BBC
Hôm 5/1, báo Một Thế Giới “bác bỏ thông tin bịa đặt lan truyền trên mạng xã hội” về một cuộc phỏng vấn được cho là của phóng viên báo này ‘điều tra tài sản của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc’.
Trước khi Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 diễn ra, mạng xã hội nhiễu loạn thông tin về thân thế các lãnh đạo trong nước.
Ban biên tập báo Một Thế Giới viết: “Hôm 4/1, có trang mạng xã hội chia sẻ một đoạn file ghi âm được cho là nội dung cuộc điện thoại của một phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới mang tên Nguyễn Tuấn Nam với một cán bộ Ban Nội chính Trung ương liên quan đến tài sản của một lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Ban biên tập báo điện tử Một Thế Giới khẳng định thời gian qua không cử bất cứ phóng viên nào gọi điện phỏng vấn cán bộ Ban Nội chính Trung ương như file ghi âm lan truyền. Đồng thời, phóng viên Nguyễn Tuấn Nam cũng xác nhận không thực hiện cuộc gọi điện phỏng vấn như trên và giọng nói trong file này không phải là giọng của mình.
Việc lan truyền file audio như trên mang nội dung xuyên tạc, bịa đặt đã làm ảnh hưởng đến uy tín của báo điện tử Một Thế Giới.
Ban biên tập báo điện tử Một Thế Giới xin thông báo để bạn đọc được biết, và cảnh giác với những loại thông tin nói trên”.
‘Khối tài sản’
Hôm 4/1, đoạn băng ghi âm xuất hiện trên mạng xã hội và báo ‘lề trái’ được nói là của phóng viên Nguyễn Tuấn Nam và ông Phạm Anh Tuấn, Phó Ban Nội chính Trung ương về việc thanh tra khối tài sản của gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc.
Trong đoạn băng, người được cho là ông Tuấn nói: “Bác ấy là Bộ Chính trị quản lý mà, cái thứ hai thông tin này trên trang mạng, tức là cái blog, mạng xã hội ấy mà, không có cái nào chính thống hết. Thế thì cái chính là mình phải bảo đảm cái ổn định để tránh mất lòng tin lớn quá.
Câu chuyện tới đây, anh nghĩ là tốc độ của nó thì các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét. Nên thôi, theo anh tốt nhất mình không có ý kiến gì, bởi vì nó không có gì chính thức hết, ừ, theo anh thì như thế em nhé! Không có chính thức thì mình cũng không có ý kiến gì em nhé…”.
Đầu tháng 12/2015, mạng xã hội lan truyền đơn “Đề nghị thanh tra khối tài sản của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc” được cho là của ‘một vị lão thành ở Tam Kỳ, Quảng Nam’ và đơn của một người tự nhận là ‘Nguyễn Đức Hạnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ’ đề nghị thanh tra “việc 5 tháng trước khi rời chức Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc vẫn kịp ký bổ nhiệm 15 vụ trưởng, 35 vụ phó, gần 50 trưởng phòng, phó phòng, kiếm hàng chục triệu đô la”.
Hôm 30/12, báo Tuổi Trẻ thông báo một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ mô tả điều họ gọi là đơn thư xuất hiện trên mạng internet tố cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là đơn thư ‘mạo danh’ và “Văn phòng Chính phủ không có cán bộ tên Nguyễn Đức Hạnh”.
Hôm 5/1, trang Zing News dẫn lời Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Việc tố cáo sai sự thật, bôi xấu lãnh đạo sẽ bị xử nghiêm. Đối với những loại đơn mạo danh liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng, chúng tôi rất cẩn thận. Khi tiếp nhận, chúng tôi có trao đổi với cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan chức năng theo dõi vấn đề tư cách đại biểu đại hội”.
“Thanh tra Chính phủ đã làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương thống nhất phương án xử lý đối với đơn thư không rõ họ tên, địa chỉ tố cáo lãnh đạo cấp cao nhưng có nội dung cụ thể và đã chuyển 14 đơn thư đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét”, báo này viết.