Rupert Wingfield-HayesBBC News, tường thuật từ Bình Nhưỡng
Đó là một nhân viên hải quan mặt mũi lầm lỳ, đội chiếc mũ quân nhân hơi rộng trông khá kỳ quặc.
“Mở ra?” ông ta gầm gừ chỉ vào cái điện thoại di động của tôi.
Tôi chấp hành ngay, nhanh nhẹn bấm mã khóa. Ông ta giật lại chiếc điện thoại và ngay lập tức mở phần chứa ảnh.
Ông ta kéo xuống qua những tấm ảnh chụp cảnh các con tôi đi trượt tuyết, hoa anh đào Nhật nở rộ, và những tòa nhà chọc trời ở Hong Kong.
Có vẻ hài lòng, ông ta quay sang cái vali. “Có sách không?” ông ta gắt. Không, không có sách gì hết. “Phim ảnh?” Không, không có phim. Tôi bị đưa sang một cái bàn khác, nơi có một phụ nữ ít cục cằn hơn nhiều, người đang kiểm tra chiếc máy tính xách tay của tôi.
Tôi để ý thấy quy trình kiểm tra này được diễn ra với cả những du khách Nga, một doanh nhân người Thái Lan, một nhóm người cao tuổi Nhật Bản gốc Triều Tiên. Một quy trình trông và khiến người ta cảm thấy như bị dọa dẫm. Mà rất có thể chủ ý của giới chức cũng là muốn người ta thấy vậy.
Nhưng điều khiến tôi kinh ngạc lại không phải là cách thức một đất nước tự tin vào chính mình, mà là cách hành xử của một chế đố thường xuyên sợ hãi thế giới bên ngoài.
Họ sợ cái gì? Họ nghĩ là điều gì có thể xảy ra nếu như thông tin từ bên ngoài được truyền vào trong nước?
Kèm sát nhưng lặng lẽ
Bên ngoài nhà ga ở thủ đô Bình Nhưỡng, một nhóm những người có trách nhiệm đi kèm chúng tôi đang đợi sẵn. Một người đàn ông trung tuổi trong bộ đồ không mấy vừa vặn tiến tới.
Trên ve áo ông ta có cài chiếc huy hiệu với gương mặt mỉm cười của Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo tối cao từ 1948 cho tới khi ông qua đời năm 1994, và Kim Chính Nhất, con trai đồng thời là người kế vị ông, qua đời năm 2011. Đó là một phần trong đồng phục quốc gia.
“Chào ông Rupert,” người đàn ông nói và cầm lấy chiếc túi của tôi.
Tôi thì vẫn chưa kịp tự giới thiệu. Nhưng mà họ thì đã nhớ hết những khuôn mặt chúng tôi.
Chúng tôi đi cùng nhau trên một chiếc xe buýt mini Toyota. Tôi cố bắt chuyện với một trong những người đi kèm.
Nhưng ông Kim không phải là người mở miệng.
“Có vẻ như xe cộ trên phố đông hơn so với lần trước tôi tới,” tôi gợi chuyện. Không trả lời gì. “Độ này Bình Nhưỡng có bị tắc đường gì không?” Ông ta lắc đầu.
Xe cộ lưu thông nhiều hơn so với lần trước tôi đến thật. Những chiếc xe SUV của Trung Quốc chạy trên các đại lộ rộng rãi của Bình Nhưỡng.
Rất nhiều xe Mercedes Benz cũ tìm lại được cuộc đời mới ở đây. Các khối nhà căn hộ xây kiểu Xô-viết được sơn màu sáng sủa, một số màu hồng, một số màu xanh hoặc cam. Toàn bộ khu vực trông như sáng bừng hơn, tươm tất hơn.
Thế nhưng nơi đây vẫn là sự tương phản ghê gớm so với bất kỳ thành phố Á châu nào khác. Không có những biển hiệu lấp lánh ánh đèn neon treo trên các tòa nhà. Những bức chân dung khổng lồ vẽ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhất từ trên các tòa nhà chính phủ nhòm mắt xuống phía dưới.
“Dân Bình Nhưỡng thích đi đâu vào các tối thứ Sáu?” một trong các đồng nghiệp của tôi khỏi chuyện một người khác trong nhóm đi kèm chúng tôi. “Tại sao lại hỏi cụ thể về tối thứ Sáu?” người này hỏi lại. Cô ấy hoàn toàn bối rối trước câu hỏi.
Chiếc xe buýt đi qua một cái cổng, chạy vào một khu vực rộng rãi, bên trong có những căn nhà xây kiểu phương Tây nằm giữa những khoảng vườn tốt tươi. Trông giống như một khu nhà ở loại sang có cổng chắn ở Mỹ thời thập niên 1970. Chúng tôi được thả ở căn nhà mang số 24.
Tâm trạng chúng tôi nhanh chóng thay đổi theo cảnh vật xung quanh. Tôi cùng người quay phim trong nhóm, Matt, đi ra phía cổng chính.
Nhưng ngay lập tức có tiếng la hét phía sau lưng, và rồi có người chạy theo đằng sau chúng tôi, vẫy tay rối rít.
Cuối cùng, một người trong nhóm những người đi kèm đuổi kịp, thở hổn hến.
“Họ đang đợi các anh ở chỗ nhà khách,” anh ta nói. “Các anh phải đến đó ngay, bữa tối đã sẵn sàng và các anh là những người cuối cùng đấy, mọi người đang đợi các anh.”