Đọc dự thảo Luật Báo chí mới để tham dự một hội nghị góp ý kiến do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức, tôi thực sự băn khoăn về các định hướng đổi mới hay cải cách trong luật này.
Tăng cường kiểm soát để đưa báo chí vào trật tự, nền nếp hơn, hay tạo thêm nhiều không gian tự do để báo chí phát triển, hay là gì và gì đấy nữa…?
Tuy nhiên, mặc cho mục tiêu của luật này là gì, tôi vẫn cho rằng, trong cuộc chạy đua và loại bỏ không thương tiếc giữa các loại hình và phương tiện truyền thông trong thời đại mới này, báo chí trước hết cần phải sống và sống khỏe, sau đó mới nói đến phát triển theo hướng này hay hướng kia. Và để đạt được điều đó, phải chăng con đường đúng đắn và duy nhất là chuyên nghiệp hóa báo chí? Do đó, việc quản lý nó cũng cần chuyên nghiệp.
Trước hết là phân định báo chí với các phương tiện truyền thông khác như trang mạng thông tin điện tử vốn được coi như một sản phẩm của Internet. Trông bề ngoài có vẻ giống nhau vì cùng chứa đựng tin và có công dụng truyền tin nhưng thông tin của báo chí bắt buộc phải đi qua quy trình biên tập, một cách chuyên nghiệp. Vậy nên, e rằng nếu mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Báo chí sang cả các trang mạng này, vốn hằng hà sa số, sẽ là một sự khiên cưỡng và vô tác dụng. Điều cần thiết là có các văn bản khác chấn chỉnh hoạt động của các trang này phù hợp với với đặc điểm, tính chất của nó.
Về chức năng, nhiệm vụ của báo chí, chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền (nếu có) có trái với chức năng cung cấp thông tin trung thực? Thiết nghĩ không nên hiểu và thực hiện chức năng này một cách trực tiếp. Tuyên truyền là chức năng của các cơ quan nhà nước, đó là sự tuyên truyền của nguồn tin, báo chí làm nhiệm vụ phản ánh lại thông tin từ nguồn tin. Ngoài ra, một cách tự nhiên và thông thường, vẫn có thể kiểm soát được cả hoạt động lẫn tác động của việc đưa tin thông qua quyền năng của chủ sở hữu và chức năng biên tập.
Nếu coi báo chí là chuyên nghiệp thì hãy coi trọng và đặt vào trung tâm các nhà báo, các biên tập viên và hội nhà báo. Nhà báo cần được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản, có thể tham khảo mô hình đào tạo luật sư, tức đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ bắt buộc trước khi được cấp phép hành nghề.
Chứng chỉ hành nghề báo chí có thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sau khi sát hạch, kèm với thẻ nhà báo do Hội Nhà báo cấp cho thành viên của mình để tạo điều kiện pháp lý cho tác nghiệp báo chí của nhà báo. Đồng thời, chứng chỉ hành nghề cũng như thẻ nhà báo không nên có kỳ hạn, hơn nữa lại kỳ hạn quá ngắn là năm năm, bởi sẽ tạo sự bấp bênh và tâm lý bất ổn với nghề. Các luật sư ngày nay theo Luật Luật sư đã có thẻ hành nghề vô thời hạn và chỉ bị thu hồi nếu có vi phạm pháp luật hay đạo đức hành nghề. Hội bhà báo, tương tự như luật sư đoàn, cần đóng vai trò là tổ chức giám sát tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo. Và do đó, hơn ai hết, Nhà nước cần quản lý báo chí thông qua tổ chức xã hội-nghề nghiệp này.
Bên cạnh đó, biên tập viên cũng cần được đào tạo chuyên nghiệp và học tập kinh nghiệm nhiều nước, chúng ta cũng cần có hiệp hội của các biên tập viên để từng bước quản lý đội ngũ quan trọng này theo hướng chuyên nghiệp.
Nhà báo cần có quyền hoạt động tự do hay làm việc tại một cơ quan báo chí (tờ báo). Ở mỗi cơ quan báo chí, như một pháp nhân của loại hình hoạt động nghề chuyên nghiệp, cần có sự tách biệt giữa chủ sở hữu và quản lý chuyên môn. Đứng đầu quản lý chuyên môn luôn luôn phải là tổng biên tập, bởi đó là yếu tố làm nên sự khác biệt và đặc thù của hệ thống truyền thông đại chúng nói chung và báo chí nói riêng. Vậy, liệu có nguy cơ mất quyền lãnh đạo và kiểm soát của chủ sở hữu đối với hoạt động của tổng biên tập không? Chắc chắn sẽ rất khó và hiếm khi xảy ra bởi suy cho cùng tổng biên tập chỉ là người được chủ sở hữu tuyển dụng từ thị trường lao động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, từ góc độ quản lý vĩ mô, Nhà nước cần kiểm soát các chủ sở hữu cơ quan báo chí hơn là kiểm soát các tổng biên tập bởi một khi bị lệ thuộc quá chặt vào “quản lý nhà nước”, chức năng nghề nghiệp và tài năng chuyên môn của các tổng biên tập sẽ dần dần mai một, và đi kèm theo đó, chất lượng báo chí đi xuống là điều không tránh khỏi.
Trong cuộc chạy đua và loại bỏ không thương tiếc giữa các loại hình và phương tiện truyền thông trong thời đại mới, báo chí trước hết cần phải sống và sống khỏe, sau đó mới nói đến phát triển theo hướng này hay hướng kia. Và để đạt được điều đó, phải chăng con đường đúng đắn và duy nhất là chuyên nghiệp hoá báo chí?
Trong hoạt động báo chí, điều nhạy cảm nhất và cũng có ý nghĩa hệ trọng nhất là bảo vệ nguồn tin.
Về khách quan, điều này hợp lý bởi bản thân nhà báo và cơ quan báo chí luôn phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc đưa tin trung thực, chính xác và không vi phạm pháp luật của mình.
Bảo vệ nguồn tin, tức không tiết lộ danh tính nguồn tin báo chí, từ lâu đã được coi là một nguyên tắc không chỉ gắn với nghề báo mà còn gắn với bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin của luật quốc tế nói chung và luật quốc gia nhiều nước nói riêng.
Thậm chí ngay trong một vụ kiện liên quan đến nghĩa vụ tiết lộ nguồn tin vì mục đích an ninh quốc gia vào năm 1996 (Case Goodwin v. United Kingdom), Tòa án Nhân quyền châu Âu đã đưa ra phán quyết bảo vệ nguyên tắc này với lập luận rằng: “Nếu không có sự bảo vệ như vậy, các nguồn tin sẽ bị cản trở trong việc hỗ trợ báo chí thông tin sự thật vì lợi ích công cộng. Hậu quả là chức năng xã hội sống còn của báo chí về cung cấp thông tin trung thực và đáng tin cậy sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”.
Đáng chú ý rằng trong nhiều trường hợp, lợi ích cục bộ của một cơ quan, tổ chức hay thậm chí cá nhân nào đó thường được suy diễn thành lợi ích của “an ninh quốc gia”, trong khi về bản chất lợi ích chính đáng của một quốc gia luôn luôn là sự thật. Mặt khác, cần phải nhận thức rằng nếu không gắn với sự thật, báo chí cuối cùng sẽ bị chính cuộc sống loại ra bên lề của nó. Do đó, nếu Luật Báo chí quy định về việc một cơ quan chính quyền có quyền yêu cầu một nhà báo tiết lộ nguồn tin của mình thì như một nguyên tắc tối thiểu, quyền yêu cầu đó chỉ có thể được thực hiện với những điều kiện cụ thể và chặt chẽ do luật định.
Cuối cùng, báo chí có cần được phát triển gắn với quy hoạch không? Như câu chuyện muôn thuở, quy hoạch và kế hoạch về bản chất đồng nghĩa với hạn chế, nhất là khi xét từ góc độ quản lý vĩ mô. Mặc dù vẫn cần phải trả lời câu hỏi đương nhiên là việc ban hành quy hoạch báo chí sẽ tuân theo luật nào, trong khi Nhà nước mới ban hành Luật Quy hoạch đô thị mà không có luật quy hoạch cho hoạt động báo chí. Khi chấp nhận quy hoạch là chúng ta chấp nhận sự hạn chế phát triển của báo chí như một phương tiện chủ đạo của truyền thông đại chúng. Sự hạn chế đó rất có thể dẫn đến rủi ro làm giảm năng lực cạnh tranh của báo chí với các phương tiện truyền thông khác đang ngày càng đa dạng, phong phú, hiện đại và tự do của thế kỷ này. Trên thực tế, đã có nhiều tờ báo lớn trên thế giới, từng tồn tại cả trăm năm nhưng cuối cùng phải chấp nhận thua trong cuộc đua với mạng xã hội.
Báo chí có ý nghĩa gì một khi thiếu thị trường tiêu thụ là những người đọc hay người xem nó? Đó xin là thông điệp của tác giả bài viết này khi góp ý dự thảo Luật Báo chí.
Theo TBKTSG