Việt Nam Thời Báo

Báo động: Dối trá công quyền đang trở thành bệnh dịch!

Nguyễn Thiện Nhân


(VNTB) – Quan chức ngày nay có khả năng vừa nói dối tỉnh rụi vừa ra vẻ đàng hoàng chính chắn. Lời nói nghiêm trang, ăn mặc lịch sự, tóc tai gọn gàng, cảm xúc đầy đặn… của quan chức được hệ thống độc quyền truyền thông loan tải khiến nhiều người không nhận ra quan chức nói dối, cứ tưởng quan chức hẳn là kẻ hiểu biết và tử tế, còn kẻ nhận ra thì không khỏi oặn lòng đau xót cho một đất nước vô phước đang lâm vào giai đoạn hắc ám. Sự giả dối lên ngôi thống trị, hậu quả của nó hơn hẳn cái ác nhiều lần khi điều đó dần dần biến thành thói quen và lối sống của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng dân tộc Việt!

Ngày 18/11/2014, ông Bộ trưởng Bộ nội vụ đã lừa dối nhân dân khi trả lời trước quốc hội rằng “99,54% công chức tại Việt Nam “hoàn thành nhiệm vụ”! Trong khi thực tế, người dân đang bức xúc với loại công chức “sáng cấp ô đi, tối cấp ô về” trong bộ máy cồng kềnh làm cho ngân sách quốc gia rơi sâu thêm vào thâm thủng.

Báo cáo tháng 9 năm 2014 của Bộ Lao động cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 1,84%! Con số này chắc chắn là dối trá. Kinh tế đang khó khăn, các doanh nghiệp phá sản, giải thể hàng loạt, chủ tịch hội doanh nghiệp Tp.HCM tâm sự “có hôm anh em doanh nhân ngồi nói với nhau, nói là ngủ một đêm sáng mai dậy không biết ai còn ai mất, cứ như thời chiến tranh!”. Người thất nghiệp nóng lòng ngược xuôi tìm việc. Ấy vậy mà Bộ lao động thản nhiên phán “tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 1,84%”! Đúng là nói dối quen mồm!

 

Nói dối không chừa cấp nào!

“Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai!” – đây là câu nói của ông Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 11/4/2014. Câu nói này thật nhẫn tâm, nó thọc ngoáy vào vết thương đau buốt của dân tộc. Dân tộc VN đang phải sống trong tủi nhục, nuốt ngược nước mắt vào trong, cắn răng chịu đựng những nỗi đau âm ỉ hoằn sâu trong con tim đầy thương tích!

Người dân thấp cổ bé họng cặm cụi làm ăn, đời sống vất vả, hằng ngày bị nhét vào tai những lời dối gian của hệ thống truyền thông một chiều, nào dám thốt lên lời oán trách, nào dám nói trái lại lời mấy quan. Như thế mà cũng chưa vừa lòng bọn họ, khi làm sai lại, họ lại kêu dân ra đổ lỗi.  

Quốc hội có đến trên 90% số đại biểu là đảng viên và không đến 1% số đại biểu tự ứng cử thì không thể nói quốc hội đại diện tiếng nói của dân. Sao ông Chủ tịch quốc hội lại nỡ thốt ra dối trá rằng“Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai!”

Xem số liệu chi tiết để nhìn cho rõ thực hư chuyện bầu cử: Quốc hội khóa XIII có 500 đại biểu thì chỉ có 4 đại biểu tự ứng cử, chiếm 0,8%, còn lại là do đảng cử! Chỉ có 8,4% đại biểu ngoài đảng (42 người). Đảng tổ chức bầu cử thông qua Tổ bầu cử – Ban bầu cử – UB bầu cử – Hội đồng bầu cử. Nhưng trước đó, danh sách ứng cử viên bị đảng sàng lọc gắt gao bằng một “bộ lọc” gồm nhiều cấp bậc: Cơ quan làm việc – Phường, xã – UB MTTQ với những lần xét duyệt qua “hội nghị cử tri” và “hội nghị hiệp thương” để gạn lọc tối đa, chỉ còn lại 827 người đảng ưng ý mới chốt lại đưa cho dân bầu, cuối cùng cái quyền của dân là được bầu chọn 500 vị trong số 827 vị này!

Quyền của dân chỉ có thế.

Còn đây là số phận của những người “tự ứng cử”: Quốc hội khóa XI cả nước có 67 người tự ứng cử, trong đó 10 người được đưa vào danh sách chính thức, kết quả chỉ có 2 người trúng cử; Quốc Hội khóa XII cả nước có 238 người tự ứng cử, trong đó có 30 người được đưa vào danh sách chính thức và chỉ duy nhất 1 người trúng cử. Quốc Hội khóa XIII cả nước có 83 người tự ứng cử, trong đó có 15 người được đưa vào danh sách chính thức và chỉ duy nhất 4 người trúng cử. Khả năng trúng cử của những người “tự ứng cử” quả thật rất thấp so với người được “đảng cử”. Nhìn vào số liệu này, không ai không hoài nghi về quá trình “sàng lọc” cũng như tính trung thực của công việc kiểm phiếu.

Những vị đại biểu quốc hội còn kiêm nhiệm chức vụ trong đảng, trong chính quyền thì làm sao làm việc khách quan? Mặt khác, họ luôn muốn được thăng quan tiến chức nên rất ít đại biểu dám trái ý đảng, để không bị bít đường thăng tiến, họ phải tự giới hạn những ý kiến của mình. Với những ràng buộc vô hình như vậy, quốc hội tất nhiên không thể đại diện tiếng nói của người dân được.

Nhân dân bắt buộc phải chấp nhận cái lý luận trái thực tế mà hệ thống truyền thông của đảng như báo “quân đội nhân dân” tuyên truyền suốt năm tháng rằng “bản chất chế độ dân chủ ở nước ta là tốt đẹp và ưu việt” và rằng “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là chế độ dân chủ “gấp triệu lần” hơn bất cứ chế độ dân chủ nào trong lịch sử…”! Trong khi thực tiễn người dân phải gồng lên hứng chịu môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại, nợ công chồng chất, lương công nhân bình quân chỉ có 150USD/tháng, phải thắt lưng buộc bụng xoay sở cuộc sống.

Việt Nam có hơn 700 cơ quan báo chí, với hơn 700 ấn phẩm báo chí, hơn 2.500 trang thông tin điện tử đang hoạt động. Hệ thống này tiêu tốn bao nhiêu tiền ngân sách, lại bị kiểm duyệt và áp đặt tư tưởng, không dám lên tiếng chỉ ra cái tồi tệ trong đường lối, chủ trương sai lầm của Đảng! Cũng bởi vì “đảng CSVN lãnh đạo toàn diện”, ai dám!

 

Giáo dục dối trá, đạo đức xã hội đi về đâu?

Người ta dạy cho học sinh, sinh viên những kiến thức lịch sử dài lê thê với những chiến công cách mạng vẻ vang, anh dũng. Lịch sử cần những sự kiện và con số khách quan, tránh sử dụng những câu từ ca ngợi thừa thải và tránh những đánh giá thiên lệch. Nhưng sách giáo dục lịch sử chính qui đã quá nặng nề tính chính trị mà lờ đi nhiệm vụ cốt yếu của mình. Vì thế, học sinh chán ngấy với môn lịch sử, đành học vẹt lấy điểm. Học sinh chẳng mấy bạn chọn thi môn sử, học sinh tập trung xé tài liệu lịch sử rải khắp sân trường, điều đó cho thấy thực trạng giáo dục lịch sử hiện nay.

Đáng nói nhất là bộ môn triết học, những ấu trĩ vẫn cứ tồn tại mấy chục năm. Những lý luận mà 50-100 năm trước xã hội chưa nhận ra sai sót cũng là chuyện bình thường, song ngày nay với đầy đủ phương tiện tiếp cận thông tin cùng với sự vận động thực tế của thế giới, những lý luận ấy đúng sai đã quá rõ ràng, nếu vẫn cố níu giữ cái sai để bắt buộc đất nước phải đi theo nó thì đó là điều đáng lên án. Không còn là vấn đề tư tưởng, đó là sự dối trá!

Sự dối trá còn hiển hiện trong bệnh thành tích kéo dài. Ngay sau khi thực hiện phong trào “hai không”, kết thúc mùa thi năm 2007, cả xã hội bàng hoàng vì kết quả chấm thi cho thấy: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước giảm từ 94% xuống 66%. Rõ ràng con số 66% mới là số thực chất, còn 94% chỉ là giả dối.

Nhưng ở cái xã hội này, sự trung thực chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn ngủi bởi một ‘phép thử’, sau đó đâu lại vào đấy, sự giả dối lại hồi sinh và ngự trị. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2008 là 75%, năm 2009: 84%, năm 2010: 93%, năm 2011: 96%, năm 2012: 98%, năm 2013: 97,5%, năm 2014: 99%!!!

Xã hội không chấp nhận thực tế là chỉ có 66% học sinh thi đỗ bằng năng lực học tập. Bệnh thành tích luôn tồn tại có tính hệ thống. Người ta vui vẻ với kết quả giả dối: 95% đến 99%!

Có quá nhiều vấn đề trong giáo dục cần được mổ xẻ từ tiểu học đến đại học, thỉnh thoảng dư luận lại gióng lên những hồi cảnh báo, nhưng rồi mọi thứ lại trở về như cũ, đạo đức xã hội sẽ đi về đâu?

 

Nguồn tham khảo:

http://vneconomy.vn/thoi-su/9954-cong-chuc-tai-viet-nam-hoan-thanh-nhiem-vu-2014111801539430.htm

Tin bài liên quan:

VNTB – Đình công ngày 2/4: Tiền Giang nóng bỏng, Tp.HCM hạ nhiệt

Phan Thanh Hung

VNTB – Tiết lộ: Mặt trận thời ông Nguyễn Thiện Nhân né các vấn đề nóng

Phan Thanh Hung

VNTB – Shin Sung Vina: Đình công kéo dài 10 ngày, chính quyền vào cuộc!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.