Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần mở rộng đơn vị chạy thận nhân tạo để đáp ứng nhu cầu người bệnh

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 – 10 triệu người.

 

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Đáng lo ngại hơn, trong những năm trở lại đây, tỷ lệ người bệnh trẻ tuổi mắc bệnh và phải lọc máu chu kỳ tăng 5-10%, trở thành gánh nặng cho y tế, gia đình và xã hội.

Để đáp ứng nhu cầu chạy thận nhân tạo, nhiều bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày, từ sáng cho đến tối. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện cũng có nhiều phòng lọc thận đang nằm trong tình trạng quá tải bệnh nhân.

Chia sẻ trong khi đang chạy thận, anh Tiến (nhân vật đã đổi tên) cho biết, anh bị suy thận mạn tính và đã chạy thận được hơn 6 tháng nay. Thời gian đầu, anh được gia đình cho khám và chạy thận ở một bệnh viện tư nhân. Máy móc nơi này mới, cách đối xử với bệnh nhân của những nhân viên y tế nơi này cũng nhẹ nhàng, ân cần, chu đáo. Tuy nhiên, do chi phí chạy thận lên quá cao, nên buộc lòng gia đình anh phải chuyển sang một bệnh viện khác với chi phí thấp hơn.

“Đầu tiên, tôi liên hệ với bệnh viện quận, thì họ báo đã hết máy. Liên hệ với một bệnh viện quận khác, họ cũng kêu không còn suất. Tôi liên hệ với bệnh viện tuyến trên như Nhân dân Gia Định, bệnh viện 175 thì họ cũng kêu không còn chỗ. Họ cho tôi một vài địa chỉ bệnh viện khác để tôi tiếp tục liên hệ. Cuối cùng, người nhà của tôi vẫn tiếp tục chạy thận ở một bệnh viện tư nhưng chi phí nhẹ hơn rất nhiều so với bệnh viện lúc cấp cứu”, người thân anh Tiến chia sẻ.

Tương tự như anh Tiến, theo chia sẻ của anh Gia Minh, để tìm được chỗ chạy thận cho người thân ở thành phố này là hoàn toàn không dễ dàng: “Tôi cũng đi liên hệ với rất nhiều bệnh viện. Thời điểm đó, đa số các bệnh viện công đều lắc đầu vì không còn chỗ. Trong một lần tình cờ, tôi liên hệ được ở một bệnh viện. Nhưng theo thông tin từ họ, ca chạy thận rất tối, chỉ có duy nhất một cầu thang bộ và máy móc cũng có tuổi đời trên 10 năm. Người thân của tôi quá yếu, không thể đi thang bộ, nên đành chấp nhận tìm kiếm một bệnh viện khác”.

“Tiền đâu mà kham nổi chạy ở bệnh viện tư? Đâu phải chỉ chi phí chạy không đâu. Có lúc bệnh nhân yếu quá, còn phải truyền thêm đạm, chi phí cho một chai đạm, cũng không phải là rẻ. Đó là chưa kể đến những bệnh có thể mắc phải do suy giảm hệ miễn dịch từ việc chạy thận nhân tạo nữa”, là cư dân ở tỉnh lẻ lên thành phố chạy thận, bà Út chia sẻ rằng mình may mắn khi tìm được một bệnh viện công để người thân có thể chạy thận. “Tuần chạy ba ngày, mình lên đây thuê trọ sống luôn chứ đi đi về về sức khỏe bệnh nhân không chịu nổi. Ở đây thì mình kiếm gì làm thêm như lượm ve chai hay phụ việc nhà, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Chí ít cũng có chút đỉnh ăn qua ngày hoặc tích cóp mua được hộp sữa dành cho người chạy thận cho người thân mình uống”.

Các chuyên gia về thận học của TP.HCM đã kiến nghị, sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận. Trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các bệnh viện) giúp tất cả các bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh trên địa bàn.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hệ thống Y tế công đối mặt nguy cơ sụp đổ hàng loạt

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Lại đợi… vắc-xin về

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vá víu chính sách

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo