Cát Tường
(VNTB) – Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã trình Quốc hội dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Chiều 3-6-2024, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trình bày báo cáo tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.
Theo trình bày của ông Nguyễn Đình Khang thì Luật Công đoàn hiện hành quy định, chỉ những người lao động là người Việt Nam “làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Quy định như vậy là hạn chế quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn đối với người làm việc không có quan hệ lao động. Đây là vấn đề bất cập lớn trong định hướng phát triển công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ khắc phục sự bất cập này bằng quy định: “Người lao động là người Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”. Như vậy, Luật sẽ đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động bảo đảm phù hợp với Điều 1, Điều 2, Bộ luật Lao động năm 2019.
Ngoài ra, Luật này tiếp tục khẳng định, Luật Công đoàn là luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn Việt Nam – tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của của giai cấp công nhân và của người lao động. Trong bối cảnh pháp luật của Việt Nam đã cho phép việc thành lập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” nằm ngoài hệ thống công đoàn Việt Nam, tổ chức này được điều chỉnh chủ yếu bằng pháp luật lao động. Tuy nhiên, một số nội dung có liên quan như vấn đề gia nhập của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn Việt Nam, và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn cũng được xem xét quy định trong Luật Công đoàn (sửa đổi).
Đối tượng áp dụng của Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm: tổ chức công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động của công đoàn; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.
Theo Tờ trình thì trên cơ sở quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013, luật này dự kiến sửa đổi Điều 1 theo hướng bổ sung rõ khái niệm “Công đoàn Việt Nam”, bỏ các cụm từ “là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” và “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”; sắp xếp lại các cụm từ “đại diện cho công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức”, “tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát” để đảm bảo tương thích với Hiến pháp năm 2013 và thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Bổ sung quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Theo Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 01-01-2021) đã cho phép “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Khoản 3 Điều 172 quy định: “Trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn”.
Trong bối cảnh đó, nhằm tăng cường vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam với người lao động và đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật lao động 2019, dự thảo luật đã bổ sung vào Điều 5 (Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn), như sau:
“3. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập, hoạt động hợp pháp, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam và trở thành công đoàn cơ sở theo trình tự, thủ tục do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định.”.
Sửa đổi, bổ sung Điều 9 (Những hành vi bị nghiêm cấm) theo hướng quy định chi tiết hơn các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn…