Gần đây, hàng chục giáo viên mầm non mới về hưu ở tỉnh Thanh Hóa liên tục gửi đơn và gõ cửa cơ quan chức năng đề nghị xem xét chế độ lương hưu được cho là bất hợp lý khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi, đời sống rơi vào cảnh khó khăn.
Cô Phạm Thị Sang (57 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non xã Trường Sơn, huyện Nông Cống) phản ánh, cô vào ngành giáo dục từ tháng 9/1973, đến tháng 11/2013 thì nghỉ hưu. 40 năm công tác, gắn bó với bậc học mầm non và từng làm hiệu trưởng, bí thư chi bộ nhà trường nhiều năm liền, nhưng khi về nghỉ chế độ, cô Sang chỉ nhận được mức lương chưa đến 440.000 đồng mỗi tháng.
Cô Sang cho hay, quãng thời gian 1973-1995, bậc học mầm non ở vùng nông thôn gặp muôn vàn khó khăn. Giáo viên và cán bộ quản lý chỉ được hưởng công điểm của hợp tác xã nông nghiệp bằng thóc gạo hay ngô, khoai…, song các cô vẫn vượt qua, gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” như một niềm đam mê.
Cô Sang cho hay, ngày nhận lương hưu, vì quá tủi thân nên cô cứ ngồi khóc mãi. Ảnh: Lê Hoàng. |
Tháng 11/2013, cô giáo Sang đủ 55 tuổi và nghỉ hưu theo quy định nhưng còn thiếu 14 tháng đóng bảo hiểm xã hội mới đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Vì vậy, cô Sang phải tự đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện số tháng còn lại. Tháng 1/2015, cô có quyết định nhận lương hưu của bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, với mức 437.236 đồng/tháng.
“Cuộc sống nghề giáo trước đây vốn rất vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng vì yêu trẻ, chúng tôi vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường. Vậy mà khi về hưu, chúng tôi chỉ được nhận lương hàng tháng với giá trị không mua nổi nửa tạ gạo xấu thì lấy gì mà trang trải cuộc sống”, cô Sang trải lòng.
Bà giáo về hưu cho hay, hồi đầu năm đi lĩnh lương hưu 3 tháng (tháng 1-3/2015) được vẻn vẹn hơn 1,3 triệu đồng, về nhà tủi thân quá nên ngồi khóc mãi.
Cô Nguyễn Thị Thủy (56 tuổi), nguyên hiệu trưởng Trường mầm non xã Định Tăng (huyện Yên Định) cũng có chung hoàn cảnh. Đầu tháng 7/2014, cô Thủy về nghỉ hưu nhưng mới đóng bảo hiểm xã hội được 19 năm 6 tháng, nên phải bỏ tiền túi đóng thêm 6 tháng cho đủ 20 năm theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, thấy cách tính lương hưu của bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non hiện rất thấp và bất hợp lý nên cô Thủy không nhận lương mà tiếp tục làm đơn khiếu nại.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa, hiện tỉnh này có hơn 100 giáo viên mầm non mới được nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội nhưng chỉ nhận mức lương từ 320.000 đến dưới 700.000 đồng/tháng. Trong đó, tại huyện Yên Định có 30 người, huyện Tĩnh Gia 30, Hoằng Hóa 52, Hậu Lộc 30 người… Số này đang làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị can thiệp.
Bà Nguyễn Thị Diệp, Trưởng phòng Chế độ, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, lý giải, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thông tư hướng dẫn hiện hành, những người có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, khi về hưu, nếu mức lương hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu (1.150.000 đồng/tháng).
Tuy nhiên, các trường hợp giáo viên mầm non như cô Sang, cô Thủy tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 20 năm nên nằm trong nhóm hưởng chế độ hưu trí tự nguyện. Chính vì thế khi giải quyết chế độ thì họ không được bù đủ bằng lương cơ sở.
Bà Diệp cho hay, trước thực trạng trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận đơn thư phản ánh và có công văn gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam xin ý kiến đồng thời đề xuất hướng xử lý phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.