Các tội danh kinh tế đã rõ ràng hơn

Trong lĩnh vực kinh tế, Bộ luật Hình sự (2015) vừa được Quốc hội thông qua đã cập nhật thêm nhiều tội danh mới; đồng thời sửa đổi, loại bớt những tội danh cũ, lạc hậu…

Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung 15 tội danh mới phát sinh từ cuộc sống thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau, trong đó có tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Trong ảnh: Công nhân đóng gói sản phẩm tại một doanh nghiệp sản xuất giày. Ảnh: UYÊN VIỄN

Thêm, bớt các tội danh

Cuối cùng, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165, Bộ luật Hình sự hiện hành) đã không được đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 [mới]. Bởi vì, đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm thay thế điều 165 bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế để tránh sự tùy tiện trong áp dụng, đảm bảo sự minh bạch, tạo môi trường kinh doanh an toàn.

Tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm qua, cho thấy điều 165 thường được dùng [như một cái túi] để xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào khi không đủ căn cứ để truy tố về một tội danh cụ thể. Do đó, điều luật “chung chung” này đã tạo ra một mối nguy hiểm không đáng có cho môi trường kinh doanh, theo Bộ Tư pháp.

Cho nên, khi bỏ điều 165, để xử lý được các hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, tránh bỏ lọt tội phạm, Bộ Tư pháp đã bổ sung vào Bộ luật Hình sự 2015 các quy định về tội danh hiện có trong Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (45 điều); đồng thời bổ sung 15 tội danh mới phát sinh từ cuộc sống thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Cụ thể, trong 15 tội danh hoàn toàn mới này có năm tội danh thuộc nhóm các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, gồm: tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Còn lại 10 tội danh thuộc nhóm các tội phạm [khác] xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, như: tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định về cạnh tranh; tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản; tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Nhưng điều đáng chú ý trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015, đó là phần lớn các tội danh mới cũng như nhiều tội danh hiện có thuộc lĩnh vực kinh tế được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền (chứ không phải hình phạt chính là hình phạt tù như hiện nay), kể cả tội phạm rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, luật mới đã có sự cân nhắc việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính để phân hóa xử lý phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội mang tính vụ lợi. Cụ thể như, hình phạt tiền chỉ áp dụng đối với loại tội rất nghiêm trọng nhưng đơn thuần mang tính vụ lợi như: tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội đầu cơ…

Đối với các tội cũng có tính chất vụ lợi nhưng hậu quả gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người thì không áp dụng hình phạt tiền, kể cả trường hợp tội nghiêm trọng như các tội: sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh…

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, luật mới quy định như thế vừa hiện thực hóa chủ trương “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự

Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là nội dung mới trong trong Bộ luật Hình sự 2015. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Việc bổ sung quy định này vào luật là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, vì pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là vấn đề hoàn toàn mới nên Bộ luật Hình sự 2015 mới quy định: Pháp nhân thương mại nào phạm các tội về kinh tế và môi trường thì phải chịu trách nhiệm hình sự (nhân danh pháp nhân; vì lợi ích của pháp nhân; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân).

Vậy hình phạt nào sẽ được áp dụng cho các pháp nhân phạm tội? Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, thì các hình phạt dành cho pháp nhân bao gồm: phạt tiền (được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung); tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn (hoặc vĩnh viễn); đình chỉ hoạt động có thời hạn (hoặc vĩnh viễn).

Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung như công khai bản án, quyết định của tòa án; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn… Chưa kể, nếu pháp nhân phạm tội, tòa án cũng có thể quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp tư pháp như buộc bồi thường thiệt hại; buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh…

Theo TBKTSG

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)