(VNTB) – Không chỉ tăng cường sự hiện diện của công an ở khắp các ngành nghề, Tô Lâm còn yêu cầu quân đội phối hợp với công an theo kiểu tuân lệnh, đặt công an lên trên quân đội.
Phát biểu trước Tổng cục Chính trị Quân đội trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, hồi 12/12, Tô Lâm yêu cầu Đảng bộ Quân đội phải mẫu mực, làm gương trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. (1)
Lời nhắn nhủ của Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh quân đổi vừa được Quốc hội thông qua luật tăng tuổi nghỉ hưu cho sỹ quan quân đội từ 1-5 năm tuổi, và quy định mức trần sỹ quan cấp tướng không quá 415 người. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, và Đại tướng Nguyễn Tân Cương (Thứ trưởng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội) đã liên tục gây áp lực để các sỹ quan tướng tá quân đội được tăng tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, dù kêu gọi phe quân đội tinh gọn, nhưng Tô Lâm lại mở rộng phe công an. Với động thái gần nhất là Bộ Công an đã thành lập gần 86.000 tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở với gần 277.000 thành viên. Ngoài ra phe công an cũng toàn quyền kiểm soát lực lượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ mới được thông qua hồi tháng 6 này. Trước đây, lực lượng cảnh vệ do quân đội và công an cùng quản lý.
Không chỉ tăng cường sự hiện diện của công an ở khắp các ngành nghề, Tô Lâm còn yêu cầu quân đội phối hợp với công an theo kiểu tuân lệnh, đặt công an lên trên quân đội. Trong bài viết mới nhất trên báo Công An Nhân Dân, ngày 14/12, Lương Tam Quang đã đặt ra 6 yêu cầu của công an với quân đội. Trong đó nhấn mạnh quân đội phải tham mưu, phối hợp chặt chẽ với công an để bảo vệ chính trị nội bộ lực lượng vũ trang để phù hợp với tình hình mới. (2)
Thông điệp này cho thấy phe công an muốn quản lý luôn phía quân đội để hoàn thiện thể chế độc tài công an trị tại Việt Nam. Cần nhớ rằng quân đội không những sở hữu vũ khí, quân trang, quân lực, được hưởng nguồn ngân sách lớn nhất trong các bộ ngành. Mà quân đội còn có lực lượng tình báo, toà án, kiểm soát riêng. Dù bên nào cũng có tiêu cực, tham nhũng, nhưng quân đội cũng được lòng người dân hơn so với công an, vì không nhận hối lộ, bảo kê một cách lộ liễu như công an. Có thể nói quân đội rõ ràng là đối trọng lớn nhất với phe công an của Tô Lâm. Để tránh bị đảo chính thì Tô Lâm buộc phải tìm mọi cách thôn tính hoặc làm suy yếu phe quân đội.
Về việc thôn tính, Tô Lâm đang tìm mọi cách để đưa thân tín đồng hương Hưng Yên là thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lên thay ghế Bộ trưởng của Phan Văn Giang. Trong khi Phan Văn Giang thì muốn nhường ghế bộ trưởng nhiệm kỳ sau cho Nguyễn Tân Cương. Nếu tướng Chiến tranh ghế không thắng được tướng Cương, thì Tô Lâm phải tính đến phương án hai là làm suy yếu phe quân đội bằng cách giảm quân số, giảm ngân sách, gây chia rẽ nội bộ. Đồng thời tăng cường lực lượng công an để kìm chân và phòng bị trước những diễn biến bất ngờ từ phía quân đội.
Nhưng mọi chuyện không chỉ nằm ở vấn đề giành giật địa bàn của các phe phái mà còn là chủ quyền quốc gia và nhân quyền của người dân. Quân đội bị suy yếu, chia rẽ chính là thời cơ cho giặc ngoại xâm lăm le bờ cõi. Công an mạnh lên thì cũng là lúc người dân bị kiểm soát, đàn áp nặng hơn. Thậm chí, khi công an có toàn quyền quản lý, điều động luôn cả Bộ Quốc phòng thì quân đội sẽ chẳng khác nào cánh tay nối dài để theo dõi, trấn áp người dân. Rõ ràng là một tương lai tăm tối cho chủ quyền và nhân quyền Việt Nam dưới triều đại Tô Lâm!
____________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/tong-bi-thu-quan-doi-lam-guong-trong-sap-xep-bo-may-4826941.html