(VNTB) – Nghệ sĩ và quan chức có lẽ là những người vui nhất vì bão lớn thì sẽ được gom tiền từ thiện, chụp hình, quay phim, …
Trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2024 diễn ra tại Hải Phòng đêm 21/9, người dân chẳng ai quan tâm tới người thắng giải hoa hậu, mà lại phẫn nộ vì phát ngôn của ông Phạm Duy Khánh – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi.
Phạm Duy Khánh nói trước đám đông khán rằng rất vui mừng vì được đón cơn bão lớn nhất từ xưa đến giờ. Cụ thể: “Tôi tự hào là một người con của thành phố Hải Phòng, sau nhiều năm thành phố vắng bóng các cuộc thi hoa hậu thì tôi liều mình trở về, đưa ý tưởng tổ chức cuộc thi và được UBND thành phố chấp thuận. Chúng tôi đã rất vui mừng và được đón một trận bão rất lớn từ xưa đến giờ và đây cũng là một điểm rất đặc biệt của cuộc thi năm nay”.
Phát biểu này bị chỉ trích nặng nề vì chỉ tính riêng ở Hải Phòng thì bão Yagi đã khiến 2 người tử vong, 65 người bị thương. Ngoài ra là hơn 100.000 căn nhà bị hư hại, hàng chục ngàn công trình bị ảnh hưởng, thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng. (1)
Có người buồn nhưng cũng có người vui. Dân bị thiệt hại thì buồn đau, nhưng quan chức và ca sĩ, nghệ sĩ lại khác. Cho nên có lẽ không riêng gì trưởng ban tổ chức cuộc thi hoa hậu này vui, mà còn nhiều người khác cũng hân hoan khi thấy bão tới. Nói đơn giản, trong xã hội mà đạo đức xuống cấp trầm trọng này thì với nhiều nghệ sĩ, cán bộ quan chức thì bão là dịp để xây dựng hình ảnh, làm từ thiện, khóc thương, câu view câu like, thậm chí là quyên góp tiền từ thiện trong dân.
Mạng xã hội những ngày mưa bão vừa qua bỗng nổi lên từ “phông bạt” để nói về những kẻ lợi dụng bất trắc của người dân để mưu cầu tư lợi cá nhân. Từ các nhóm ca nghệ sĩ ăn mặc màu mè, mang vài thùng mì gói đi cứu trợ khi nhà giàu, tới các nhóm từ thiện tự phát, đi vào vùng lũ cứu trợ mà vô nhà hàng ăn sơn hào hải vị rồi ép chủ quán phải tính rẻ cho đoàn từ thiện… Thái độ như là người giàu đi bố thí tiền cho ăn mày rồi chụp hình lấy tiếng chứ chẳng thấy hiệu quả ở đâu.
Dường như những kẻ này chỉ chực chờ cho có bão để đi làm từ thiện, phát quà, chụp hình rồi nói những lời hoa mỹ tỏ ra yêu nước thương dân, nhưng thực tế là họ rất vui, vì được rơi những giọt nước mắt cá sấu đó.
Mà không phải chỉ có giới văn nghệ sĩ, các cán bộ quan chức cũng không khác gì. Công an thì tranh nhau kéo bè cứu người trên đường, mà nước ngập chưa tới nửa ống chân. Quân đội thì làm dùng máy bay trực thăng chuyển vài thùng mì chỉ để chụp hình đăng báo, chứ không thấy dùng trực thăng để cứu người. Quan chức thì tranh nhau ra chỗ nước ngập sâu để có hình tuyên truyền, mỵ dân.
Nhất là ông Phạm Minh Chính, đợt bão này ông thủ tướng tranh thủ bày trò dân túy, xắn quần lên đi vào vùng lũ, xây dựng hình ảnh với cái áo cộc tay mặc đi mặc lại rồi ra chỗ ngập lội nước chụp hình, quay phim với cả ekip hùng hậu không khác gì diễn viên điện ảnh.
Ngoài chuyện vui mừng vì được xây dựng hình ảnh “tích cực”, thì vẫn còn một niềm vui khác nhờ vào việc huy động tiền trong dân. Cây ngã, trường bay nóc, nhà sập, hoa màu ruộng đồng tiêu điều, chắc chắn ngân sách nhà nước sẽ phải chi tiền cứu trợ, hoặc sữa chữa. Nhưng chi bao nhiêu, chi cho ai thì không biết. Đó là chưa nói tới những số liệu thống kê thiệt hại một chiều, không thể kiểm tra tính chính xác. Ai biết rằng có bị kê khống, khai gian hay không?
Hàng ngàn tỷ đồng đổ vào các quỹ cứu trợ bão lũ, đổ về tài khoản của Mặt trận Tổ quốc, cũng không biết sẽ chi đi đâu, chi cái gì. Nếu có báo cáo tài chính thì cũng không chắc là đúng hay sai, vì đảng kiểm soát mọi thứ, từ thu chi, tới kiểm toán, kiểm tra…
Bởi vậy mới nói, ông trưởng ban tổ chức cuộc thi hoa hậu chỉ lỡ miệng thừa nhận chuyện vui mừng vì thấy bão lớn, chứ thật ra còn hàng ngàn ông quan chức vui mừng, nhưng họ không nói ra thôi!