Có phải thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trong tình trạng bong bóng không còn là câu hỏi gây phân vân. Giờ đây, câu hỏi mà giới phân tích đặt ra là khi nào thì quả bong bóng ấy sẽ vỡ.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ sớm đổ vỡ trong 6 tháng tới là nhận định vừa được Bocom International Holdings Co. đưa ra sau khi nghiên cứu các bong bóng tài sản trên toàn cầu trong hơn 800 năm gần đây. Trong khi đó, quỹ Macquarie Investment Management đã loại bỏ hoàn toàn mối liên quan đến các cổ phiếu trên thị trường đại lục, dù trước đây quỹ này có một danh mục gồm các cổ phiếu châu Á có diễn biến tốt hơn 97% các quỹ tương tự.
Tập đoàn tư vấn CLSA cũng nhận định có thể Chính phủ Trung Quốc sẽ “thiết kế” một đợt điều chỉnh nếu như giá trị vốn hóa của TTCK Trung Quốc tăng cao hơn nữa.
“Chúng ta đang ở trong giai đoạn biến động rất mạnh trước khi thị trường thực sự sụp đổ”, Hao Hong – chiến lược gia đến từ Bocom International – nhận định khi xuất hiện trên kênh truyền hình của Bloomberg. “Đơn giản là TTCK Trung Quốc đang ở trong tình trạng bong bóng”.
Nhờ lượng dư nợ ký quỹ ở mức cao kỷ lục và làn sóng các nhà đầu tư nghiệp dư lớn chưa từng có, giá trị vốn hóa của TTCK Trung Quốc đã tăng gấp 3 trong năm qua, lên mức 9.800 tỷ USD. Với hệ số P/E ở mức 84 lần, trung bình các cổ phiếu Trung Quốc đang có giá đắt gấp đôi so với thời kỳ chỉ số Shanghai Composite lập đỉnh hồi tháng 10/2007.
Sự kiện chỉ số Shanghai Composite mất 5,4% chỉ trong hai ngày sau khi chạm mốc cao nhất 7 năm hôm 12/6 là dấu hiệu rõ ràng nhất thể hiện tâm trạng của nhà đầu tư có thể thay đổi như thế nào. Chỉ số này đã tăng 134% trong 12 tháng qua, mạnh nhất trong các thị trường chủ chốt trên toàn thế giới bất chấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự đoán sẽ tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1990.
Hong dự báo chỉ số Shanghai Composite sẽ tăng lên mức 6.100 điểm (mức đóng cửa phiên 16/6 là 4.887,43 điểm) trước khi lao dốc.
Giá trị trung bình trong 20 ngày của các cổ phiếu giao dịch trên các sàn chứng khoán của Trung Quốc đã tăng lên mức khoảng 314 tỷ USD, so với mức 244 tỷ USD của thị trường Mỹ. Trong khi đó giá trị vốn hóa của thị trường Mỹ cao gấp đôi so với thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng có những người đưa ra luồng ý kiến trái chiều. Theo Miranda Carr, người phụ trách nghiên cứu về TTCK Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Espirito Santo, mặc dù một số phần của thị trường Trung Quốc đang phát triển quá nóng, xét một cách tổng thể thì mức giá trị hiện nay không đủ cao để dẫn đến việc thị trường sụp đổ.
“Ý tưởng cho rằng TTCK đột nhiên đạt đỉnh và sẽ vỡ tung quá bi quan. Điều xảy ra sắp tới chỉ là một đợt điều chỉnh dành cho những ngành đang bị định giá thực sự cao mà thôi”, Carr nói.
Hiện chỉ số Shanghai Composite (có một nửa là các cổ phiếu tài chính và công nghiệp) đang ở mức giá cao hơn 18 lần so với lợi nhuận dự kiến. Trong khi đó chỉ số ChiNext (chủ yếu là các công ty công nghệ) có tỷ lệ P/E lên tới 65 lần.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có quan điểm nếu mức giá cao hơn 20 lần so với lợi nhuận dự báo trong 12 tháng tiếp theo thì đó là dấu hiệu cho thấy toàn bộ thị trường đang được định giá quá cao. Do đó, nếu giá tiếp tục tăng, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải can thiệp để kiềm chế đà tăng.
Đối với Pau Morilla-Giner, giám đốc đầu tư của London & Capital Group Ltd., thị trường đại lục đang bị đầu cơ quá mức, khiến các nhà quản lý tiền tệ quốc tế khó có thể tham gia. Theo dữ liệu của Bloomberg, độ biến động của chỉ số Shanghai Composite trong 30 ngày vừa qua cao hơn bất cứ thị trường nào trên thế giới, ngoại trừ Hy Lạp.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg