Xuất hiện bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp trên Biển Đông, theo Forces.
Hình ảnh vệ tinh từ ngày 15/7 cho thấy ít nhất bốn máy bay chiến đấu đã xuất hiện ở đây. Động thái này diễn ra hai ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố rằng các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là ‘hoàn toàn bất hợp pháp’.
Động thái này cũng nhằm đáp trả cuộc tập trận hải quân do Hoa Kỳ khởi xướng trên Biển Đông và căng thẳng gia tăng trên toàn khu vực nói chung, theo Forbes.
Các máy bay được cho là loại J-11B do Trung Quốc sản xuất, biến thể của máy bay chiến đấu Flanker nổi tiếng của Nga – ban đầu được biết đến với tên gọi Sukhoi Su-27 Flanker.
Dòng máy bay này tương đương với F-15 Eagle được sử dụng bởi Không quân Hoa Kỳ.
Những chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang ở trên đường băng tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù thực tế bị Trung Quốc chiếm đóng, nhưng đảo này cũng được Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền, và là một trong nhiều hòn đảo đang bị tranh chấp trong khu vực này.
Trung Quốc đã tăng cường xây dựng trên Biển Đông trong những năm gần đây và đã triển khai máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới khu vực này trước đó.
Trong một diễn biến khác, máy bay do thám E-8C của Mỹ đã xuất hiện gần bờ biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 17/7, theo thông tin trên Twitter từ Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), một nhóm nghiên cứu ở Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).
Bồi đắp tại khu vực đảo Phú Lâm
Trước đó, hình ảnh vệ tinh thương mại từ ngày 17/4 đến ngày 25/6 cho thấy Trung Quốc đưa máy móc hạng nặng tới bờ biển phía tây bắc đảo Phú Lâm để nạo vét, bồi đắp, theo Benarnews.
Chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc đã được thực hiện rộng khắp từ năm 2014 đến năm 2016 ở Biển Đông, phá hủy môi trường tự nhiên và quân sự hóa các bãi đá và rạn san hô nơi nước này chiếm đóng.
Bốn căn cứ lớn nhất mà Trung Quốc duy trì ở Biển Đông – Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, và Đảo Phú Lâm – hầu như không thể nhận ra kể từ khi việc bồi đắp kết thúc vào năm 2017, tạo ra các bến cảng nước sâu, đường băng, và nơi sinh hoạt. Nhưng việc nạo vét quy mô nhỏ vẫn tiếp tục, như hình ảnh vệ tinh mới nhất này cho thấy.
Việc nạo vét mới trên đảo Phú Lâm được Trung Quốc thực hiện vào thời điểm nhạy cảm, theo Benarnews.
Hồi tháng Năm, Indonesia đã cùng với Việt Nam, Philippines và Malaysia tố cáo Trung Quốc về việc khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông trong một loạt các công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc.
Indonesia viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực, bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp, khẳng định không một ‘hòn đảo’ nào của Trung Quốc có thể tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và chúng chỉ là các bãi đá.
Gần đây, Trung Quốc đã cố gắng đe dọa Việt Nam về việc hợp tác khai thác dầu trên Biển Đông với một đối tác quốc tế bằng cách đưa một tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 17/6.