Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phép thử về NHÁNH trong Đạo Cao Đài

Dương Xuân Lương

 

(VNTB) – Thầy mới có quyền lập NHÁNH. Cả ba thời kỳ phổ độ, Thầy lập có 4 NHÁNH là Phật, Tiên, Nho và ĐĐTKPĐ. NHÁNH không phải là ‘chi phái’ hay ‘chi phái’ không phải là NHÁNH.

 

Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) nói tắt là Đạo Cao Đài là Cái NHÁNH do Thượng Đế lập ra vào năm 1926. Thượng Đế là chủ (gốc), lập có một NHÁNH ĐĐTKPĐ, không có NHÁNH thứ hai. Thượng Đế không giao quyền lập NHÁNH cho bất cứ ai.

Do Hội Thánh Cao Đài bị cốt (1) năm 1983, nên hiện nay có nhiều ‘chi phái’ tự nhận là NHÁNH, gây lầm lẫn trong xã hội. Căn cứ vào lời dạy của Thượng Đế về NHÁNH, bài viết rút ra phép thử về NHÁNH trong ĐĐTKPĐ, giới thiệu bản sắc trong lành của đạo.

 

Phép thử về NHÁNH.

Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, Q1, trang 56, bản in 1995, Hoa Kỳ. Nguyên văn đàn cơ dạy về cái NHÁNH ĐĐTKPĐ ngày 21-02-1926:

Qua đến ngày mùng 9 tháng Giêng (21-2-1926), nhằm ngày Vía Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Quan Phủ Vương Quan Kỳ có thiết Ðàn riêng tại nhà ông số 80 đường Lagrandière (bây giờ là đường Gia Long). Ðêm ấy có mời Chư Nhu và mấy vị Ðạo Hữu hầu Ðàn, Thượng Ðế giáng cơ dạy như vầy:

Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy NHÁNH rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.

Cái NHÁNH các con là NHÁNH chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu. Thầy vui muốn cho các con thuận hòa nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy.

Ðạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy, phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gổ nghe. Các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn. Ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy.

Khi ấy, Quan Phủ Ngô Văn Chiêu xin Thượng Ðế lấy tên mấy người đệ tử mà cho một bài thi kỷ niệm.

Chiêu, Kỳ, Trung độ dẫn Hoài sanh,
Bản đạo khai Sang Quý Giáng thành.
Hậu, Ðức, Tắc, Cư thiên địa cảnh,
HƯỜN, MINH, MẪN đáo thủ đài danh.

Thượng Ðế lại phán: “Hườn, Minh, MẪN sau sẽ rõ…”

Nguyên 12 chữ lớn trong ba câu trên là tên của 12 vị Môn Ðệ trước hết của Thượng Ðế. Có hai tên Sang, Thầy điểm chung một tên. Còn ba chữ lớn câu chót là tên ba vị Hầu Ðàn. (Hết bài)

Hội Thánh Cao Đài cắt nội dung về NHÁNH đưa vào Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (TNHT) quyển một, trang 9, bản in năm 1928).

 

 

1/- Quyền lập NHÁNH là của Thầy; NHÁNH không phải là ‘chi phái’.

Thượng Đế là gốc, từ gốc mới có NHÁNH; có khi dạy rõ tên NHÁNH và số NHÁNH, có khi chỉ gọi chung là NHÁNH.

1.1/- NHÁNH ĐĐTKPĐ.

Thượng Đế dạy: Cái NHÁNH các con là NHÁNH chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu. Thầy vui muốn cho các con thuận hòa nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy.

Ðạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy, phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gỗ nghe… (hết trích).

Mười một chữ: Cái NHÁNH các con là NHÁNH chính mình THẦY làm chủ xác định 2 yếu tố quan trọng:

Thứ nhất: Thầy mới có quyền lập ra NHÁNH, Thầy không giao quyền lập NHÁNH cho ai. Chữ Cái NHÁNH là số ít, nên chỉ có một NHÁNH hay một tổ chức duy nhất, không có NHÁNH hay tổ chức thứ hai; do đó đặt vấn đề NHÁNH một, NHÁNH hai, NHÁNH chính, NHÁNH phụ hay NHÁNH vô vi và NHÁNH phổ độ là sai.

Thứ hai: Chữ các con là số nhiều, là một tập thể hay một tổ chức, trong trường hợp này là những môn đệ trong ĐĐTKPĐ, do vậy 4 chữ cái NHÁNH các con là cái NHÁNH có tên ĐĐTKPĐ do chính Thầy lập và làm chủ. Bốn chữ Cái NHÁNH các con, bao gồm luôn cả Ngài Ngô Văn Chiêu, bởi vì sau ngày 26-4-1926, ngài Chiêu mới tách ra và lui về tu theo pháp môn.

Mười một chữ Ðạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy… xác định tương quan hai chiều: Đạo Thầy tức là ĐĐTKPĐ và ĐĐTKPĐ tức là Thầy. Nói rõ ra danh hiệu Đạo Thầy có sáu chữ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ mà thôi. Tổ chức tôn giáo nào có danh hiệu khác với sáu chữ ĐĐTKPĐ không phải là Đạo của Thầy, đó là tổ chức giả danh Cao Đài.  

Tóm lại: Thầy là gốc, Thầy mới có quyền lập ra NHÁNH. ĐĐTKPĐ là Cái NHÁNH do Thầy lập và làm chủ. NHÁNH ĐĐTKPĐ không phải là ‘chi phái’. Trích đoạn trên chỉ có chữ NHÁNH, và nguyên cả bài trên dạy về NHÁNH mà không có chữ nào, ý nào liên quan đến ‘chi phái’. Do đó bất cứ ai đánh đồng chữ NHÁNH với ‘chi phái’ là sai, là phạm vào giới cấm vọng ngữ.

Mười một chữ: Cái NHÁNH các con là NHÁNH chính mình THẦY làm chủ là căn bản, là nguyên tắc để hiểu các lời dạy liên quan về NHÁNH, trong hệ thống kinh sách của ĐĐTKPĐ.

1.2/- Bài thi dạy về NHÁNH cho cả ba thời kỳ.

Mở đầu đàn cơ ngày 20-2-1926 trên đây Thượng Đế dạy:

Bửu tòa thơ-thới nở thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà,
Chung hiệp ráng vun nền Ðạo-Ðức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.

 

Bài thơ không nói rõ có bao nhiêu NHÁNH và tên NHÁNH là gì nên khi tìm hiểu cần có 3 bước: nghĩa của câu, đối chiếu với nghĩa của nội dung đàn cơ và đưa vào nghĩa của hệ thống kinh sách Đạo Cao Đài.

Câu 1: Bửu tòa là Tòa nhà của Thầy. Thơ thới trổ thêm hoa nghĩa là đã có hoa rồi nay trổ thêm nữa, là từ quá khứ cho đến lúc dạy. Hoa có trước là ba NHÁNH (Tam Giáo): Phật, Tiên, Nho, thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ phổ độ; đến thời Tam Kỳ Phổ Độ Thượng Đế lập thêm Cái NHÁNH ĐĐTKPĐ. Cả 4 NHÁNH đều do Thầy lập ra.

Câu 2: Pháp Chánh Truyền nguyên văn, phẩm Chưởng Pháp: Vậy thì một thành ba mà ba cũng như một. Chú Giải: Ấy vậy Tân Luật đã gồm trọn Tam Giáo, tức là một thành ba, mà ba cựu luật của Tam Giáo hiệp nhau thì cũng như một, nghĩa là “Tân-Luật”.

Theo đó, cả 4 NHÁNH đều do Thượng Đế lập, nên chữ một nhà là ĐĐTKPĐ. Thượng Đế dạy môn đệ lấy tinh hoa của Tam giáo (ba NHÁNH) Phật, Tiên, Nho đưa vào Cái NHÁNH ĐĐTKPĐ (ba NHÁNH thành một nhà), nên gọi Quy Nguyên Tam Giáo. Trong thể pháp, Quy Nguyên Tam Giáo thể hiện qua Nam phái chia ra làm ba phái: Phái Thái (Phật); Phái Thượng (Tiên) và Phái Ngọc (Nho).

Câu 3: Đạo đức tôn giáo thể hiện qua pháp luật tôn giáo. Cho nên khi nhập môn cầu đạo phải minh thệ với Thượng Đế (Thiên Thượng), có người đạo (Thiên Hạ) làm chứng. Lời minh thệ: Tên gì? Họ gì? Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao – Đài Ngọc – Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn – Đệ, gìn luật lệ Cao – Đài, như sau có lòng hai thì Thiên – tru, Địa – lục.

Trong chín chữ Từ đây biết một Đạo Cao – Đài Ngọc – Đế, thì chữ một là số ít, là duy nhất nghĩa là Ngọc Đế lập có một Đạo Cao Đài vào năm 1926 tại Chùa Gò Kén, Tây Ninh. Đạo Cao Đài nào có trước đó hay sau đó đều không phải của Ngọc Đế lập. Cũng như có một Tề Thiên thật mà có nhiều Tề Thiên giả nên Thượng Đế cho biết căn cước của Tề Thiên thật.

Câu 4: Ai giữ được đạo đức (là Lời minh thệ) thì về được với Thượng Đế. Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối câu 11-12: Ăn năn sám hối tội tình, Xét câu Minh thệ gởi mình cõi thăng. Cuộc sống có nhiều cám dỗ, thử thách từ cơm áo gạo tiền cho đến danh, lợi quyền nên ai biết kiên định con đường của người đạo là gìn giữ pháp luật đạo thì về được với Thầy.

Tóm lại: Quyền lập NHÁNH là của Thượng Đế. Thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, Thượng Đế lập 3 NHÁNH: Phật. Tiên, Nho (Tam giáo). Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Thượng Đế lập có một NHÁNH ĐĐTKPĐ; tổng cộng là 4 NHÁNH. Thầy Quy Nguyên Tam Giáo (ba NHÁNH) vào NHÁNH ĐĐTKPĐ.

Không có chữ ‘chi phái’ nào, không có ý nào liên quan đến ‘chi phái’ cho nên NHÁNH không phải là ‘chi phái’. Thượng Đế ban cho nhân loại có quyền tự do nên có nhiều cá nhân, tổ chức mượn danh Cao Đài để lập NHÁNH, xưng NHÁNH của ĐĐTKPĐ, nhưng căn cứ vào phép thử về NHÁNH thì biết Thượng Đế không lập ra các NHÁNH đó. Cũng như có một Tề Thiên thật mà có nhiều Tề Thiên giả, nhưng Thượng Đế ban cho phép thử để biết đâu là thật, đâu là giả.

1.3/- Bài thi xác định ba NHÁNH, tên của ba NHÁNH và hiệp một.

Ngày 23-01-1926 Thượng Đế dạy:

Chín Trời mười Phật cũng là Ta,
Truyền đạo chia ra NHÁNH nhóc ba.
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ,
Thánh, Tiên, Phật đạo vốn như nhà.
(TNHT Q2, trang 210, bản in 1972)

Thượng Đế xác định có ba NHÁNH, tên của ba NHÁNH: Thánh, Tiên, Phật. Ngày nay Thượng Đế đến hiệp ba NHÁNH làm một NHÁNH trong ĐĐTKPĐ, do chính Thượng Đế làm chủ.

1.4/- Thượng Đế dạy ba NHÁNH và tên ba NHÁNH thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ phổ độ.

Trước ngày Lễ Khai Đạo (18-11-1926), Thượng Đế dạy các vị tiền bối đến Tam Tông Miếu (số 82, đường Cao Thắng, SaiGon) thỉnh kinh. Thượng Đế cũng dạy các vị bên Tam Tông Miếu dâng các bài kinh có nguồn gốc từ bên Tàu truyền sang. Hội Thánh đưa vào Kinh Tứ Thời Nhật Tụng, bài Khai Kinh, từ câu 5 -10:

Trong Tam giáo có lời khuyến dạy,
Gốc bởi lòng làm phải làm lành.
Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành,
Từ bi Phật dặn lòng thành lòng nhơn.
Phép Tiên Đạo tu tâm dưỡng tánh,
Một cội sanh ba NHÁNH in nhau.

Đoạn kinh dạy Tam giáo là NHÁNH và 3 NHÁNH là Nho, Phật, Tiên. Cả ba NHÁNH đều xuất phát từ một gốc là Thượng Đế hay Đạo. Bài kinh có trước ngày Đức Chí Tôn lập ra ĐĐTKPĐ nên đó là dạy cho Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ phổ độ.

Kết luận: Căn cứ vào lời dạy của Thượng Đế về NHÁNH, bài viết đúc kết phép thử về NHÁNH trong Đạo Cao Đài, có ba bước:

Thứ nhất: Thầy mới có quyền lập NHÁNH.

Thứ hai: Cả ba thời kỳ phổ độ, Thầy lập có 4 NHÁNH là Phật, Tiên, Nho và ĐĐTKPĐ.

Thứ ba: NHÁNH không phải là ‘chi phái’ hay ‘chi phái’ không phải là NHÁNH.

2/- Áp dụng phép thử về NHÁNH.

ĐĐTKPĐ có niềm tin và luật pháp riêng, do vậy muốn tìm hiểu, nghiên cứu, nhận định được chính xác và công bằng phải căn cứ vào niềm tin và pháp luật của chính ĐĐTKPĐ. Cũng như bình luận về bóng chuyền, phải căn cứ vào luật bóng chuyền, không thể đem luật bóng đá xài cho bóng chuyền.

2.1/- Tạp chí Liên Giao Cao Đài đăng bài: Ngày Xuân Đọc Thánh Ngôn Thầy, tác giả Lữ Bảo Văn (20-02-2017). (2).

Ngày 20 Février 1926, Thầy cho bài Thánh thi:

“Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy NHÁNH rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp ráng vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.”

Thầy dự báo mối Đạo Thầy khai như tòa nhà quý báu theo thời gian sẽ trổ thêm hoa. Có ý điều tốt đẹp sẽ tăng lên mãi. Ngày nay điều ấy đã ứng hiện. Rồi Thầy nói rõ ban sơ chỉ có một cội Cao Đài sau cội ấy sẽ thêm nhiều NHÁNH, sau sẽ có hoa thơm trái ngọt nhưng chung quy cũng hiệp lại một nhà. Điều này Thầy có ý dạy tuy phân ra nhiều NHÁNH nhưng chốt Cao Đài có một, cội Cao Đài có một. Không phải phân ra nhiều NHÁNH mà khác Đạo. (Hết trích).

Cũng cùng một bài thi trong phép thử về NHÁNH, nhưng tác giả không đối chiếu với cả bài và cũng không đối chiếu với nghĩa của hệ thống và hiểu theo ý riêng. Theo tác giả có rất nhiều NHÁNH và NHÁNH là ‘chi phái’. Bài viết sai với phép thử về NHÁNH.

2.2/- Luật Khoa Tạp Chí đăng bài Phạm Công Tắc và những tư tưởng tranh đấu của đạo Cao Đài, của Vincente Nguyen (23-2-2023). (3).

Tác giả viết: … Trước tình trạng ly khai và gia nhập các NHÁNH mới của Cao Đài, Phạm Công Tắc đã ban hành “Đạo Nghị định thứ 8” tuyệt thông các nhóm ly giáo và coi họ như những kẻ bội đạo. [4] Tài liệu này đã trở thành trở ngại lớn nhất cho nỗ lực tái thống nhất các ‘chi phái’ Cao Đài trong nhiều thập niên.

Ngoài ra, đạo Cao Đài được biết đến nhờ sự dung hòa và chọn lọc các giá trị tôn giáo châu Âu, vốn được xem là kết quả thừa hưởng từ Phạm Công Tắc, vì không có NHÁNH nào khác của đạo nhận được nhiều sự hướng dẫn về đạo đức và tôn giáo từ các nhân vật không phải người châu Á… (hết trích).

Đạo Nghị Định Thứ Tám (ĐNĐ T8) viết.

Ðiều thứ nhất: – Những ‘chi phái’ nào do bởi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo.  (Hết trích)

Đối chiếu ĐNĐ T8 và bài báo cho thấy tác giả hiểu có nhiều NHÁNH mọc ra từ Đạo Cao Đài là sai; tác giả hiểu ‘chi phái’ là NHÁNH cũng sai với lời dạy của Thượng Đế, sai với phép thử về NHÁNH. Nói vui theo Tây Du Ký là đem Tề Thiên giả thế cho Tề Thiên thật. Đó là điều rất đáng tiếc.

Riêng chữ tuyệt thông nội dung chính xác là gì, Tôi không hiểu. Còn các ‘chi phái’ thì ĐNĐ T8 đã định nghĩa ở Điều thứ nhất. Hội Thánh Cao Đài vẫn để cánh cửa cho các ‘chi phái’ quay về nên mới hội họp với các ‘chi phái’ từ 1964 đến năm 1969 thì đạt được 09 Điều kiện qui nhứt. Một số Thánh Thất đã quy về Tòa Thánh Tây Ninh, đến 1983 Hội Thánh Cao Đài bị cốt (1) nên mọi việc tạm dừng.  

Xin thành thật cảm ơn tác giả đã có bài viết và nhận xét: … vì không có NHÁNH nào khác của đạo nhận được nhiều sự hướng dẫn về đạo đức và tôn giáo… Đó là một nhận xét cần phân tích sâu hơn, Tôi sẽ phân tích trong bài viết tiếp theo.

 

____________________

Chú thích:

(1)/- Chữ cốt có nghĩa là dùng búa hay rìu đốn ngã phần thân cây trên mặt đất, nhưng phần gốc và rễ của cây vẫn còn. Năm 1957, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, ra Thánh Lịnh 257 dạy cho người Đạo biết khi Hội Thánh bị cốt thì Bàn Trị Sự và Tín đồ công cử người cầm quyền hành chánh đạo. Năm 1983 nhà nước cộng sản không cho Hội Đồng Chưởng Quản CỦA Hội Thánh Cao Đài cầm quyền Hành chánh đạo nữa; liền đó nhà nước lập ra Hội Đồng Quản Lý để thay thế. Đó là Hội Thánh bị cốt.

(2)/- http://www.tapchiliengiaocaodai.com/tap-chi-cao-dai/doi-song-ton-giao/ngay-xuan-doc-thanh-ngon-thay-day

(3)/- https://www.luatkhoa.com/2023/02/pham-cong-tac-va-nhung-tu-tuong-tranh-dau-cua-dao-cao-dai/

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Huệ Khải bưng củi mục

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đạo Cao Đài và Tam Quyền Phân Lập.  

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Phước thiện trong nền văn minh Cao Đài giáo

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.