“Có nên chỉ rõ ở đâu vi phạm và biện pháp xử lý như thế nào hay chỉ báo cáo cho có rồi “xuê xoa” với nhau và để tình trạng này năm nào tình trạng chi sai, chi vượt NSNN cũng tái diễn”, đại biểu Lịch đặt vấn đề.
Kỷ cương tài chính ở đâu?
Mở đầu bài phát biểu của mình, đại biểu Lịch tỏ thái độ chưa thực sự hài lòng với bội chi NSNN năm 2013. “Tôi vẫn đồng tình thông qua quyết toán NSNN năm 2013. Nhưng thật sự không ủng hộ thì không biết làm thế nào, vì thu cũng đã thu rồi và chi cũng đã chi rồi”, đại biểu Lịch nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Du Lịch đánh giá, để xảy ra tình trạng thu, chi vượt ngân sách là do kỷ cương tài chính chưa được thực hiện nghiêm túc.
“Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách có đề cập đến địa phương này, địa phương kia thực hiện không nghiêm nhưng chưa thấy đề nghị xử lý hay khiển trách. Qua thực tế, đại biểu nhận thấy kỷ cương ngân sách vấn còn nhiều vấn đề, nếu so với kế hoạch được Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm 2013”, ông Lịch băn khoăn.
Với con số đề nghị quyết toán là thu ở mức 816.000 tỷ đồng và quyết toán thực thu là 1.084.064 tỷ đồng, tăng 52%; chi 976.000 tỷ đồng và quyết toán là 1.277.710 tỷ đồng.
“Dự toán và thực tế lệch nhau quá lớn. Vậy dự toán thế nào đây. Phải chăng có tình trạng khi dự toán thì thấp để được cấp ngân sách”, ông Lịch đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, năm 2013, Quốc hội có quyết định một số khoản thu mới và các khoản chi mới. Vấn đề đặt ra ở đây là chính Quốc hội có điều chỉnh lại kế hoạch ngân sách để bảo đảm kỷ cương khi quyết về bội chi NSNN (thu bao nhiêu, chi bao nhiêu) mang tính chất bắt buộc để không ai làm trái.
“Liệu Quốc hội có điều chỉnh không? Tôi kiến nghị khi thông qua Luật Ngân sách thì những tồn tại về bội chi ngân sách, kỷ cương ngân sách không nghiêm thì phải được khắc phục. Cần hạn chế việc chi tiêu không có kỷ cương”, ông Lịch hỏi.
Đau cũng phải làm
Bức xúc với tình trạng bội chi, đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, đoàn Thái Nguyên, đã yêu cầu Chính phủ giải trình rõ hơn về vấn đề thu chi ngân sách trước chi Quốc hội bấm nút thông qua quyết toán ngân sách năm 2013.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng |
“Ban đầu Quốc hội xác định con số 4,8% GDP, sau đó điều chỉnh lên 5,5% và giờ Chính phủ báo cáo là 6,6%. Đây là một con số rất băn khoăn với đại biểu Quốc hội. Chúng tôi cần cơ sở pháp lý, danh mục cụ thể và chất lượng sử dụng nguồn tiền tự bội chi này”, đại biểu Hùng nhấn mạnh.
Đại biểu Hùng cũng đặt dấu hỏi về khả năng hoàn trả số lượng bội chi lớn thế này và hậu quả của nó. “Tôi nghĩa không chỉ là hậu quả về mặt tài chính, làm tăng nợ công mà có thể còn có hậu quả về thất thoát lãng phí và vận hành bộ máy chúng ta, tạo nên tiền lệ, thói quen trong quản lý sử dụng ngân sách”, đại biểu Hùng nhận định.
Đại biểu Hùng cũng nêu thực trạng về bội chi thất thu thuế, phí, lệ phí thu khác tại các đơn vị hành chính sự nghiệp chưa được khắc phục. “Tại các doanh nghiệp tình trạng hạch toán, kê khai chi phí tính thuế, tính thiếu thuế còn khá phổ biến. Chuyển giá, tiêu cực cũng gây thất thu. Nên vấn đề này cần được đánh giá kỹ hơn”, đại biểu Hùng bình luận.
Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Lê Nam, đoàn Thanh Hoá, cho rằng cần phải áp dụng chính sách quyết liệt để chấm dứt tình trạng này,
“Đã chi rồi, tôi đề nghị thế này, có lẽ đã đến lúc tất cả đến ngưỡng rồi thì phải áp dụng một chính sách quyết liệt chấm dứt việc này. Dự toán quyết rồi thì ngành nào địa phương nào tăng 1 xu cũng không được tăng, trừ bão lũ chiến tranh bất khả kháng. Có làm được không? Đau cũng phải làm, có như vậy mới có thể đảm bảo nợ công như mong muốn”, đại biểu Nam nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nam, nếu không thực hiện việc chi tốt, thì việc này so với lãng phí không biết cái nào hơn cái nào?
Đại biểu Nam nhận định trong vượt chi bản thân báo cáo của Chính phủ cho thấy kỷ luật kỷ cương về tài chính, đặc biệt trong quản lý đầu tư, đều chưa nghiêm.
“Đề nghị cần phải có cách thức quyết liệt để ngăn chặn. Nguyên do này là do chúng ta điều hành thôi, nên sẽ có giải pháp để thực hiện cho được”, đại biểu Nam khẳng định.
Chủ tịch Ủy ban ngân sách Quốc hội, Phùng Quốc Hiển:
năm 2013 có hai nguồn thu để bù đắp vào ngân sách, đó là thu đối với cổ tức và lợi nhuận được chia. Đây là khoản thu mới. Trước đây, khoản này để lại cho DNNN để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất. Sau đó, khi tình hình khó khăn, Quốc hội cho phép thu khoản này vào NSNN và chúng ta đã thu được 29.000 tỷ đồng. Quốc hội đã đề nghị Chính phủ xây dựng một cơ chế chính sách trong việc thu phần cổ tức của các DNNN.
Trước đây chúng ta có chính sách thuế vốn. Có nghĩa, doanh nghiệp nào dùng tiền ngân sách thì phải trả một khoản, gọi là thuế vốn. Nhưng quyết định này bỏ từ năm 2006.
Nhờ 2 khoản này mà chúng ta giảm được phần bội chi của NSNN từ 47.000 tỷ đồng xuống còn 21.000 tỷ đồng. Nếu chiếu theo quy định, bội thu bao nhiêu thì cho phép bội chi bây nhiêu. Nhưng vì chúng ta đang nợ rất nhiều khoản chi, đặc biệt là khoản chi an sinh xã hội và khoản chi khác là 21.000 tỷ đồng. Chính vì vậy mà Quốc hội mới cho phép bội chi 5,3%.
Trong 21.000 tỷ đồng Quốc hội cho phép,16.000 tỷ đồng là cho tình hình biển động và phần an sinh xã hội chỉ còn 5000 tỷ đồng.
Hiến pháp năm này cũng có điểm rất quan trọng, đó là tất cả các khoản thu chi đều phải nếu rõ và trong Luật Ngân sách mới cũng có điểm quan trọng, đó là không có khoản chi nào được chi ra nếu không nằm trong dự toán ngân sách. Cho nên tinh thần của năm 2014 là quyết toán ngân sách sẽ phải chặt chẽ.