Việt Nam Thời Báo

VNTB- Học ngoại ngữ “Nga-Trung”: “Bắt buộc cưỡng ép” không thể song hành với tiêu chí giáo dục đúng nghĩa

Nguyễn Hoàng Hải

(VNTB) – “Bắt buộc cưỡng ép” không thể song hành với tiêu chí giáo dục đúng nghĩa của nó.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh học sinh ngủ gật

Qua theo dõi cộng đồng bàn về việc đưa chương trình dạy ngoại ngữ “Nga-Trung” mà bộ Giáo Dục đã đề ra, dự định áp dụng vào năm học sau ở cấp tiểu học bắt đầu từ lớp 3, và coi đây là một trong những Ngoại Ngữ thứ nhất “bắt buộc học” áp dụng cho năm học tới, tôi có vài ghi nhận và nhận định sau đây.

Hầu như đại đa số các bậc phụ huynh đều không đồng ý lối áp đặt tùy tiện của ngành giáo dục cho con em của họ. Bởi lẽ, giáo dục không thể cưỡng ép để có được những nhân tố ưu tú của xã hội.

“Bắt buộc cưỡng ép” không thể song hành với tiêu chí giáo dục đúng nghĩa của nó.
 
Không thể lẫn lộn với tiêu chí xóa mù chữ, mà ngay cả tiêu chí này cũng không thể có được kết quả toàn diện như đã đề ra. 

Giáo Dục là Quốc Sách, không ngoài tạo dựng để có được những con người có Nhân Cách đạo đức chuẩn mực, để phát triển kinh tế xã hội, đưa Đất Nước trở thành giàu có vững mạnh. Nhưng, cũng cần xét lại mặt bằng chung của xã hội đang bức bách cần điều gì trước đã rồi mới tính được những việc tiếp theo.

Bởi vì sao? Chúng ta đã trải qua biết bao lần cải cách giáo dục, thậm chí bức bách phải dùng đến cụm từ Chấn Hưng Giáo Dục để nói lên sự yếu kém về mọi mặt, mà chủ đạo trong sự yếu kém lại bắt nguồn từ tâm thế của con người.

Việc đưa ngoại ngữ tiếng Anh có tính phổ quát trên cộng đồng quốc tế mà ngành giáo dục đã áp dụng mấy chục năm qua vẫn chưa mang lại một kết quả tích cực  nào có tính khả quan, giờ đây lại bắt buộc một trong hai ngoại ngữ “Nga-Trung” vào chương trình học sắp tới là điều không hợp lý và tốn kém không hề nhỏ.

Tôi nghĩ, việc bức thiết phải dùng ngoại ngữ tiếng “Trung” nếu có thì nên cần trang bị gấp cho những công nhân sắp hoặc đang làm việc tại những công ty của Trung Quốc có được nền tảng tiếng “Trung” tương đối để khi làm việc chung với Họ có thể nghe ngóng những âm mưu đen tối của Họ thì hay hơn.

Trở lại vấn đề giáo dục, sao cho con em của chúng ta có được nền tảng văn hóa hiện đại văn minh mà các nước khác đang hiện hữu, không có cách nào hay hơn là chúng ta hãy nhìn vào thực tế bề mặt xã hội chúng ta ngày nay.

– Học sinh đánh nhau từ trong lớp ra ngoài đường, đánh hội đồng, quay clip đưa lên mạng rồi cười hả hê trong khi số đông bạn còn lại thờ ơ hò hét không can ngăn. 

– Một số thầy, cô đánh mất đi tư cách của mình khi có những cử chỉ và hành động không đúng mực với học sinh.

-Học sinh khi bị công an dẫn độ về đồn không có sự giám hộ của nhà trường hoặc phụ huynh. Thậm chí có những em còn bị đánh bầm tím hết cả người.

– Xa ra ngoài khuôn khổ của mái trường một chút các em cũng dễ dàng nhận thấy xã hội đầy rẫy những việc xấu xa nhan nhản xảy ra trước mặt mình. 

– Một xã hội suy thoái về mọi mặt có chiều hướng tăng dần.

Những việc xấu xa như vậy còn giải quyết chưa xong, nghĩa là chưa giải quyết được về mặt con người.

Thử hỏi lại chính mình, những người có trách nhiệm lèo lái của từng ngành nghề, ban ngành đã thực sự là những người có tầm và có tâm hay chưa đã. Đừng vì một chút lợi ích trước mắt nào đó mà đẩy ngành giáo dục vốn đã không mạnh mẽ lại đi đến chổ tụt hậu hơn nữa.

Nghĩa là phải cấu trúc lại toàn bộ những việc không tốt của xã hội, cụ thể là những người lãnh đạo các ban ngành khi đưa ra việc gì hệ trọng cũng phải cần lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân, hoặc giả có cuộc khảo sát cộng đồng một cách công khai mới đi đến quyết định.

Khi cần phát ngôn trước Quốc Dân đồng bào về việc gì đó, nhất thiết phải cần những ngôn từ chuẩn mực, thể hiện được người có nhân cách đạo đức văn hóa chứ không phải tự cho mình quyền muốn nói gì cũng được thì chẳng khác nào mình tự bêu xấu mình trước công chúng.

Nghĩa là phải cũng cố lại nền tảng xã hội, trước khi muốn làm người lớn đối với các em nhỏ.

Điều quan trọng, các em có trở thành thành tố tinh hoa của xã hội hay không thì phải cần những yếu tố như: tự do tìm tòi, tự do học hỏi, tự do chọn những môn mình yêu thích thì mới khởi sinh ra được những ý tưởng sáng tạo cho xã hội.

Không thể nào “áp đặt bắt buộc” thì sản sinh ra những thành tố ưu tú của xã hội, đó là điều không thực tế với xã hội hiện tại.

Ngành giáo dục, theo tôi chỉ nên là bạn đồng hành đưa ra những tác phẩm chọn lọc có giá trị để các em tự lựa chọn cho mình con đường đi thích hợp. 

Vì vậy, điều tôi tha thiết muốn nói về vấn đề này là những người có trách nhiệm khi đưa việc này ra hãy suy nghĩ cẩn trọng lại một cách đúng đắn nhất.

Không thể ôm đồm thêm nhiều việc như thế để tăng thêm áp lực cho xã hội.

Hãy làm tốt hơn mục tiêu trước đây là ngoại ngữ Anh Văn vì đây là ngoại ngữ được cho là chiến lược trên thương trường quốc tế thì mới lẽ.

Nói vậy, không phải là không cần đến một hay hai ngoại ngữ nữa, mà cần để cho các em tự do lựa chọn thì mới đạt hiệu quả cao hơn.

Tin bài liên quan:

VNTB- Làm quan cái nỗi gì!

Phan Thanh Hung

VNTB- Rắc rối sự đời!

Phan Thanh Hung

VNTB – Tâm tình với doanh nhân Lê Phước Vũ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.