(VNTB) – Họ tuyên truyền rằng bầu nilon sẽ giúp cố định phần đất xung quanh gốc cây, giữ rễ tơ nguyên vẹn, rễ cây sẽ xé lớp nilon đó mà phát triển, còn nilon sẽ tự hoại sau vài năm…
Bão Yagi đi qua, hàng chục ngàn cây xây ở các đô thị miền bắc bị lật gốc, chỉ riêng Hà Nội đã có tới hơn 25.000 cây bị gãy, đổ. Chỉ trong hai ngày đã có hai người tử vong tại chỗ và bảy người bị thương do cây ven đường ngã bất ngờ. Đó lúc người ta nhìn thấy cách trồng cây cẩu thả của nhà cầm quyền Việt Nam.
Những hàng cây cao to bị bật gốc, lộ ra gốc rễ còn giữ nguyên bầu bằng bọc nilon, chưa tháo ra. Cây thì xanh tốt, cao tới 3-4 mét, nhưng rễ cọc bị cắt sát gốc, chỉ được vài cọng rễ mới nhú ra lúng phúng thì làm sao trụ nổi trước mưa to gió lớn.
Nhưng thay vì nhìn nhận việc tắc trách của người có trách nhiệm, thậm chí phải đặt vấn đề về việc ăn bớt ăn xén ngân sách quốc gia, gây tai nạn chết người, thì lực lượng dư luận viên, tuyên giáo lại viết bài ngụy biện, tuyên truyền sai sự thật về kiến thức trồng cây nhằm lấp liếm, che đậy cho lũ sâu dân mọt nước.
Lập luận mà những kẻ sống bằng tiền thuế của dân này đưa ra rằng cây phải giữ nguyên bầu, nguyên lưới thì mới sống được. Họ tuyên truyền rằng bầu nilon sẽ giúp cố định phần đất xung quanh gốc cây, giữ rễ tơ nguyên vẹn, sau thời gian thì rễ cây sẽ xé lớp nilon đó mà phát triển, còn nilon sẽ tự hoại sau vài năm…
Thế nhưng theo những người trồng cây lâu năm thì chỉ chỉ giữ bầu khi trồng với những cây nhỏ, cây con, giữ nguyên chùm rễ, nhất là rễ cọc. Và bầu rễ phải từ những chất liệu có thể phân hủy nhanh chứ không phải là từ nilon. Còn đối với những cây bật gốc mới đây thì họ đã cưa hết rễ, có những hình ảnh cây cao 3-4 mét nhưng rễ chỉ mới mọc vài cọng non. Chứng tỏ chúng được chặt và trồng một cách cẩu thả rồi bơm thuốc kích rễ để chạy chỉ tiêu, làm đẹp mắt các quan chức và qua mặt người dân.
Từ 9 năm trước, báo chí cũng lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề trồng cây giữ bầu nilon này. Theo bài báo này, tiến sĩ Nguyễn Thị Yến, chuyên gia về cây xanh và kỹ thuật trồng cho biết: “Trong quy trình trồng cây, phải cắt bỏ dây dợ và lưới bọc bầu trước khi trồng. Khi đó, rễ cây tiếp xúc với đất, vi sinh vật sẽ phát triển nhanh, ra rễ mới và lên lá. Chỉ để bầu cây khi dùng lưới tự hủy, khi trồng cây sẽ không cần cắt bỏ lớp lưới bọc bầu. Tuy nhiên, lưới tự hủy vẫn còn ít dùng, chưa phổ biến.
“Mặt khác, đặc tính của lưới tự hủy là sẽ tự hủy sau 2-3 tháng. Nếu sau 2-3 tháng lưới vẫn còn thì đó không phải là lưới tự hủy. Trồng cây vẫn còn bọc lưới, dây dợ quanh bầu sẽ làm cây khó phát triển, chậm mọc rễ. Có thể đánh giá là quy trình kỹ thuật trồng cây đang có nhiều sai sót, khiến cây chậm phát triển”, báo Dân Việt dẫn lời tiến sĩ Yến. (1)
Bài báo này cũng lấy ý kiến của Giáo sư Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, tiến sĩ Đặng Văn Hà – chuyên gia về cây trồng đô thị. Tất cả đều cho rằng phải tháo bầu, lưới thì mới trồng cây được.
Như vậy, việc trồng cây cẩu thả thì đã quá rõ rồi. Việc bây giờ là phải nhìn vào sự thật để sửa đổi, để xây dựng môi trường đô thị trong lành, xanh sạch đẹp, bền vững và an toàn cho tất cả mọi người. Còn nếu cứ cãi cùn cãi cố, tuyên truyền dối trá để bảo vệ những con mối chúa như hiện nay thì không những thất thoát ngân sách, thuế má mà còn là tính mạng của người dân. Nhìn nhận sự thật, sửa sai càng sớm càng tốt thì người thân của các dư luận viên, ban tuyên giáo, đảng và nhà nước cũng sẽ yên tâm hơn nếu lỡ chạy ngoài đường lúc gió lớn mà không sợ bị cây đổ đè lên người, lên xe. Điều đó tốt cho tất cả chứ đâu chỉ riêng dân lành.
_____________________
Tham khảo:
(1) https://danviet.vn/cay-moi-trong-do-lo-luoi-boc-sau-dong-loc-chuyen-gia-noi-gi-7777599765.htm