Lê Mạnh Hùng
Vụ nhà chức trách Đức cho là an ninh Việt Nam ‘bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh’ từ Berlin mùa hè 2017 đang trở lại với dư luận, theo một tờ báo Đức. Từ hơn hai tuần qua, vụ việc CHLB Đức cho là Bộ Công an Việt Nam tổ chức “bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh” vào tháng 7/2017 từ Berlin, đem về Việt Nam qua ngả CH Czech, Slovakia và Nga được hâm nóng trở lại.
Mới nhất, đại diện hãng tin Đức DPA hôm 25/02/2021 tại Hà Nội đã hỏi người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam về chuyện này nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể.
Tại Đức, theo tờ Taz.de (24/02/2021) thì vụ việc có tình tiết mới mà nay Đức biết được, như mô tả trong bài viết có tựa đề “Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Những kẻ bắt cóc được vinh danh” (Entführungsfall Trinh Xuan Thanh: Kidnapper von Hanoi geehrt).
Nhưng từ trước đó, theo báo Dennikn.sk ngày 10/02/2021, Công tố quốc gia Slovakia, qua lời phát ngôn viên Soňa Juríčková đã cho biết họ mở lại cuộc điều tra về vụ “bắt cóc người Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh, dùng phương tiện nhà nước”.
Đây là phần nói về nghi vấn Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak của chính phủ tiền nhiệm tại Slovakia cho quan chức cao cấp của Bộ Công an Việt Nam “thuê chuyên cơ” bay từ Bratislava về Moscow, mà các báo Đức nói là để “chở thêm người bị bắt cóc”, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam đã xin tỵ nạn ở Đức.
Còn theo tờ Taz.de, ông Nguyễn Đức Thoa, sĩ quan liên lạc của Tổng Cục tình báo Bộ Công an trong vai trò nhà ngoại giao tại Berlin, được trao tặng Huân chương chiến công hạng nhất chính là người đã bị phía Đức trục xuất vào mùa hè 2017, chỉ ít ngày sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh diễn ra.
Tờ báo Đức có dòng nhận xét: “Các nhân viên tình báo Việt Nam đôi khi cũng muốn đề cao cái tôi của họ“, về việc một người khoe ảnh về chuyên án VT17 trên mạng xã hội. Còn việc các quan chức cao cấp ngành an ninh Việt Nam để lại số liệu cá nhân trong chuyên án VT17 cũng xảy ra khá đơn giản.
Trong một buổi xét xử của Tòa án cấp cao ở Berlin năm 2018 mà tôi có dự về một đồng phạm tham gia hỗ trợ vụ bắt cóc, nhân viên điều tra Đức đã trình bày sai sót về nghiệp vụ tình báo của Trung tướng Đường Minh Hưng, người sang Berlin “chỉ đạo vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”. Theo lời của nhân viên đó, ông Hưng đã sử dụng thẻ tín dụng cá nhân để đăng ký phòng khách sạn tại Berlin.
“Điệp vụ hoàn thành, về tới Việt Nam phát hiện khách sạn trừ nhầm tiền, ông Hưng đã gửi email đòi lại. Do trở ngại về ngôn ngữ, ông Hưng đã cho khách sạn số điện thoại một cấp dưới của ông vẫn còn ở Berlin để liên lạc giải quyết. Số điện thoại đó là của ông Lê Thanh Hải”.
Chính sơ hở đó đã giúp cho an ninh Đức nhanh chóng lần ra các đầu mối của nhóm đi bắt cóc, dẫn tới các cán bộ Đại Sứ quán VN tại Berlin, một số nhân vật trong cộng đồng Việt ở CH Czech. Ngoài ra, việc Thượng tá sĩ quan an ninh Lê Thanh Hải (đã nghỉ hưu) khoe chiến công trên Facebook đã giúp nhà chức trách các nước châu Âu biết luôn cả 12 đồng đội của ông được chủ tịch nước Việt Nam tặng huân chương vì “tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin”.
Báo Taz.de viết ông Lê Thanh Hải đã được Tòa án Đức năm 2018 mời ra làm nhân chứng nhưng ông từ chối, lấy lý do có quy chế miễn trừ ngoại giao. Phiên tòa cũng nêu tên ông Nguyễn Đức Thoa.
Bức ảnh trong buổi lễ ghi rõ “Kế hoạch VT17“ đã cụ thể hóa thêm nhiều điều cho các nhà điều tra Đức và Slovakia. Trong cộng đồng Việt Nam tại Đức hiện có câu hỏi phải chăng vì cái tôi quá lớn đã khiến hai sĩ quan an ninh Việt Nam Đường Minh Hưng và Lê Thanh Hải để lộ đội hình tham gia vụ bắt cóc trên đất Đức, gây thiệt hại cho uy tín của ngành công an Việt Nam?
Tòa án cấp cao Berlin năm 2018 từng xác định rõ, đứng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là cơ quan cấp Bộ của Việt Nam, tức là Bộ công an.
Một câu hỏi được đặt ra là, phải chăng cũng chỉ vì chạy theo thành tích cá nhân mà Bộ công an đã không tính đến những thiệt hại nặng nề trên bình diện quốc tế đối với cả đất nước Việt Nam, khi tổ chức thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức?
“Quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam“, và ưu tiên miễn thị thực nhập cảnh cho các nhà ngọai giao Việt Nam bị tạm ngưng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và chưa thấy có lời tuyên bố nào về việc phục hồi.
Hàng trăm dự án Đức giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam cũng bị treo bấy lâu nay đâu đã thấy nói tới việc kích hoạt trở lại, theo một nguồn thạo tin tại Đức cho chúng tôi biết.
Cùng lúc là việc Đức và EU mất niềm tin vào lời hứa cải cách theo hướng pháp quyền của chính phủ Việt Nam, và quan hệ hai bên chưa cải thiện 3 năm kể từ ngày xảy ra vụ bắt cóc ở Berlin, nay lại được hâm nóng trở lại. Slovakia thay đổi chính phủ vào năm 2020, bổ nhiệm Trưởng Công tố mới, ông Maros Zilinka.
Cuộc điều tra mới này được ông chỉ đạo mở lại, theo đài báo Slovakia.
Việt Nam chính thức nói gì?
Trả lời câu hỏi của phóng viên DPA tại Hà Nội hôm 25/02/2021 về tin từ truyền thông châu Âu nói có vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong chuyên án V1T7” năm 2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thu Hằng trả lời:
“Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị đưa ra xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án.”
Đây cũng là câu trả lời chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam tháng 8/2018, theo báo Người Lao Động.
Tuy thế, bản tin của báo Thanh Niên và Dân Trí về nội dung câu hỏi và trả lời hôm 25/02 đã không còn truy cập được trên hai trang này vào ngày 26/02.
Cũng trong ngày 25/02, các báo Việt Nam cho hay từ ngày 8/03 tới, hai tù nhân đang thi hành án, ông Trịnh Xuân Thanh, và cựu Ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng sẽ phải ra trước một phiên tòa nữa.
Đó là phiên xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Dự án Ethanol Phú Thọ, dự kiến kéo dài 10 ngày.