược nhau, khi mà cộng đồng cho rằng hạnh tu tập không màng danh lợi, không phụ thuộc vào điểm tu hành chùa chiền, chỉ nhận vừa đủ dùng một bữa hóa duyên trước ngọ ở mỗi ngày, không nhận cúng dường bằng bạc tiền của bá tánh thiện tâm, không lệ thuộc vào tổ chức Giáo hội Phật giáo như ngài Minh Tuệ là một phép thực hành của quyền tự do tôn giáo.
Những diễn biến suốt thời gian qua liên quan đến bộ hành của ngài Minh Tuệ, đối với thể chế chính trị mang định kiến nhìn đâu cũng thấy “thế lực phản động” – “diễn biến hòa bình”, thì rất có thể là sớm muộn gì đoàn lữ hành này cũng phải đối mặt với cáo buộc “tụ tập đông người trái pháp luật”.
Chính quyền sẽ viện dẫn Điều 7 Nghị định số 38/2005/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Mục 4 Thông tư 09/2005/TT-BCA quy định việc tụ tập đông người ở nơi công cộng được hiểu là trường hợp tổ chức tập trung từ 5 người trở lên tại các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người, để rồi sau đó cho rằng vì “đám đông tuần hành” này không xin phép theo trình tự thủ tục hành chính nên “trái pháp luật”, cần phải được giải tán.
Thậm chí nếu phản đối “chống lại” lệnh giải tán còn có thể đối mặt bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015), với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm; tội bạo loạn (Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 2015), với khung hình phạt tù 12 – 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người tổ chức, người thực hiện đắc lực gây hậu quả nghiêm trọng; tội phá rối an ninh (Điều 118 Bộ luật Hình sự năm 2015), với hình phạt tù mức cao nhất là 15 năm.
Luật sư Đặng Đình Mạnh đưa ra dự cảm là “chắc chắn, sư Minh Tuệ, người đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ công chúng ở mọi miền đất nước, người vô tình khai tử trên danh nghĩa cả một đế chế Giáo hội Phật giáo quốc doanh giàu có phủ rộng trên khắp 63 tỉnh thành được chế độ chống lưng từ bốn thập kỷ qua…
Cho nên, sẽ không bình thường nếu hồ sơ về sư chưa được đặt trên bàn làm việc của cơ quan an ninh. Trong đó, tiểu sử, các ảnh chụp trên đường hành đạo, danh tính các sư sãi đi theo cũng như cá nhân tiếp cập sư… Tất tần tật đều được thu thập. Theo đó, việc chế độ ra tay đàn áp sư chỉ là việc ngày một, ngày hai mà thôi”.
…Dường như mọi việc đang được ‘khởi động’ từ văn bản của tỉnh Quảng Nam như nêu ở phần đầu bài viết này.