Việt Nam Thời Báo

“Bây giờ là 19h00”: Truyền thông, báo chí và thứ bệnh mang tên “Kịch Bản”

Hòa Cầm

(VNTB) – Truyền thông – báo chí, cái mà Bộ luôn tự hào với hơn 700 báo đài đang mắc phải thứ bệnh mang tên “Kịch Bản”. Mọi thứ được chỉ đạo, định hướng quyết liệt, sâu sát đến từng câu chữ, hình ảnh, những cuộc giao ban báo chí hằng tuần với sự tham gia ít nhiều từ phía bên Tuyên giáo.
Năm 2015 mở ra đầy thách thức đối với Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam (Bộ TT&TT).

Khi mà chỉ với một blog, đã bắt cả hệ thống tuyên truyền đồ sộ phải đứng im và biết lắng nghe hơn.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai những biện pháp để chủ động ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng
Đó là một sự thừa nhận về sự bị động và hệ quả của việc quản lý xơ cứng trong cuộc chiến truyền thông trong thời gian qua mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã mắc phải.

Sự quyết liệt của Bộ trong việc xử lý trang web giải trí haivl, các trang báo đưa tin lá cải, rẻ tiền, “giật tít- câu view” trong năm 2014, hay gần nhất đây là xử phạt e-kip làm chương trình Điều ước thứ 7 vì sự thiếu trung thực cho thấy nỗ lực nhưng lại chưa đem lại sự chủ động về phía Bộ.
“Kịch Bản”

Bởi lẽ, truyền thông – báo chí, cái mà Bộ luôn tự hào với hơn 700 báo đài đang mắc phải thứ bệnh mang tên “Kịch Bản”. Mọi thứ được chỉ đạo, định hướng quyết liệt, sâu sát đến từng câu chữ, hình ảnh, những cuộc giao ban báo chí hằng tuần với sự tham gia ít nhiều từ phía bên Tuyên giáo. Ngay cái cách cuối năm, phải tổ chức tổng kết công tác và triển khai nhiệm vụ báo chí, với sự tham gia và khen ngợi của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trong đó cho rằng “báo chí đã bám sát định hướng chính trị tư tưởng, tích cực, chủ động và có nhiều sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền” cũng đã phần nào cho thấy thực trạng thiếu chủ động của nền báo chí, truyền thông nước nhà. Tất cả, đã khiến cho những máy móc, thiết bị tối tân, nhân lực khổng lồ, hệ thống cơ sở trải khắp trở nên bị động với những nguồn tin mà người dân thực sự cần, điều đó có nghĩa phương thức “cầm tay chỉ việc” trong quản lý, vốn đem lại nhiều hiệu quả trong thời chiến, bao cấp đã trở nên lỗi thời… Hay nói đúng hơn, nhiệm vụ truyền thông – báo chí là “tuyên truyền, định hướng” đã trở nên vô nghiệm trong thời @.

Càng lỗi thời hơn khi internet phát triển, truyền thông nhà nước trở nên lão hóa nhanh chóng hơn bởi sự chậm chạp, chờ đợi ban phát nguồn tin, tất thảy làm nảy sinh ra những “thông tin xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và cá nhân các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng”, bên cạnh lượng tin “hiếp giết” ngày một nhiều trên các mặt báo cách mạng, cả nền truyền thông báo chí bị “gia nô hóa”. Hay nói cách khác, truyền thông nhà nước đang rơi vào trạng thái bất tuân – truyền tải hay tuyên truyền, trước sự mặc cảm của Bộ TT&TT khi muốn đối phó thông tin trái chiều như là kẻ thù, nuôi ảo tưởng cần phải điều khiển báo chí, truyền thông như lớp gia nô như trong thời kỳ cao trào cách mạng trước đó.

Cách quản lý báo chí, truyền thông ngày hôm nay với các điều luật các liên quan, không khác gì so với “Nghị quyết của đảng về Công tác báo chí” (12/1958), trong đó khẳng định: “Dưới chế độ ta, báo chí là người cổ động tuyên truyền tập thể, là người tổ chức tập thể, là một công cụ của Đảng để lãnh đạo quần chúng, là vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén chống kẻ địch. […] công cụ của Đảng, tuyên truyền đắc lực cho đường lối chính sách của Đảng”, biến những người làm báo trở thành những cán bộ làm công tác báo chí.

Nói thế, để biết rằng, hiện trạng “dân hoang mang” và sự sút kém của luồng thông tin nhà nước hiện nay là một, nhưng đó không phải là do “tội phạm không gian ảo ngày càng táo tợn và nguy hiểm” hơn so với thời kỳ trước, mà là do không gian truyền thông được mở rộng hơn, người dân cần một nguồn tin nhanh – chính xác – kịp thời như chính chức năng, nhiệm vụ mà truyền thông được giao phó, chứ không phải là nguồn tin chậm chạp – bưng bít – định hướng.

Do đó, không có cái gọi là đe dọa an ninh mạng, xếp ngang hàng tấn công khủng bố, vũ khí hóa học, thảm họa hạt nhân, bởi nó chỉ cho thấy một tư duy khuôn phép, bó buộc, co rúm trước khả năng thực sự truyền thông đang ngày càng được bung ra – như đúng cái bản chất của nó. Cái đe dọa nhất đối với truyền thông nhà nước bây giờ, chính là mất khả năng truyền tải thông tin, khiến người dân hoài nghi, hoang mang, không phải luồng thông tin mà các “thế lực ABC” nào đó, mà hoang mang, hoài nghi trước thông tin đưa quá chậm chạp, thiếu trung thực, sự thật từ nguồn tin “chính thức, chính thống” phía nhà nước.
Bài học thuộc lòng

Câu chuyện thông tin tình hình sức khoẻ của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương là một bài học lớn mà Bộ TT&TT buộc phải học thuộc lòng. Bởi Chandungquyenluc sẽ chẳng là gì nếu như Bộ không quá cứng đầu, lãnh đạo Bộ không quá ấu trĩ khi vẫn dùng tư duy điều khiển truyền thông xưa cũ áp đặt lên cho sự mạnh mẽ, sôi nổi của cuộc chiến tìm kiếm thông tin hiện nay mà không nhận thức được rằng – điều đó là không thể.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lý, khi ông cho rằng, cần phải công khai thông tin chính phủ lên mạng xã hội… Bởi ông nhận thấy được sức mạnh của truyền thông và tác dụng của nguồn thông tin nhanh nhạy, minh bạch nó lớn như thế nào trong thời gian qua. Bởi (một lần nữa), dự báo sẽ chẳng là gì nếu phương thức tiếp cận truyền thông không thay đổi, bắt kịp với luồng thông tin internet, cách thức không thay đổi, thì mọi cách tim kiếm, chia sẻ thông tin bình thường nhất cũng trở thành “chuyên nghiệp, táo tợn và nguy hiểm” trong mắt những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung và Bộ TT&TT nói riêng. 

Truyền thông – báo chí thực sự khi và chỉ khi nó ý hướng dân chủ, minh bạch – đó mới là lời giải.


Vì vậy, xây dựng bộ luật về An toàn thông tin, phải được hiểu như “quản lý” theo hướng công khai thông tin cho người dân cần biết thay vì tăng cường cấm đoán, kiểm duyệt… Chính bởi, quản lý chặt thông tin mạng khác hẳn với định hướng và kiểm duyệt. Nó lý giải vì sao có sự khác biệt trong “chính sách của các Công ty công nghệ của Mỹ và luật pháp Việt Nam.” Môi trường thông tin càng minh bạch và tự do bao nhiêu thì sẽ càng tạo nên sự chủ động “ngăn chặn thông tin xấu, độc hại”, như cách mà Thứ trưởng Trương Minh Tuấn kỳ vọng.

Đã qua rồi cái thời kỳ “truyền thông cách mạng” theo kiểu đóng cửa bảo nhau, người dân ngày càng muốn có nguồn thông tin đa chiều, nhanh chóng, trung thực hơn, nếu không đáp ứng được điều đó, hẳn Bộ TT&TT tự triệt tiêu vai trò, vị trí mình trong xã hội, đẩy những người dân hướng về phía “thế lực thù địch” ngày một sát hơn, nhiều hơn như một quy luật tất yếu của xã hội. Như cách mà nhiều người dân ngày một tin, VTV – đơn vị truyền thông lớn nhất, bao trùm nhất cả nước chỉ nói đúng một sự thật: Bây giờ là 19h00.

Tin bài liên quan:

VNTB- Con ruồi 500 triệu và công bình pháp luật

Phan Thanh Hung

VNTB- Việt Nam: Đã đến lúc nhìn về quân đội phi đảng phái

Phan Thanh Hung

Phóng sự VNTB: Đêm 6/1: Hàng trăm con người chờ… 1 người

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo