Bộ trưởng Nguyễn Quân hãy trả lời: Thế nào là khoa học?

Thiên Điểu
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Hôm 19/11/2014, trong phiên chất vấn của ĐBQH dành cho Bộ trưởng Bộ khoa học công nghệ Nguyễn Quân, liên quan vấn đề các nông dân chế tạo máy bay, tàu ngầm và việc hai cha con ông Hải thành Đại tướng quân của Vương quốc Campuchia, một lần nữa ông Bộ trưởng Nguyễn Quân lại tiếp tục cố tình bao biện. Phủ nhận trách nhiệm cũng như ý nghĩa đích thực của trí tuệ, khoa học.

Thủ tướng Hun Sen trao tặng Huân chương Đại tướng quân cho ông Trần Quốc Hải.
Bộ trưởng Bộ khoa học không hiểu nổi thế nào là sáng chế?


Trong bài viết “Nông dân làm khoa học, nhà khoa học làm gì?” đăng trên motthegioi.vn, Bộ trưởng Bộ khoa học Nguyễn Quân đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan ý kiến về hiện tượng các sáng chế của người dân thuần túy. Xin trích dẫn lại một đoạn như sau:

“- Thưa Bộ trưởng, ông có đánh giá thế nào về các sáng kiến của người dân-hay còn gọi là những “nhà khoa học chân đất” của Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong số hoạt động khoa học công nghệcủa bà con nông dân, có nhiều sáng kiến để phục vụ sản xuất. Trong số những sáng kiến ấy, có những cái được nâng lên thành sáng chế, nếu nó mới và chưa từng được phát hiện, hay được áp dụng ở đâu.”

Thật kỳ lạ! Là một Bộ trưởng, là nhà khoa học, ông không hiểu nổi những phát hiện khoa học “chưa từng được phát hiện, áp dụng ở đâu”  thì gọi là phát minh chứ không còn là sáng chế?

Để dẫn giải, cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này, ông nói về các hoạt động của những nông dân như sau:

“về mặt nguyên lý mà nói thì những sản phẩm này đã được người ta sáng chế, phát minh từ nhiều thập kỷ. Có điều, những sản phẩm trên được nổi tiếng chỉ là do người dân Việt Nam lần đầu tiên làm mà thôi.

Mặc dù đánh giá rất cao tinh thần khoa học của người dân, nhưng nếu chúng ta gọi đây là những sáng chế có tầm quan trọng rất đặc biệt với khoa học thì không phải.

Những sản phẩm này chỉ chứng tỏ tại một xưởng thủ công với một vài cá nhân quan tâm tới khoa học, ở trong điều kiện còn rất khó khăn cũng có thể làm ra được những sản phẩm ở trình độ nhất định.

Tôi cho rằng, ngay cả khi những sản phẩm này có được thử nghiệm thành công thì khả năng để thương mại hóa hay để rất nhiều người trong xã hội sử dụng, thậm chí xuất khẩu ra các nước là một bài toán lâu dài, phụ thuộc vào cơ chế thị trường, nhất là khi Chính phủ chưa có chủ trương chế tạo tàu ngầm, máy bay”.
Ông vừa bao biện, vừa đá quả bóng qua Chính phủ nhưng lại lòi ra cái gốc rễ trong suy nghĩ của ông – và cũng là của chính sách – “phải có tiền” thì mới được coi là khoa học (!)  Lúc đó ông lờ đi chuyện tàu ngầm của ông Phan Bội Trân được Malaysia đặt mua, chưa biết chỉ vài tháng sau thì cha con ông nông dân Phan Văn Hải được phong Đại tướng quân khi chế tạo thành công xe bọc thép bằng chính những cái mà ông phủ nhận “không phải là sáng chế”!

Một logic tư duy tất yếu để ông kết luận: “Vì thế chúng ta rất dễ thấy cả thế giới đều dùng Boeing và Airbus thay vì mỗi quốc gia đều chế tạo thương hiệu máy bay cho chính mình. Và trên thế giới cũng chỉ có một số quốc gia chế tạo, xuất khẩu tàu ngầm…”
(Trích motthegioi.vn ngày 19/08/2014).

Để phủ nhận thành công của những người không mang danh khoa học, không thuộc lực lượng có bằng cấp do ông quản lý, ông Bộ trưởng Bộ khoa học đã lý giải một cách hết sức phi lý.

Theo định nghĩa về khái niệm sáng chế: Sáng chế (invention) là một giải pháp kỹ thuật mang tính mới về nguyên lý kỹ thuật, tính sáng tạo và áp dụng được.
Để phân biệt, xác định một công trình kỹ thuật có là một sáng chế hay không, người ta dựa vào hai đặc điểm cơ bản: “Bản chất tạo ra phương tiện mới sản phẩm mới về nguyên lý kỹ thuật, chưa từng tồn tại hoặc đã tồn tại trong một nhóm nhỏ song không phổ biến và là bí mật đối với cộng đồng, tức sáng chế vẫn có thể là mô tả chi tiết kỹ thuật tạo ra một sản phẩm kỹ thuật hoặc quy trình kỹ thuật bí mật”“Có khả năng áp dụng trực tiếp hoặc qua thử nghiệm để ứng dụng vào sản xuất và đời sống”.

Vậy các sản phẩm mà các nông dân Việt Nam làm ra như tàu ngầm, máy bay, lò đốt rác.v.v. có phải là sáng chế hay không?

Câu trả lời có lẽ nên để Bộ trưởng tự tìm hiểu lại và kết luận.

Tiến sĩ thua nông dân, nhưng… vẫn là Tiến sĩ (!)

Câu chuyện chủ trương đào tạo 20.000 tiến sĩ không biết chính xác hiện nay Việt Nam đã hoàn thành là bao nhiêu phần trăm. Không nói những quan chức chẳng biết học ngày nào với cái lý lịch thời gian chồng chéo lên nhau bởi thời gian công tác trên lý lịch. Chỉ biết hiện nay, nếu rảnh rang sà vào một quán nhậu hay nhà hàng loại thường hơi đông người chút cũng có thể chắc chắn là trong đó thế nào cũng có một vài tiến sĩ ở đó! Những tiến sĩ mà người ta phải thốt lên “không làm nổi cái ốc vít” (!)


Tại phiên chất vấn hôm nay, ông Nguyễn Quân lại tiếp tục cái cách dẫn dắt câu chữ để bao biện và né tránh như cũ. Điều đáng chú ý duy nhất có lẽ là tiết lộ về dự án chế tạo tàu ngầm Hòa Bình của Vinashin – một dự án mà những ai biết tới đều nghi ngờ là chiêu trò “phỗng tay trên” sau các cuộc “tham quan” tàu ngầm Trường Sa của ông Hòa ở Thái Bình – và cũng ông tiết lộ là “Bộ KH-CN đánh giá rất cao và hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng cho dự án có tổng giá trị 28 tỷ đồng. Nếu thuê tàu nước ngoài về kiểm tra giàn khoan trong ba năm thì còn đắt hơn cả mua con tàu này của VN. Chúng tôi đánh giá đây là một hướng đi rất triển vọng”.

Hóa ra một  sản phẩm đã thử nghiệm, được chứng minh có thể có nhiều tính năng như tàu ngầm của ông Hòa, ông Trân, máy bay của ông Hải… không được công nhận là sáng chế. Nhưng một cái thùng lặn mang tên “tàu ngầm của Vinashin” lại được lấy làm ví dụ cho trách nhiệm và giá trị khoa học  của những nhà “khoa học có bằng” như ông?

Với tư duy và cách quản lý, dẫn dắt bởi một bộ trưởng như ông, đến bao giờ Việt Nam mới có thể có những người làm khoa học đúng nghĩa, cống hiến và góp sức cho công cuộc phát triển xã hội?

Nguồn tham khảo:

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)