VNTB – Đình công là một hình thức biểu tình của người lao động

VNTB – Đình công là một hình thức biểu tình của người lao động

Hà Nguyên

(VNTB) – Việt Nam vẫn chưa có luật biểu tình,  vậy khi đình công liệu người lao động có bị xử phạt hành chính về hành vi tụ tập trái phép?

Sáng ngày 8-6, có đến 103 trong tổng số khoảng 120 người lao động tại Công ty cổ phần Quảng An 1 (đơn vị khai thác xe buýt công cộng) đã đình công, dẫn đến hệ thống xe buýt của thành phố Đà Nẵng tê liệt.

Phản ánh với báo chí, ông Nguyễn Văn Dũng (lái xe) cho biết 4 tháng nay (từ tháng 2-2023) 103 người lao động đều chưa nhận được lương khiến đời sống anh em lao đao.

“Chúng tôi lao động đầy đủ và nghiêm túc để góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên phía Công ty cổ phần Quảng An 1 lại không quan tâm thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động, nợ lương kéo dài, không đóng tiền bảo hiểm xã hội, không mua bảo hiểm y tế. Bọn tôi đi khám bệnh phải bỏ tiền túi”, ông Dũng nói.

Nhiều lái xe cho biết công ty thường xuyên nợ lương. Mỗi lần người lao động đòi trả lương thì công ty dán thông báo hẹn ngày trả lương. Nhưng đến nay tình trạng nợ kéo dài 4 tháng khiến nhiều người không thể xoay xở đâu ra tiền lo cho gia đình khi họ là lao động chính.

Đình công là một quyền được quy định ở Bộ Luật lao động, Điều 198: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Đình công là ngừng việc, và khi những người tham gia đình công tụ tập lại thành đám đông để tạo áp lực cho giải quyết tranh chấp lao động, thì đó có thể coi là một cuộc biểu tình đang hình thành và diễn ra trong khuôn khổ ôn hòa hay căng thẳng, kích động còn phụ thuộc vào giới chủ, tức bên sử dụng lao động.

Liệu trong cụ thể trường hợp trên phía nhà chức trách có thể xử phạt hành vi tạm gọi là “biểu tình trái pháp luật”?

Báo chí Việt Nam khi tường thuật về tin tức tương tự trong chuyện đình công – biểu tình, đã không chút ngần ngại hay e dè sử dụng câu từ tiết giảm, như: Nước Pháp đang sống thêm những ngày mệt mỏi vì biểu tình trên đường phố và đình công rộng khắp, chủ yếu nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron.

Còn tại Đức, vào tháng 3 năm nay, máy bay, xe lửa và cả xe buýt đều ngừng hoạt động vì ngày đình công quy mô lớn nhất trong nhiều thập niên.

Các cuộc biểu tình lớn gần đây cho thấy nhiều người lao động châu Âu đã quyết định đấu tranh để duy trì lợi ích của mình trong chiếc bánh kinh tế vốn đang bị “teo tóp”…

Tình cảnh người lao động Việt Nam bi đát hơn hẳn khi họ còn mất luôn việc làm, trong khi giá điện thì vừa tăng xong, lại đề xuất chuẩn bị tăng tiếp. Còn bảo hiểm xã hội mà người lao động muốn nhận lúc nghỉ việc, nếu chưa đến tuổi hưu thì họ đành phải chịu thiệt hại với tỷ lệ rất đáng kể.

Thế nhưng khi đã lâm cảnh thất nghiệp rồi thì không thể tụ tập đám đông như đình công như vụ xe buýt ở Đà Nẵng, nên nếu rũ rê nhau biểu tình để xả xì-trét, qua đó tiện thể tạo áp lực về chính sách an sinh chung, thì lại bị đe dọa của tù tội, vì Việt Nam vẫn chưa có luật về quyền biểu tình; thậm chí “nếu cứ manh động”, còn có thể bị chụp mũ chính trị của “tự diễn biến – tự chuyển hóa” theo nghĩa chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)