Việt Nam Thời Báo

Bộ Tài chính: Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù đắp nguồn thu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng việc tăng thuế môi trường với xăng dầu mà Bộ này đang kiến nghị sẽ gây ra một số tác động tích cực.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã trả lời câu hỏi của Zing.vn liên quan đến dự thảo tăng thuế môi trường với xăng dầu lên 8.000 đồng/lít đang làm nóng dư luận. Bộ có tính đến những thiệt thòi cho nhóm thu nhập trung bình thấp, và liệu có làm giảm sức tiêu thụ hàng nội địa hay không?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết khung cơ chế chính sách thuế bảo vệ môi trường là do Quốc hội ban hành, còn mức cụ thể do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Hiện tại khung thuế được áp dụng với xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít.
Tạo điều kiện cơ cấu lại nguồn thu ngân sách
Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo báo cáo lên Chính phủ để tăng khung thuế này so với hiện tại. Dự thảo đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường mặt hàng này mức tối thiểu 3.000 đồng/lít, tối đa là 8.000 đồng/lít.
Thu chi quỹ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Theo Thứ trưởng Hà, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ gây ra một số tác động tích cực.
Thứ nhất, thuế bảo vệ môi trường là một khoản thu tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước quan trọng trong thời gian tới.
Thứ hai, thuế bảo vệ môi trường sẽ tạo điều kiên cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, đặc biệt là trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu sắp về mức 0%. Khi đó, Nhà nước sẽ mất đi một nguồn thu lớn. Thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp bù đắp khoản thiếu hụt này.
Thứ ba, hiện tại giá xăng dầu trong nước đang ở mức thấp nhất so với các nước có cùng đường biên. Như vậy, tăng thuế môi trường làm tăng giá xăng, gián tiếp hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, việc tăng thuế môi trường sẽ xem xét đến lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra cũng sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến lạm phát là như thế nào.
Trước đó Bộ Tài chính cho biết số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016. Cụ thể, tổng thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là gần 106.000 tỷ đồng.
Trong đó số thu thuế bảo vệ môi trường từ 2011 đến nay tăng vọt. Năm 2011 số thu chỉ là hơn 11.000 tỷ, thì đến 2016 đã tăng lên hơn 44.323 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 1,36% – 4,27% tổng
Bộ Tài chính cũng cho biết trong tổng số thuế bảo vệ môi trường hơn 40.000 tỷ thu được năm 2016, ngân sách đã chi khoảng 12.290 tỷ đồng, đạt 1% tổng chi ngân sách.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu sẽ bù đắp khoản thiếu hụt khi thuế nhập khẩu xăng duầ về 0%. Ảnh: Lê Hiếu
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể, mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định…
Chưa thể bỏ quỹ bình ổn xăng dầu
Trả lời câu hỏi về việc có nhiều ý kiến cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu không còn nhiều tác dụng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng mặt hàng xăng dầu có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Liên Bộ Tài chính – Công Thương đang điều hành giá xăng dầu theo Thông tư 83 một cách minh bạch. Việc điều chỉnh tiến hành 15 ngày một lần, theo thông tin tham khảo từ sàn giao dịch Singapore.
Quỹ bình ổn sẽ tránh cho những lần tăng giá xăng gây sốc trên thị trường thế giới. Ông Hải lấy ví dụ việc điều chỉnh giá đã phát huy tác dụng vào trước dịp Tết Nguyên Đán.
“Dịp đó quỹ bình ổn đã giữ giá xăng không tăng nhanh, không làm ảnh hưởng thị trường trước dịp Tết”, ông Hải nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đang xem xét quỹ bình ổn giá xăng dầu và nhận thấy quỹ vẫn phù hợp. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết nguồn cung xăng dầu đã có nhiều cải thiện so với trước đây. Hiện cả nước có tới 28 doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mặt hàng này.
Trước đó, một số chuyên gia kinh tế cho biết quỹ bình ổn xăng dầu không còn phát huy tác dụng. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương, cho biết quỹ bình ổn xăng dầu phản ánh việc Nhà nước đang can thiệp quá nhiều vào kinh tế thị trường.
TS. Nguyễn Minh Phong – nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, cũng cho biết sự tồn tại của quỹ bình ổn giá xăng dầu không mang lại bất kỳ tác dụng nào cho thị trường.
Theo Zing

Tin bài liên quan:

Hà Nội: Nhóm Cây Xanh cáo buộc bị chính quyền ‘cô lập’

Phan Thanh Hung

VNTB- Kiểm tra tài sản 1000 quan chức: TBT Trọng ‘đụng tường’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao sinh viên Việt Nam ngày nay lười học?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo