Sự kiện ngày mai (17.6), QH sẽ có phiên họp riêng để tiến hành bãi miễn bà Châu Thị Thu Nga – ĐBQH TP.Hà Nội – đã “hun nóng” hành lang nghị trường. Rằng thật khó chấp nhận việc một người ấn nút thông qua các dự án luật mà lại vi phạm pháp luật.
Rồi thì những cảm thông chia sẻ, đại ý rất muốn nghe “chị Nga” phát biểu trước khi nhấn nút, để có thể cảm nhận rõ hơn sự việc. Có những câu hỏi đặt vào các vị “nghị sĩ doanh nhân” khi đây là trường hợp “nghị sĩ doanh nhân” thứ 2 bị bãi miễn, trong chỉ một khóa QH! Và một vị ĐBQH thậm chí đã đặt vấn đề “Chất lượng của các ĐBQH tự ứng cử cũng là điều phải suy nghĩ”.
Cho dù đó là “chuyện con sâu” thì việc một ĐBQH bị bắt về tội lừa đảo khi huy động tới cả nghìn tỉ trong khi doanh nghiệp của mình mất khả năng thanh toán trong một dự án BĐS làm ăn dựa trên cả uy tín cá nhân, rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của QH.
Nhớ hồi đầu năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định bà Châu Thị Thu Nga đã lạm dụng quyền của ĐBQH, song thành phố đã chỉ đạo phải làm quyết liệt. “Nếu có dư luận nói Hà Nội dung túng, bao che thì hoàn toàn không đúng sự thật”. Ông cũng khẳng định “không có ai được miễn trừ khi vi phạm pháp luật cả”.
Đúng là sẽ vô cùng nguy hiểm khi một người vào QH, với quyền miễn trừ dành cho ĐBQH, để toan tính các lợi ích cá nhân. Bởi khi ấy, lợi ích cá nhân của họ đồng nghĩa với việc lợi ích của cử tri và nhân dân bị xâm hại.
Đúng là nguy hiểm nếu quyền miễn trừ trở thành cơn cớ để dung túng bao che.
Nhưng ngẫm kỹ, nếu chỉ từ một việc mang tính trách nhiệm cá nhân mà lại đẩy vấn đề xa đến mức “suy nghĩ về chất lượng các ĐBQH tự ứng cử” thì đó mới là điều nguy hiểm.
Ngay từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tới tiêu chí “hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử”.
Nhưng ĐBQH là ứng viên tự ứng cử tới giờ vẫn có vẻ như vẫn rất hiếm. QH khóa XI chỉ có 2 người trúng cử. QH khóa XII chỉ duy nhất 1 người trúng trong số tự ứng cử lên tới 238 người. Và đến QH khóa XIII này, chỉ 4 người trúng cử, trong đó có bà Châu Thị Thu Nga, trong chỉ 15 người tự ra ứng cử. Để tránh những rào cản tâm lý, những rào cản vô hình nhằm vào những người “muốn lo việc nước”, có lẽ chỉ nên nhìn sự việc đơn giản như đúng bản chất của nó – một cá nhân vi phạm và không có ai được miễn trừ khi vi phạm pháp luật.
Theo Đào Tuấn (Lao Động)