Việt Nam Thời Báo

Cải cách toàn diện: CIA trở thành KGB


VietnamDefence – Giám đốc CIA đã đệ trình Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ văn kiện đồ sộ có tên “Kế hoạch tương lai”.

Đây là đề xuất cải cách toàn diện toàn bộ hệ thống của CIA mà thực tế là loại bỏ các nguyên tắc hiện hành. Điều đã buộc Cục Tình báo trung ương Mỹ phải làm việc này là hoạt động không hiệu quả đáng sợ của nó trong những năm gần đây, nhưng nhờ đó CIA có thể không hồi sinh từ tro tàn mà sẽ biến thành một Ủy ban An ninh nhà nước KGB thời Brezhnev của Liên Xô, nhưng có thêm các hacker và máy bay không người lái (UAV).

Như thường làm ở Mỹ, Giám đốc CIA John Brennan đã tập hợp một ủy ban chuyên gia nặng ký và họ đã phỏng vấn hàng ngàn nhân viên CIA, phân tích hàng chục ngàn tài liệu, tiêu cả đống tiền và kết quả đã đưa ra kết luận xanh rờn về mức độ cực kỳ không hiệu quả của CIA trong 20-25 năm qua. Sự không hiệu quả này đã dẫn tới sự suy giảm mạnh mẽ ảnh hưởng của CIA, uy tín bị suy sụp mà cả Hollywood lẫn Tom Clancy đều không thể cứu vãn. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là khách quan.

Nói một cách thô thiển, sau ngày 11/9/2001, cộng đồng tình báo Mỹ bị chỉ trích nặng nề đến nỗi bị mất đáng kể không chỉ mức độ ảnh hưởng, mà cả uy tín nội bộ, điều đã được phản ánh ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nó. Quân số CIA trong suốt thời gian này liên tục giảm đi, còn việc đầu tư kinh phí thì không nhận được sự chú ý đúng mức của Quốc hội Mỹ. 

Trong 5-7 năm nay, CIA thậm chí đã mất đi các vị trí biên chế trong các sứ quán từng “mặc nhiên” dành cho các nhân viên tình báo. Các vị trí này bắt đầu bị những người xuất thân từ Lục quân, Thủy quân lục chiến và đặc nhiệm Mỹ chiếm giữ bởi vì uy tín của các lực lượng này, trái lại, đã tăng mạnh và người ta đã bắt đầu có sự nghiệp thành đạt mà trước khi ngay cả trong mơ cũng không thấy.

Còn chức năng “bể lọc” thì lại gắn liền với CIA, điều đó được xác định càng rõ  bởi chiến lược thu thập thông tin qua “các nguồn phi truyền thống” (ví dụ như các tổ chức giáo dục-đào tạo hay các hãng “sân sau”). Điều đó đã dẫn đến sự chảy máu cán bộ có trình độ vì một người thông minh, tài năng và có tính cách phiêu lưu đi vào làm việc trong ngành tình báo không chỉ vì công danh, mà còn vì adrenalin (kích thích), hoàn toàn không thích thú mất độ 5 năm trời trong ký túc xá sinh viên ở Bogota hay hít bụi tại một công ty tư vấn giả mạo ở Moskva. Hơn nữa, đồng lương lại khá bèo bọt và tương lai công danh không có gì đảm bảo.
Một bộ phận đáng kể những người trẻ tuổi tài năng và đầy tham vọng này với trí thông minh khác thường và tâm lý lo lắng mình bị tước đoạt, làm nhục và bỏ qua. Mà cái này (như cả lịch sử tình báo cho thấy) chính là động lực chính để phản bội. Xa xa đâu đó đằng sau nó vẫn là tiền bạc, những thói xấu (tình báo về bản chất là một thói xấu nghiêm trọng), gái và yếu tố khống chế bôi nhọ. Trong tình báo gần như không thể có thứ vinh quang thói thường, nên sự thừa nhận về nghiệp vụ, thăng tiến, các nhiệm vụ thú vị hơn, có nghĩa là một cuộc sống thú vị hơn trong thế giới đóng kín chính là sự khuyến khích chủ yếu để làm việc. Mà khi không có nó, người ta bắt đầu nổi loạn búa xua. Kẻ thì rượu chè, còn Snowden và Manning thì quyết định tích trữ thông tin và tung ra ngoài.

Trình độ xử lý phân tích thông tin ban đầu cũng sa sút mạnh. Mảng hoạt động cực kỳ quan trọng này của CIA dần bị giao ra ngoài cho đủ thứ “trung tâm”, “nhóm”, hay cả giới học thuật. Tất cả những điều này cũng là hậu quả của thảm bại năm 2001, khi mà xã hội và bộ máy chính quyền Mỹ đổ lỗi, trong đó có cho các nhà phân tích CIA mà theo ý kiến chung là đã không thể làm phép tính nhân 2 với 2 từ thông tin do điệp viên cung cấp. Trong trận chiến không cân sức đó, Cục Phân tích đã gục ngã khi bị một thế hệ mới các chuyên gia phân tích tư nhân đắc thắng dẫm đạp, cướp đi một phần béo bở kinh phí từ ngân sách vốn đang bị xiết chặt của CIA. Có nghĩa là kinh phí trước đây vẫn ở lại bên trong Cục Phân tích, đã bắt đầu rời khỏi Langley để nuôi dưỡng cộng đồng chuyên gia đang hồi sinh từng ngày. Trong suốt những năm 1990, cả đám các nhà Xô-viết học và những kẻ kể chuyện cổ tích từ hãng RAND giành giật những đơn đặt hàng nhỏ nhặt và việc làm cho các hãng công nghiệp hay tài chính. Thì nay đã bắt đầu giờ khắc huy hoàng của họ.

Tình hình không khá hơn. Trình độ phân tích ban đầu sa sút mạnh do thiếu tin tức nghiệp vụ, còn Cục Hoạt động thì chuyển sang lao vào cuộc săn đuổi Osama Bin Laden đầy hào hứng. Gần như tất cả các lực lượng đều bị tung vào việc này, Al-Qaeda đã biến thành kẻ thù số 1 thay cho Liên Xô. Suốt những năm 2000, CIA trôi dạt miên man vào tình trạng mà nó từng ở trong những năm hoàng kim của chiến tranh lạnh. Có nghĩa là vào công xưởng chiến dịch đặc biệt thiên hướng vũ lực (covert), mà trong đó những âm mưu ám sát Castro hay đảo chính ở Chile và Congo xem ra chỉ là trò trẻ. Bắt đầu hồi sinh nhanh chóng các đơn vị đặc nhiệm mà trước đó đã bị đưa khỏi biên chế CIA như cái gọi là tình báo thuần túy.

Những người mày râu nhẵn nhụi u ám này lúc nhúc trong các sứ quán Mỹ trên khắp thế giới gợi nhớ những hình ảnh, loại người đen tối kiểu Bob Denard. Chỉ vài năm trước, hoạt động này đã được coi gần như là chủ yếu, còn việc thu thập tin tức tình báo chính trị chung bị coi là một thứ đại loại như thêu chữ thập. Đó cũng có vẻ là một công việc, nhưng chưa ai thấy một chuyên gia được thừa nhận rộng rãi về thêu chữ thập được Ofra Winfrey phỏng vấn về vấn đề “làm thế nào để đạt được thành công, để quyến rũ mỹ nữ và kiếm được triệu đô đầu tiên”.

Thế là bắt đầu sự chảy máu cán bộ cả từ Cục Hoạt động, còn nhảy vào các vị trí vừa trống của các người trí tuệ – các nhà thông thái về tâm lý học, lịch sử và ngoại ngữ – vẫn lại là những kẻ cơ bắp võ biền kia. Song song là sự phát triển bùng nổ của các công nghệ điện tử mà NSA từ lâu đã nắm giữ vị trí hàng đầu, còn CIA đã buộc phải hài lòng với những gì còn lại sau phiên chợ sáng. Để bù đắp phần nào sự thiếu thốn cán bộ trên hướng này, CIA bắt đầu tuyển vào gần như tất cả những ai hiểu biết đôi chút về công nghệ máy tính, mà đó chủ yếu lại là những cá nhân bán nghiện ngập có lối tư duy vô chính phủ trông thì hay ho trong các bộ phim tuyên truyền dạng “Cảnh sát biển”, nhưng trong thực tế là một ác mộng kinh hoàng. Snowden là thông điệp cho điều đó.

Thảm họa đã hiển hiện trước mắt. Lúc nào đó, sự việc đi đến mức trong giới thân cận tổng thống, người ta đã bắt đầu nói đến việc loại bỏ PDB (President Daily Brief) – báo cáo tin tức buổi sáng hàng ngày bắt buộc của đại diện CIA cho Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ. Hơn nữa, chính Brennan là viên sĩ quan CIA đã phải soạn các báo cáo này trong Phòng Bầu dục dưới thời Tổng thống Clinton, điều mà ông ấy vẫn hãnh diện cho đến nay.

Thành tích tiêu diệt được Bin Laden đã cải thiện lớn tình hình, dù bản thân chiến dịch là do đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tiến hành, chứ không phải những lính đánh thuê đông lên nhung nhúc của CIA. Tuy nhiên, tất cả các hiện vật lấy được trong cuộc tập kích ở Abbottabad diệt Bin Laden nay có mặt  tại vị trí trang trọng chính là trong bảo tàng của CIA, chứ không phải tại căn cứ của SEAL. Nhưng việc tiêu diệt được “mục tiêu số 1” chỉ nâng cao uy tín của 2 đơn vị trong CIA là Trung tâm chống khủng bố (xứng đáng) và đặc nhiệm CIA (không xứng đáng). Phần còn lại thì vẫn nguyên vị. 

Nhìn chung, cần nói rằng, đối với hoạt động của CIA, Nga chỉ chú ý chủ yếu đến vấn đề các cuộc cách mạng màu, trong đó có cách mạng màu ở Ukraine và các nước Arab, nhưng thế giới lớn hơn nhiều, còn “các điệp vụ” này sẽ khó có thể ghi công cho CIA. Trong đa số các trường hợp, có cả yếu tố tình cờ (Tunisia), cả yếu tố xã hội bị bất mãn, kích động cực điểm (Ai Cập). Tất cả những gì còn lại chỉ là một mớ những thất bại chứ không phải gì khác.

Thế rồi xuất hiện IS, 10.000 máy ly tâm của Iran và Ukraine.

Xét từ góc độ lịch sử, chúng xuất hiện gần như đồng thời, và quan niệm về CIA như một tổ chức hữu hiệu đã tan vỡ thành các nguyên tử. Theo dư luận Mỹ, CIA đã lặp lại cùng một sai lầm như năm 2001: CIA đã không phát hiện ra sự xuất hiện của IS, và nay cả thế giới phải làm gì đó với những quá trình long trời lở đất làm rung chuyển Cận Đông. Nhưng đến nay, CIA vẫn không chỉ không thể đếm chính xác số máy ly tâm của Iran, mà còn không thể nói ra vị trí của chúng vì trong tất cả các báo cáo “nghiệp vụ” và “phân tích tổng hợp” về Iran của mình, CIA chỉ dựa vào ý kiến của vài nhân vật đối lập xa rời thực tế và chỉ làm thế để kiếm đầy túi tiền (một bức tranh quen thuộc). 

Cuối cùng là việc CIA đã bỏ qua “sự phục hưng Nga” mang tên Vladimir Putin, điều được tuyên bố công khai và với sự hoảng sợ không giấu giếm.

Thế là hết. Cần đóng cửa văn phòng (biệt danh của CIA).

John Brennan không đồng ý với điều đó. Không phải vô ích khi ông suốt thời gian này cầm đầu chính đơn vị bị chê trách ít nhất là Trung tâm chống khủng bố. Các đề xuất của ông dựa trên nguyên tắc đã kiểm nghiệm trong 70 năm hoạt động cảu CIA là: các thách thức đã thay đổi, có nghĩa là cần thích ứng với chúng, mà CIA lại chính là hệ thống luôn thể hiện khả năng thích ứng cao nhất với các điều kiện mới. Đây không phải là tự quảng cáo mà là sự thật. Người Mỹ tin rằng, xã hội đã đạt trình độ tổ chức cao nhất, chỉ cái được che giấu nhất với xã hội là có thể thay đổi hiệu quả. 

Trong bối cảnh đó, Brennan bắt đầu bị cáo buộc là mưu toan thoát khỏi sự kiểm soát thậm chí của Quốc hội. Đáp lại, ông bắt đầu thực hiện các cuộc phỏng vấn dàn dựng sẵn với các kênh truyền hình lớn, điều đó chỉ chọc tức công luận.

Brennan muốn bắt đầu cải cách từ công tác cán bộ. Ông đề xuất thành lập một Trung tâm huấn luyện nghiệp vụ duy nhất, trong đó sẽ có các đơn vị chuyên trách tuyển mộ, chỉ đạo hoạt động tình báo và phòng cán bộ. Tất cả các cơ quan đào tạo tình báo viên sẽ bị chuyển thuộc cho Đại học CIA, và tại dây sẽ tiến hành huấn luyện, đào tạo các chuyên gia trên rất nhiều lĩnh vực hoạt động tình báo.

Hiệu trưởng Đại học CIA sẽ được trao mọi thẩm quyền cần thiết về đào tạo nghiệp vụ cho các sĩ quan, những người cần được truyền thụ các kỹ năng hành động trong các điều kiện hoạt động điệp báo và phản gián khác nhau. Trong tương lai, chính các chuyên gia này sẽ cấu thành nòng cốt của ban lãnh đạo CIA tương lai. Song song sẽ xây dựng các tiêu chí thống nhất đánh giá nhân sự – hiệu suất, năng lực và các phẩm chất cá nhân của nhân viên.

Brennan đặc biệt yêu cầu xem xét lại chế độ thăng tiến cho chỉ huy tất cả các cấp, trong đó phải chú ý hơn tới sự phát triển các phẩm chất lãnh đạo của họ và gia tăng quyền lực đi cùng với nâng cao mức độ tự kiểm soát, hướng đến sự phát triển nghề nghiệp và nhận thức rằng, dù là ở cơ quan nào, giữ chức vụ gì và định hướng nghiệp vụ ra sao thì tất cả họ trước hết phải là các sĩ quan tình báo.

Nếu bỏ qua kiểu cách Mỹ và thuật ngữ hiện đại, cái này chẳng mấy khác Đại học Andropov của tình báo Liên Xô với hệ thống lựa chọn “cán bộ tương lai” chuẩn hóa cao độ. Hơn nữa, Brennan trong quan niệm của mình về “những người xuất sắc nhất của nước Mỹ” có sử dụng cách nói dường như học từ thời đó. Ở Liên Xô, điều đó đã dẫn tới sự gia tăng của những người được “biệt phái” từ Đoàn Thanh niên với “lý lịch sạch”, nhưng lại có những vấn đề nghiêm trọng về động cơ, ngoại trừ động cơ quan chức, công danh.

Còn việc chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá cán bộ, nhân viên có liên quan trực tiếp đến cái mốt trắc nghiệm tâm lý vốn đã đánh bại triệt để tư duy lành mạnh vì sự khải hoàn của lòng khoan dung. Trên thực tế, “sự bình quân chủ nghĩa” tâm lý như thế đang dẫn đến sự thắng lợi của trí tuệ ngu ngốc, bởi lẽ bất kỳ biểu hiện nào của sự tư duy khác thường đều bị coi là sự lệch chuẩn nguy hiểm, và do đó, là cơ sở để bở dở việc hay bị tuyển lại. Như vậy, những người tài năng bị loại khỏi tình báo vì theo tiêu chí đặt ra, họ là người không hợp chuẩn. Còn những người kém cỏi thì lại rất thoải mái trong một hệ thống đã được bao kín bằng các hướng dẫn răm rắp cho từng việc.

Về ý tưởng, hệ thống tuyển chọn cán bộ mà biện hộ Brennan sẽ đưa đến CIA những người tài năng, lỗi lạc. Nhưng trên thực tế, nó chắc chắn sẽ mang lại kết quả hoàn toàn ngược lại, và việc trở lại các tiêu chuẩn thời chiến tranh lạnh sẽ được thực hiện ngay trong những năm tới.

Còn liên quan đến lĩnh vực hành chính, trên cơ sở kinh nghiệm tốt của Trung tâm chống khủng bố CIA (CTC), Brennan đề nghị sát nhập các cục hoạt động và phân tích theo các khu vực. Ở CTC, dã không có sự phân chia hành chính ra hoạt động nghiệp vụ và công tác phân tích, nói một cách thô thiển là các James Bond thiện về chân tay và các chuyên gia đầu óc làm cùng trong một căn phòng với một chỉ huy duy nhất. Để đảm nhiệm vai trò các vị chỉ huy như thế, Brennan đề xuất lập ra các chức vụ phó giám đốc mới mà một trong số đó sẽ phụ trách riêng “cục kỹ thuật số”. 

Bằng việc thành lập “cục kỹ thuật số”, rõ ràng là Brennan đang tìm cách loại bỏ sự độc quyền về công nghệ thông tincủa NSA, mặc dù ông luận cứ việc này là do nhu cầu không phải là của tình báo mà là để bảo đảm an toàn cho thông tin lưu chuyển qua các kênh liên lạc của CIA. Nói đúng ra, đó không phải trách nhiệm của CIA mà của FBI, Brennan thực ra muốn xây dựng một hệ thống đầy đủ, độc lập về mọi phương diện, không phải liên quan đến các cơ quan khác. Ở đây, ông ta cũng làm không khác mấy KGB của thập niên 1970-1980.

Trên cơ sở các hệ thống hợp nhất phân tích và hoạt động, Brennan định thành lập khoảng 10 (con số này chưa thống nhất) “trung tâm chuyên trách” được tổ chức theo nguyên tắc địa bàn hay vấn đề. Có nghĩa là cựu Giám đốc CTC (Brennan) mà hoạt động được coi là thành công, đang tìm cách phổ biến cái hệ thống của đơn vị mà bản thân ông ta đã lãnh đạo ra toàn bộ CIA, gạt bỏ đi hệ thống tổ chức vốn có của CIA. Đó là nguyên tắc tổ chức nổi tiếng mà tình báo Liên Xô/Nga đã rất quen thuộc trong quá khức mới đây. Nếu cái gì đó hoạt động tốt ở một bộ phận riêng, có nghĩa là sẽ hoạt động tốt trong cả hệ thống chung. Cứ để người Mỹ thử xem.

CIA được tổ chức như vậy đang biến thành một cơ cấu có tính ý thức hệ quá nặng và rất nặng nề, cứng nhắc, trong đó trách nhiệm về thu thập thông tin cũng như về phân tích thông tin bị mờ nhạt đi. Brennan chưa bao giờ làm việc với tin tức chính trị, nhưng ông hoàn toàn có khả năng biến CIA thành một quân đội tư nhân, trong đó thông tin chính trị sẽ không chịu sự phân tích độc lập nào. Có thể hiệu quả hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể trên các hướng cục bộ sẽ được nâng lên. Nhưng hệ thống đó không thể xử lý lập tức cả khối thông tin. Trong CIA ở mô hình cũ, dẫu sao vẫn duy trì được khả năng tổng hợp thành một các tin tức từ Singapore và Dublin để có được một bức tranh tổng thể. Giờ thì những con người làm việc ở các tầng khác nhau của một tòa nhà đôi khi sẽ không thể trao đổi với nhau ngay cả về các vấn đề trùng lặp tin tức đơn giản nhất. Trong tình huống đó thì chẳng cần phải nói đến quan điểm chiến lược gì về thế giới nữa, thay vào đó, những con người “đúng” ở các vị trí “đúng” ấy khi làm sự nghiệp trên các nguyên tắc hiệu quả sẽ cung cấp lên trên những thông tin mà cấp trên muốn thất tùy thuộc vào định kiến chính trị và tình hình hiện tại. 


Điều đó dẫn đến nạn thêm thắt, bịa đặt thông tin hàng loạt, đến sự ra đời của các lưới điệp viên ma, làm giả thông tin để thăng tiến công danh và sự phân tích tồi, rất tồi từ những con người không có óc tưởng tượng và kiến thức hệ thống. Cả chuyện này tình báo Liên Xô/Nga cũng đã trải qua.

Nguồn: vz, 17.4.2015.

(VietnamDefence)

Tin bài liên quan:

VNTB – Tháng Tư với người Việt tỵ nạn không bao giờ là “mùa xuân”

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Việt Nam quân sự hóa đảo Sơn Ca và Đá Tây (Trường Sa)

Phan Thanh Hung

Chính sách “hòa hợp” với Việt kiều chưa thành công

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo