(VNTB) – Nhà cầm quyền Việt Nam có thể muốn lợi dụng chiến thắng của công nhân Đà Nẵng để chứng tỏ rằng Công đoàn của nhà nước đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người lao động
Vào ngày 30/8/2024 vừa qua, Tòa án Q.Liên Chiểu-TP.Đà Nẵng sau năm ngày xét xử, đã ra phán quyết buộc Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Khánh– gọi tắt là Cty Dệt may Hòa Khánh (Địa chỉ: Lô B, đường số 9, KCN Hòa Khánh) phải trả hơn 1,9 tỉ đồng gồm tiền nợ lương và trợ cấp thất nghiệp cho 62 lao động.
Trong năm 2023, số lao động này bị Cty Dệt may Hòa Khánh nợ mấy tháng tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội cũng như sau khi cho thôi việc lại bị nợ thêm trợ cấp thất nghiệp.
Ngày 1/4/2024 vừa qua, họ đã tập trung tại trụ sở Công ty để đòi quyền lợi nhưng không thành.
Ngày 12/4, họ đến gặp đại diện Công đoàn Khu Công nghệ cao và Các Khu Công nghiệp Đà Nẵng ký hợp đồng ủy quyền pháp lý, kiện Cty Dệt may Hòa Khánh.
Sau những lần gặp mặt hòa giải, thỏa thuận giữa người lao động và đại diện doanh nghiệp với sự chứng kiến của Sở, Ban-Ngành chức năng nhưng không thành. Đại diện Công đoàn Đà Nẵng chính thức đệ đơn kiện Cty Dệt may Hòa Khánh ra Tòa án Q.Liên Chiểu để giải quyết tranh chấp lao động.
Phiên Tòa bắt đầu từ ngày 26/8, trải qua 62 phiên xử và kết quả là phần thắng thuộc về phía Công đoàn Đà Nẵng, đại diện pháp lý cho 62 lao động như nêu trên.
Tại Tòa, đại diện Công ty Dệt may Hòa Khánh có nêu ra những lý do khó khăn dẫn đến việc nợ lương, nợ trợ cấp thất nghiệp của người lao động là: ảnh hưởng đại dịch COVID-19 khiến công ty gãy chuỗi cung ứng và trận mưa lụt vào tháng 10/2022 khiến công ty thiệt hại hơn 22 tỉ đồng.
Đại diện Công ty xin Tòa cho giãn thời gian thi hành án để Công ty tái cấu trúc bộ máy hoạt động, rà soát các khoản thu chi để cứu vãn tình hình. Tuy nhiên, Hội Đồng xét xử-Tòa án Q. Liên Chiểu đã bác nguyện vọng của phía đại diện Công ty.
Ngay sau thông tin thắng kiện, vui mừng nhiều nhất chính là 62 lao động và kế đến Công đoàn Đà Nẵng nhận nhiều lời khen tặng từ các Sở, Ban-Ngành.
Một chiến thắng mang nhiều ý nghĩa, trước mắt là khích lệ tinh thần người lao động tại các doanh nghiệp mạnh mẽ đứng lên, dùng pháp lý đấu tranh với giới chủ để đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Sau đó là tổ chức Công đoàn Việt Nam lấy lại phần nào niềm tin trong mắt người lao động, vốn lâu nay bị sụt giảm.
Sở dĩ vậy là ở chỗ, tình trạng người lao động bị nợ lương, nợ bảo hiểm, bóc lột sức lao động thậm chí danh dự, nhân phẩm bị giới chủ doanh nghiệp xâm phạm nghiêm trọng diễn ra nóng bỏng trên khắp đất nước Việt Nam. Hầu hết sự phản kháng của người lao động chỉ dừng ở mức đình công, thỏa thuận với giới chủ rồi đâu lại vào đó chứ chưa vượt qua nỗi sợ để kiện giới chủ ra Tòa.
Trong khi đó, đơn cử như Công đoàn doanh nghiệp là nơi bảo vệ quyền lợi người lao động tại doanh nghiệp thì lại ăn lương của doanh nghiệp, nhận quyền lợi từ doanh nghiệp thì làm sao làm tròn trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp lao động?.
Ở phương diện khác, với chiến thắng diễn ra ở Đà Nẵng, tuy mức độ không lớn nhưng đồng loạt báo đài Nhà nước Việt Nam đưa tin, không ngừng đẩy mạnh tiếng vang. Tại sao?
Có nhiều ý kiến của giới quan sát cho rằng, động thái này có thể nhằm phục vụ cho ý đồ mà nhà cầm quyền Việt Nam đang mong muốn, đó là lợi dụng chiến thắng trên để làm bằng chứng trưng bày cho quốc tế thấy rằng; Việt Nam không cần Công đoàn độc lập vì Công đoàn của nhà nước đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Bởi lẽ từ trước đến nay, các nhà lãnh đạo của các Hiệp –Hội thương mại & Kinh tế quốc tế như: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nay đổi thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đều đưa ra yêu cầu Việt Nam phải sửa Luật Công đoàn, từ bỏ độc quyền về Công đoàn, chấp thuận cho Công đoàn Độc lập thành lập.
Hoặc Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế liên quan đến tự do lập hội, thành lập Công đoàn Độc lập, Việt Nam có hứa phê chuẩn nhưng cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong khi đó ngay trong lòng đất nước Việt Nam, vào năm 2008 một tổ chức Xã Hội Dân Sự có tên Phong Trào Lao Động Việt do 3 thành viên sáng lập gồm: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương với mục tiêu giúp người lao động Việt Nam đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Đây được xem là Công đoàn Độc lập đầu tiên của Việt Nam không trực thuộc sự quản lý của Nhà nước Việt Nam thì bị Nhà cầm quyền quy kết là Tổ chức “Phản động” nên ra tay đàn áp.
Năm 2010, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng nhận bản án tù lần lượt từ 7-9 năm. Hiện tại, cả 3 người đã mãn án tù. Tuy nhiên, vào năm 2018, một thành viên khác của Phong trào Lao Động Việt là ông Hoàng Đức Bình nhận bản án 14 năm tù giam cũng với các hoạt động có liên quan đến việc kêu gọi Nhà cầm quyền Việt Nam cho phép thành lập Công đoàn độc lập./.