Trần Thành
Theo đó, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng với các mục đích sau đây: Phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; Ngăn chặn các lực lượng quân sự nước ngoài sử dụng biện pháp công nghệ, kỹ thuật thông tin gây tổn hại đến thông tin, hệ thống thông tin; hoặc các tổ chức trong nước, nước ngoài sử dụng biện pháp công nghệ, kỹ thuật thông tin gây tổn hại đến thông tin, hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng, các hệ thống thông tin có cấp độ 3 trở lên mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đến quốc phòng.
Nghi vấn từ những vụ máy bay quân sự bị nổ tung
Vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ máy bay quân sự của Việt Nam bất ngờ bị nổ mà không rõ lý do. Hộp đen của những vụ việc này vẫn đang được giải mã từ các chuyên gia nước ngoài. Có nghi vấn ở đây là tin tặc Trung Quốc có thể đã xâm nhập vào hệ thống điều khiển điện toán của Bộ Quốc phòng Việt Nam để phá hoại theo một chủ đích nào đó. Nghi vấn này xuất phát từ việc rất nhiều thiết bị điện tử của Việt Nam được chọn mua từ các đối tác Trung Quốc.
Vừa qua, sự việc tấn công Vietnam Airline và thay đổi nội dung hiển thị ở hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài của nhóm hacker đến từ Trung Quốc cho thấy không chỉ tấn công trên môi trường mạng, mà chúng còn chiếm quyền điều khiển màn hình hiển thị và hệ thống loa phát thanh tại sân bay.
Ông Ngô Tuấn Anh, phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của BKAV cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 300.000 thiết bị định tuyến (Router), trong đó hơn 90% có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Khi sử dụng những thiết bị này làm tăng nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển thiết bị và tấn công có chủ đích của kẻ xấu. Không chỉ vậy, đáng lo ngại là hiện nay tại Việt Nam tràn ngập USB 3G, smartphone, thiết bị viễn thông chủ yếu được sản xuất bởi Huawei và ZTE, hai công ty từng bị Hạ viện Mỹ ngờ vực hoạt động tình báo cho chính phủ Trung Quốc.
Một chuyên gia viễn thông cho biết hiện nay ngoài các tuyến cáp quang biển quốc tế, Việt Nam còn có thêm một tuyến cáp quang đất liền đi qua Trung Quốc có dung lượng khoảng 120 Gbps. Tuyến cáp quang này nối từ tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc đến hai trạm ở Việt Nam và từ Việt Nam nối với các nước ASEAN. Hiện tại, Việt Nam cũng đang chuẩn bị xây dựng thêm một đường cáp thứ hai nối qua đất liền với quốc gia này.
Về mặt kỹ thuật, đường truyền cáp quang đi trên biển hay đất liền thì nguy cơ bị can thiệp (theo dõi), thay đổi là như nhau, chỉ khác một điều là trên đất liền thì điều kiện để thực hiện việc này dễ dàng hơn nhiều, ông Tuấn Anh chia sẻ. Lưu ý là trong các báo cáo gần đây của tổ chức bảo mật uy tín trên thế giới, các cuộc tấn công quy mô quốc gia về malware đều xuất xứ từ Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng sẽ làm gì?
Điều 20 của Nghị định số 142/2016/NĐ-CP trao quyền Bộ Quốc phòng các nội dung như sau:
1. Chủ trì ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc Phòng.
2. Tổ chức xây dựng lực lượng nghiệp vụ có tính chiến đấu cao, điều phối và sử dụng các nguồn lực quốc phòng để ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng với các mục đích quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
3. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.
5. Chỉ đạo lực lượng thuộc quyền phối hợp với cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức huấn luyện, diễn tập nghiệp vụ ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
6. Tăng cường đầu tư, trang bị phương tiện đặc thù cho thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.
7. Thường xuyên trao đổi thông tin với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao về hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
8. Thực hiện hợp tác quốc tế về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.