Việt Nam Thời Báo

California tỏ lập trường dứt khoát với Trump

Hà Tường Cát
18-11-2016

Chỉ một ngày sau bầu cử tổng thống, hai viện Quốc Hội California đưa ra một tuyên bố chung do hai người đứng đầu lưỡng viện ký tên, Thượng Nghị Sĩ Kevin de Leon, thường vụ Thượng Viện, và Dân Biểu Anthony Rendon, chủ tịch Hạ Viện.
Lời mở đầu tuyên bố chung viết: “Sáng nay thức dậy, chúng tôi cảm thấy mình như đang sống ở nước khác, vì hôm qua người dân Mỹ đã tỏ bày quan điểm của họ về một xã hội đa nguyên và dân chủ không phù hợp với những giá trị của người dân California.”
Trước hết, nên biết California là tiểu bang mạnh mẽ ủng hộ đảng Dân Chủ. Ứng cử viên Hillary Clinton chiếm 61.5% phiếu, ông Donald Trump 33.2%. Miền Nam California, ngoại trừ Los Angeles County, từ trước đến nay vẫn được coi là thành trì của đảng Cộng Hòa, nhưng vừa qua đa số cử tri ủng hộ bà Clinton hơn là ông Trump; Los Angeles County 71.5% – 23.4%, Orange County 49.8% – 44.8%, San Diego County 55.9% – 38.8%,…
Dân Chủ nắm đa số cả hai viện Quốc Hội tiểu bang, vì vậy, bản tuyên bố chung và những ý kiến như trên không là điều ngạc nhiên.
Tuy nhiên, sự kiện này và các vấn đề khác mà cho đến nay chưa thể dự kiến đầy đủ, là viễn ảnh của nhiều khó khăn trong mối quan hệ giữa chính quyền liên bang với tiểu bang California, và đồng thời với nhiều tiểu bang khác.
Ðừng nên quên, ông Trump thắng cử với 306 phiếu cử tri đoàn. Mặc dầu bà Clinton hơn ông Trump ít nhất trên 1 triệu phiếu phổ thông toàn quốc, nhưng điều ấy không có giá trị gì theo quy định bầu cử tổng thống Mỹ. Hệ thống cử tri đoàn là thể hiện vai trò của các tiểu bang, và không chỉ lý thuyết mà trên thực tế tiểu bang có nhiều quyền hạn giống như một quốc gia độc lập.
Bản tuyên cáo của Quốc Hội California minh định: “Dân chúng California, tiểu bang lớn nhất trong liên bang, bằng lương tri của họ, bác bỏ chủ trương chính trị dựa trên phẫn uất, mù quáng và kỳ thị giới tính. Ðây là đất của công lý và cơ hội cho mọi người, mọi tuổi tác và ước vọng, dù diện mạo thế nào, sống ra sao hay nói ngôn ngữ gì.”
“California từ lâu đã tự hào là mẫu mực cho các tiểu bang khác. California sẽ bảo vệ dân chúng và tiến bộ của mình. Chúng tôi không để cho một cuộc bầu cử đảo ngược những tiến bộ qua nhiều thế hệ của cấu trúc xã hội đa văn hóa, khoa học phát triển, kinh tế mở mang và ý thức về nghĩa vụ toàn cầu,” vẫn theo bản tuyên cáo.
Trong lời kết luận, tuyên cáo khẳng định: “Ông Donald Trump đã đắc cử tổng thống, nhưng không thể làm thay đổi những giá trị của chúng tôi. Chúng tôi không thể bị kéo lui về dĩ vãng. California sẽ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống bất cứ nỗ lực làm tan vỡ hệ thống xã hội của chúng tôi và Hiến Pháp nước Mỹ. California không là một thành phần trong liên bang khi nước Mỹ lập quốc, nhưng bây giờ chúng tôi quyết tâm làm bảo vệ tương lai của nó.”
Qua tất cả các lập luận trên, một chi tiết dễ dàng nhận ra là những ẩn dụ về chủng tộc, di dân, và phản ánh mối hoài nghi lo ngại nếu như chính quyền Donald Trump sẽ thực hiện đường lối như đã nói ra trong thời gian tranh cử.
Về vấn đề di dân, thật ra cho đến nay, nhiều dư luận trong cũng như ngoài nước tin rằng ông Trump không thể nào thi hành những lời hứa hẹn như xây bức tường biên giới, trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp, áp dụng những biện pháp gắt gao ngăn chặn dân Hồi Giáo vào Mỹ. Trên nguyên tắc, những việc này đi ngược lại lý tưởng cao đẹp của nước Mỹ, và dân Mỹ qua lịch sử 240 năm. Trong thực tế, có nhiều trở ngại từ xã hội, pháp lý, khả năng thực hiện cho tới quan hệ quốc tế với tính cách nước Mỹ không chỉ tự mình thành vĩ đại mà là một siêu cường quốc có vai trò và tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Ông Timothy White, chủ tịch hệ thống đại học Cal State, hôm Thứ Tư nói với nhật báo Los Angeles Times rằng sẽ không có chuyện trợ giúp vào việc trục xuất di dân bất hợp pháp nếu chính quyền Donald Trump thi hành. Ông cam kết duy trì chính sách đa dạng, đa văn hóa của hệ thống đại học có 470,000 sinh viên này.
Ông White nói: “Trừ khi có quy định bằng luật, Cal State sẽ không thỏa hiệp với các cơ quan công lực liên bang hay tiểu bang cũng như với những cơ quan trách nhiệm về di dân thuộc Bộ Nội An và các bộ khác. Các sở cảnh sát của đại học chúng tôi không đáp ứng những yêu cầu bắt giữ di dân chỉ vì lý do thiếu giấy tờ hợp pháp.”
Sự lo sợ và phẫn nộ của các sinh viên thiếu giấy tờ hợp pháp đã râm ran trên toàn quốc kể từ sau bầu cử.
Ông Herb Wesson, chủ tịch Hội Ðồng Thành Phố Los Angeles, nói rằng dân chúng “quan tâm sâu sắc” về những chuyển biến trong chính sách di dân của liên bang có thể có dưới chính quyền Donald Trump.
Ông nói: “Không thể xem thường tình hình này.”
Các giới chức thành phố đang xem xét một loạt những giải pháp bảo vệ di dân, kể cả việc thuê các luật sư bênh vực và tìm những phương cách ngăn chặn không để cư dân Los Angeles bị trục xuất.
Không chỉ giới hạn ở California, tình hình này đang là thách thức trên toàn quốc.
Tại thành phố New York, Thị Trưởng Bill de Blasio đã dàn xếp để có một cuộc nói chuyện trực tiếp với tổng thống tân cử Donald Trump. Cuộc hội đàm kéo dài 62 phút hôm Thứ Tư, theo lời kể lại của ông de Blasio, hoàn toàn đi vào chủ đề di dân, “không có phút nào dành cho những lời màu mè.”
CNN cho biết ông de Blasio đã nói thẳng với ông Trump là “dân chúng New York đang lo sợ như thế nào.” Ông thị trưởng cũng giải thích cho ông Trump biết là Sở Cảnh Sát New York hiện nay có tới 900 nhân viên Hồi Giáo. Ông cũng minh định với ông Trump rằng “nên suy nghĩ lại về việc bổ nhiệm cố vấn Steve Bannon, một cá nhân thuộc phái cho rằng người da trắng là ưu việt, rõ ràng có khuynh hướng chia rẽ, phân biệt chủng tộc.”
Theo ông de Blasio, cuộc thảo luận căng thẳng, nhưng chân thực và ông Trump tỏ ra biết tiếp nhận những lời chỉ trích.
Tại tiểu bang Washington, bà Kathleen O’Toole, cảnh sát trưởng thành phố Seattle, cho biết chính sách đối xử với di dân không thay đổi dưới chính quyền Donald Trump “dù cho cơ quan này có thể bị đe dạo cắt ngân sách.” Bà viện dẫn tuyên bố của Thị Trưởng Ed Murray rằng “thành phố Seattle quyết tâm duy trì những giá trị bình đẳng, hòa nhập, cởi mở” và sở cảnh sát theo đúng đường hướng ấy.
Như thế, riêng việc giải quyết chuyện di dân sẽ không đơn giản như ông Trump hứa hẹn. Có nhiều giới hạn về quyền lực giữa liên bang và tiểu bang, tổng thống liên bang không thể nào vượt qua để hành động theo ý muốn của mình.
Còn nói chung, trong nhiều vấn đề khác, mỗi tiểu bang có vai trò trong liên bang, sự hợp tác chung là thiết yếu để toàn nước Mỹ có thể phát triển và duy trì vị trí siêu cường quốc trên thế giới.
Riêng California là tiểu bang có nền kinh tế đứng đầu nước Mỹ, bao gồm sản xuất và ngoại thương quan trọng. Các chuyển biến cho các hiệp định mậu dịch, như sửa đổi NAFTA hay bãi bỏ TPP, có ảnh hưởng mạnh đến California hơn bất kỳ nơi nào khác. Vì thế, California đến một lúc sẽ phải tính chuyện của mình và liên bang cũng không thể không quan tâm trước tình hình ấy.
Lâu nay ở California đã có một vài nhóm nhỏ đề xướng việc tiểu bang ly khai khỏi liên bang thành một nước cộng hòa độc lập. Theo dự trù, một nhóm vận động sẽ đưa ra một dự luật trưng cầu dân ý vào năm 2018, đòi tách California ra khỏi Hoa Kỳ.
Khuynh hướng ấy không được nhiều sự hưởng ứng, nhưng hiện nay đang được đẩy mạnh và phát triển hơn. Có thể khẳng định là cuối cùng đây chỉ là chuyện hoang tưởng và chắc chắn không đi đến đâu.
Tuy vậy, nếu như tới một thời điểm, mối quan hệ giữa California và liên bang có những trục trặc nào đó, thì biết đâu, ít nhất, dân Mỹ sẽ không còn rau quả sản xuất ở California!

(Ba Sàm)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo