(VNTB) – Phá rừng nhưng lấp liếm là “chuyển đổi mục đích sử dụng”, không biết trong 63 mẫu đất này thì các quan ở Kiên Giang được hối lộ bao nhiêu?!
Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa thông qua quyết định phá 63 mẫu rừng thuộc khu phục hồi sinh thái nhưng lấp liếm là “chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án resort, công viên”. Khu rừng chuẩn bị “chuyển đổi” thành resort này thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc tại xã Bãi Thơm.
Kế hoạch phá rừng này đã được chuẩn bị cẩn thận từ 7 năm trước. Cụ thể, năm 2017, dự án được Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc phê duyệt chủ trương đầu tư. Năm 2019, chủ đầu tư dự án đã hoàn thành việc tận thu gỗ. Tới tháng 8 năm nay thì 63 hecta rừng này được được đưa ra khỏi Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030.
Nói về du lịch thì hiện nay Phú Quốc không thiếu khu du lịch, thậm chí là dư, với hàng loạt khối bê tông bỏ hoang chưa thành hình. Cho nên nhà cầm quyền viện cớ xây resort làm du lịch để phá rừng thì khó mà thuyết phục được người dân. Hơn nữa, vẫn có thể giữ lại 63 hecta rừng kia để làm du lịch sinh thái, tổ chức các tour du lịch khám phá thiên nhiên, trekking, đi bộ xuyên rừng… Vừa giúp du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng cảnh rừng tự nhiên, vừa có thể quảng bá về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, Phú Quốc một năm trở lại đây rộ lên nhiều vụ án cán bộ nhà nước nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp để tiếp tay cho phá rừng, phân lô bán nền. Ví dụ ngày 27/4 thì công an đã bắt Du Việt Thanh (chủ tịch xã Cửa Cạn) với cáo buộc nhận hối lộ một chiếc xe hơi và hơn 5 tỷ đồng, để làm ngơ cho tội phạm phá rừng phân lô, bán nền trái phép. Ngày 15/5 tới ông Trần Văn Việt (bí thư kim chủ tịch xã Cửa Dương) cũng đã tự thú là từng nhận hối lộ khoảng 2 tỷ đồng với hai cây tùng la hán (giá trị khoảng 500 triệu đồng) để tiếp tay lâm tặc phá rừng, bán hàng ngàn lô đất nền.
Cùng vụ án đó thì có Đoàn Thanh Tuấn (cán bộ địa chính ở xã Cửa Dương), Hoàng Minh Tuấn (đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Cửa Cạn) ; Nguyễn Tuấn Anh (đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Bãi Dài) và Ngô Thanh Tân (đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Bến Tràm) cũng đã tự thú vì nhận tiền hối lộ để làm ngơ cho việc phá rừng, phân lô bán nền.
Trước đó, đại tá Lê Văn Mót (trưởng công an TP Phú Quốc) cũng bị bắt vì là đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (có thể liên quan tới đất đai). Một cán bộ công an khác là trung tá Phạm Văn Huy cũng bị bắt do liên quan tới đất đai ở Phú Quốc. Tình hình quan chức cộng sản tiếp tay phá rừng phân lô bán nền diễn ra nghiêm trọng tới mức hồi cuối tháng 5, bí thư TP Phú Quốc phải ký quyết định cấm đảng viên xuất cảnh để thanh tra các sai phạm liên quan tới đất đai.
Theo số liệu thì Phú Quốc có 1.744 vụ lấn chiếm đất công, đất rừng với diện tích lên tới 685 hecta. Khu bảo tồn biển Phú Quốc rộng 40.000 hecta thì có tới 40 công trình lấn chiếm trái phép. Đây chỉ là con số đã công khai, còn số lượng được “hợp thức hoá” bằng tiền hối lộ khác thì chưa biết được.
Với những tỳ vết đó thì bây giờ các cán bộ cộng sản ở đây nói phá rừng làm du lịch là “đủ căn cứ, đúng chủ trương” thì dân nào tin nổi. Nếu công tâm, làm đúng luật, thì những người ký quyết định cấp phép cho việc phá rừng này có dám công khai tài sản cá nhân và người thân không? Nếu tài sản của họ đúng với mức thu nhập mà họ nhận được từ lương nhà nước thì dân không có gì để nói. Còn nếu không công khai, che giấu thì chắc chắn là có nhận hối lộ từ các doanh nghiệp và lâm tặc rồi!
____________________
Tham khảo:
https://vnexpress.net/chuyen-63-ha-rung-dac-dung-o-phu-quoc-lam-du-lich-4816167.html