Việt Nam Thời Báo

Biên giới Việt – Miên luôn là vấn đề nóng ở Campuchia

Vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia luôn là vấn đề tranh cãi giữa đảng Nhân dân cầm quyền của ông Hun Sen và các đảng phái chính trị đối lập. Sau một thời gian yên lắng thì vấn đề biên giới lại tiếp tục đốt nóng nghị trường xứ Chùa Tháp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Samdech Hunsen tại lễ khánh thành cột mốc 314 ngày 24/06/2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Samdech Hunsen tại lễ khánh thành cột mốc 314 ngày 24/06/2012


Từ cuối tháng 4 năm 2015, vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi trên chính trường Campuchia. Hạ nghị sĩ thuộc đảng Cứu Quốc, đảng đối lập duy nhất có ghế trong Hạ viện cáo buộc chính quyền ông Hun Sen thiếu trách nhiệm dẫn đến việc Việt Nam lấn đường biên giới sang đất Campuchia.

Đỉnh điểm của vấn đề là việc ông Hor Namhong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia có công văn giải trình với Quốc hội về việc lực lượng chức năng của Việt Nam phun thuốc trừ cỏ phá hủy hơn 10 héc-ta rau màu của người Campuchia tại khu vực biên giới huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum giáp với huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh hồi ngày 19 tháng 4 năm 2015 rằng 10 héc-ta đất trên thuộc lãnh thổ của Việt Nam và người dân Campuchia canh tác trái phép trên đất của Việt Nam.
Phát biểu của người đứng đầu cơ quan ngoại giao này khiến xã hội Campuchia bức xúc vì cho rằng chính quyền ông Hun Sen thiếu trách nhiệm và bảo vệ lợi ích của nước ngoài. Các tổ chức xã hội và thậm chí là các nghị sĩ thuộc đảng đối lập đe dọa sẽ có những biện pháp buộc chính phủ cách chức ông ngoại trưởng lâu năm này.
Lợi dụng vấn đề biên giới cho động cơ chính trị?
Trao đổi với phóng viên đài Á Châu Tự Do, ông Phay Siphan, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia cho biết việc phân giới và cắm mốc được chính phủ hai nước thực hiện trên cơ sở pháp lý và trên cơ sở lợi ích quốc gia. Ông này còn cáo buộc những gì mà dân biểu đảng Cứu quốc đang thực hiện nhằm tạo uy tín để tranh thủ phiếu bầu cho đảng mình vào đợt bầu cử Hạ viện năm 2018 tới.
Đây chỉ là chuyện chính trị. Ta đã có các Hiệp ước, Hiệp định còn những người phát biểu kia lại không có chứng cứ gì cụ thể cả. Chúng ta đã đàm phán và đã ký đàm phán và quan điểm của Chính phủ Campuchia là không thay đổi.
Ông Phay Siphan
Ông Phay Siphan: “Đây chỉ là chuyện chính trị. Ta đã có các Hiệp ước, Hiệp định còn những người phát biểu kia lại không có chứng cứ gì cụ thể cả. Chúng ta đã đàm phán và đã ký đàm phán và quan điểm của Chính phủ Campuchia là không thay đổi. Như vậy, vấn đề xác định biên giới hoàn toàn không có việc cấu kết với Việt Nam hay chịu sức ép của Việt Nam hay bất cứ tình cảm nào cả. Tất cả là dựa trên các nguyên tắc pháp lý và kỹ thuật”.
Ông Yem Punnharith, người phát ngôn và là nghị sĩ thuộc đảng Cứu Quốc cho biết họ luôn tôn trọng nguyên tắc hợp tác hữu nghị với các quốc gia láng giềng nhưng đứng trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích dân tộc. Trước những cáo buộc của đảng cầm quyền, ông này cho biết nghị sĩ thuộc đảng của mình thực hiện đúng nhiệm vụ theo pháp lý và yêu cầu chính quyền ông Hun Sen minh bạch hóa công tác phân giới cắm mốc.
Lãnh tụ Sam Rainsy đứng tại cột mốc biên giới tạm số 185 tại xóm Kbal Kandal, xã Samrong, huyện Chanhtrea, tỉnh Svay Riêng chuẩn bị cho nhổ cột mốc hồi tháng 5, 2009
Lãnh tụ Sam Rainsy đứng tại cột mốc biên giới tạm số 185 tại xóm Kbal Kandal, xã Samrong, huyện Chanhtrea, tỉnh Svay Riêng chuẩn bị cho nhổ cột mốc hồi tháng 5, 2009
Ông Yem Punnarith: “Vấn đề biên giới không phải là vấn đề lợi dụng để đạt các mưu đồ chính trị, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật và phải rõ ràng. Khi rõ ràng thì không còn ai nghi ngờ nữa. Như vậy thì chính quyền hãy công khai, minh bạch các tài liệu, bản đồ, báo cáo, kết quả đo đạt, … khi đó thì người dân sẽ không còn nghi ngờ”.
Đường biên giới Việt – Miên sẽ thay đổi
Theo thông tin của Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam thì cho đến nay văn kiện pháp lý liên quan đến vấn đề phân giới cấm mốc Campuchia – Việt Nam gồm 3 hiệp ước và 2 hiệp định được ký giữa năm 1979 đến năm 1985 và một hiệp ước bổ sung ký vào năm 2005.
Ngày 7 tháng Giêng năm 1979, Quân đội Việt Nam tiến vào Thủ đô Phnom Penh lật đổ chế độ Campuchia Dân chủ của Pol Pot và dựng lên chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Chính quyền này chấm dứt sau khi Hiệp định Paris được ký vào ngày 23 tháng 10 năm 1991 với sự tham gia của 18 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đại diện là ông Nguyễn Mạnh Cầm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Vấn đề biên giới không phải là vấn đề lợi dụng để đạt các mưu đồ chính trị, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật và phải rõ ràng. Khi rõ ràng thì không còn ai nghi ngờ nữa. Như vậy thì chính quyền hãy công khai, minh bạch các tài liệu, bản đồ, báo cáo, kết quả đo đạt, … khi đó thì người dân sẽ không còn nghi ngờ
Ông Yem Punnarith
Theo Tiến sĩ Ros Ravuth, Giảng viên khoa Khoa học Chính trị trường Đại học rằng các văn kiện pháp lý được ký kết giữa Việt Nam và Campuchia trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến năm 1985 hoàn toàn không có giá trị bởi trong khoản thời gian đó, chính quyền Phnom Penh được dựng lên và không được quốc tế thừa nhận.
Tiến sĩ Ros Ravuth: “Hiệp định Paris đã xóa bỏ tất cả các hiệp ước về vấn đề biên giới giữa hai nước được ký ở những năm 1980. Nếu ta lấy Liên Hiệp Quốc làm cơ quan cao nhất, vậy thì các hiệp định, hiệp ước hay bản đồ này có được nộp cho Liên Hiệp Quốc hay không? Hơn nữa, trong thời gian đàm phán này ở Đông Nam Á, không một quốc gia nào công nhận chính quyền Campuchia cả. Người ta xác định chính quyền này là chính quyền chưa có thực quyền”.
Ngoài ra, trong điều 55 của Hiến Pháp Campuchia quy định mọi Hiệp ước hay Hiệp định nào không phù hợp với Độc lập, Tự chủ, Toàn vẹn lãnh thổ, Trung lập và Thống nhấn dân tộc của Vương quốc Campuchia đều bị xóa bỏ.
Như vậy, trong tương lai nếu một Chính phủ hợp Hiến nào của Campuchia nhận thấy tất cả các văn kiện pháp lý liên quan đến vấn đề biên giới Việt Nam và Campuchia không có lợi ích cho Campuchia thì đường biên giới hiện tại giữa Việt Nam và Campuchia có thể bị thay đổi và thậm chí vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Phú Quốc cũng có khả năng bị xem xét lại do nó được quy định trong Hiệp định về Vùng nước lịch sử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia ký hồi ngày 7 tháng 7 năm 1982.
Hơn nữa, đảng đối lập lớn nhất của Campuchia cũng nhiều lần khẳng định những văn kiện pháp lý liên quan đến vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia ảnh hưởng đến lợi ích của Campuchia sẽ có khả năng bị xóa bỏ.  Người phát ngôn của đảng Cứu Quốc, ông Yem Punnharith tuyên bố: “Trong tương lai, nếu đảng Cứu Quốc lãnh đạo chính phủ, chúng tôi sẽ kiểm tra lại các Hiêp định, Hiệp ước đó sao cho được minh bạch nhất. Việt Nam cũng là một quốc gia tham dự Hiệp định Paris năm 1991 nên chúng ta sẽ lật lại vấn đề và cùng nhau thảo luật giải quyết vấn đề với quan điểm đúng đắn nhất”.
Vấn đề biên giới với Việt Nam luôn là vấn đề nóng trên chính trường Campuchia. Các đảng phái đối lập luôn cáo buộc chính quyền ông Hun Sen tạo điều kiện cho Việt Nam chiếm đất. Hồi tháng 8 năm 2012, Thủ tướng Hun Sen có buổi điều trần trước Quốc hội về vấn đề phân giới cắm mốc biên giới trên bộ và xác định biên giới biển  Campuchia – Việt Nam.  Trong bài phát biểu dài gần 5 giờ đồng hồ này, ông bác bỏ mọi cáo buộc của các đảng phái đối lập. Tuy nhiên, buổi điều trần được truyền hình và truyền thanh trực tiếp toàn quốc toàn quốc này đã làm cho đảng Nhân dân cầm quyền mất đi 22 ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 7 năm 2013.
Sơn Trung (RFA)

Tin bài liên quan:

Mỹ tố cáo Trung Quốc bồi đắp thêm 800 ha đảo tại Trường Sa

Phan Thanh Hung

Bàn cờ Biển Đông

Phan Thanh Hung

Đảng bắt đầu Hội nghị Trung ương 10

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo