Việt Nam Thời Báo

Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của tỷ giá

Tỷ giá trung tâm mỗi ngày dựa trên ba tham chiếu là: (1) tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng cuối ngày hôm trước (2) tỷ giá của tám đồng tiền trên thị trường quốc tế và (3) các cân đối kinh tế vĩ mô. Làm thế nào để thị trường nhận biết được tỷ giá trung tâm phản ảnh đúng giá trị thực của đồng tiền và quan hệ cung cầu trên thị trường? Không trả lời thỏa đáng các câu hỏi này sẽ khó kỳ vọng vào chính sách tỷ giá mới.

Trong khi các yếu tố nội tại của nền kinh tế đang xấu đi mà có cố làm cho giá trị đồng tiền mạnh lên thì cũng không thuyết phục được người dân từ bỏ đồng đô la để chuyển sang tiền đồng. Ảnh: TL
Tỷ giá bình quân thị trường liên ngân hàng liệu có chính xác?
Không. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất khó thuyết phục mọi người về mức độ chính xác của chúng khi mà hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay phần lớn do Nhà nước chi phối. Năm rồi khi Trung Quốc công bố tỷ giá tham chiếu mới (một dạng tỷ giá trung tâm của Việt Nam), rất nhiều nhà kinh tế và giới truyền thông quốc tế mỉa mai rằng đó chỉ là chiêu trò của các thành viên cao cấp chứ chẳng phải do thị trường nào quyết định ở đây.
Có. Với điều kiện NHNN công khai mức tỷ giá này phải được tính từ một danh mục thật rộng số lượng các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài. Trung Quốc hiện đã công bố khoảng 20 ngân hàng trong đó có cả một số ngân hàng nước ngoài khi tính tỷ giá tham chiếu cuối mỗi ngày. Đã vậy mà thị trường còn bán tín bán nghi.
Có nên tham chiếu tỷ giá trung tâm từ tỷ giá của 8 đồng tiền?
Có. Do có quan hệ mậu dịch với các quốc gia khác nhau nên tỷ giá trung tâm cần phải tính toán dựa trên rổ tiền tệ. NHNN cần liên tục truyền thông để thị trường hiểu tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ (VND/USD) công bố mỗi ngày không phải là tỷ giá song phương (giữa Việt Nam và Mỹ) giống như trước đây mà đó chính là tỷ giá hiệu lực đa phương (effective exchange rate), đã tính tới tỷ giá chéo và tỷ trọng thương mại của tám quốc gia khác nhau.
Cơ chế tỷ giá mới về cơ bản giống với cơ chế tỷ giá cũ vẫn là thả nổi có quản lý. Điểm khác nhau là giờ đây tỷ giá sẽ được linh hoạt thay đổi nhỏ giọt mỗi ngày. Tên chính xác của nó là thả nổi có quản lý theo xu hướng trườn bò (crawling managed foat). Cơ chế này cấu thành từ tỷ giá thả nổi có quản lý trước đây cộng với một hệ thống mới gồm có ba yếu tố là rổ tiền tệ, dải băng tỷ giá và trườn bò. Còn gọi là hệ thống [tỷ giá] BBC (basket band crawling).
Không. Đó là nếu như NHNN chỉ xem hệ thống BBC như là một thủ thuật để chiêu trò mỗi ngày và hoàn toàn thoát ly khỏi diễn biến thực tế của tám đồng tiền trong rổ. Cho dù có áp dụng cơ chế tỷ giá kiểu gì và có truyền thông ra sao thì thị trường cũng sẽ mất niềm tin. Chính vì những lo ngại này mà mới đây Trung Quốc đã công bố chỉ số đồng nhân dân tệ (RMB Index) để đo lường giá trị của đồng nhân dân tệ so với 13 đồng tiền khác, với kỳ gốc tham chiếu tính từ năm 2014.
Các nhà đầu tư giờ đây sẽ có điều kiện đánh giá liệu tỷ giá trung tâm công bố mỗi ngày và sau đó trườn bò chính xác đến đâu. Nếu như muốn thuyết phục thị trường về tính minh bạch trong điều hành tỷ giá của mình thì có lẽ NHNN nên cân nhắc công bố công khai quyền số thương mại trong rổ tám đồng tiền hiện nay để tính ra chỉ số đồng Việt Nam (VND Index).
Quan ngại duy nhất đến từ việc công khai chỉ số VND Index là các nhà đầu tư sẽ đoán được xu hướng thị trường mỗi ngày để tiến hành đầu cơ. Như vậy sẽ có sự đánh đổi. Công bố chỉ số VND Index, chính sách tiền tệ càng minh bạch hơn mặc dù phải đối mặt với rủi ro đầu cơ tiền tệ. Dù vậy chẳng sớm thì muộn có lẽ rồi cũng đến lúc NHNN phải công khai chỉ số này.
Một số ngân hàng trung ương, như Trung Quốc chẳng hạn, dù vậy vẫn thận trọng phát tín hiệu rằng họ không hoàn toàn dựa trên RMB Index khi công bố tỷ giá tham chiếu. Cách điều hành mập mờ này được giới truyền thông quốc tế gọi là dirty float (thả nổi mờ ám). Hậu quả đã thấy rõ, trong cơn khủng hoảng đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, đồng nhân dân tệ rớt giá không theo một quy luật nào và giới chức của họ liên tục đưa ra các cách giải thích tiền hậu bất nhất khiến đồng nhân dân tệ lại càng rơi vào vòng xoáy rớt giá thảm hại. Đến lúc này mới thấy hệ thống BBC tồn tại cốt chỉ để mang tính chiêu trò chứ nào phải thật tâm.
Tính toán tỷ giá trung tâm từ các cân đối kinh tế vĩ mô?
Đúng. Giá trị của đồng tiền trong dài hạn được quyết định bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản, đó là thu nhập quốc dân đầu người, lạm phát, thâm hụt mậu dịch và thâm hụt tài khóa. Trong khi các yếu tố nội tại của nền kinh tế đang xấu đi mà có cố làm cho giá trị đồng tiền mạnh lên thì cũng không thuyết phục được người dân từ bỏ đồng đô la để chuyển sang tiền đồng. Còn áp dụng chính sách lãi suất đô la âm và các biện pháp hành chính mạnh tay thì cũng chỉ là mới giảm nỗi đau ngắn hạn và cũng chỉ để kéo dài thêm nỗi đau dài hạn. Điều hành tỷ giá mỗi ngày cần thực tế chứ không phải duy ý chí và áp đặt quá nhiều các xảo thuật cốt để cho đồng tiền có giá.
Không. Điều thị trường quan tâm là điều hành tỷ giá mỗi ngày hướng về cung cầu của thị trường chứ không phải câu chuyện của giới hàn lâm bàn về giá trị thực của đồng tiền trong dài hạn. Nếu đưa thêm tiêu chí thứ ba là các cân đối kinh tế vĩ mô vào để xác định tỷ giá trung tâm thì đó là cách nói mang tính phòng thủ để đề phòng hai yếu tố đầu tiên diễn ra không đúng như kỳ vọng. Cách diễn đạt chính sách này càng làm cho thị trường bối rối nhiều hơn và ít mang lại lợi ích hơn so với cái giá phải trả là niềm tin của giới đầu tư vào uy tín của NHNN. Có thể ra tuyên bố bỏ tiêu chí thứ ba này đi. Thay vào đó, NHNN nên hướng đến việc liên tục truyền thông nhiều hơn để giải thích cho thị trường hiểu rõ mình [nên], [đã] làm gì để tỷ giá tương thích với các diễn biến trong nước và thế giới gần đây.
Cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực tỷ giá
Điều hành theo cơ chế tỷ giá mới là một dạng của chính sách tiền tệ tùy nghi phán đoán mà không tuân theo một quy tắc nhất định nào cả (discretionary monetary policy). Tỷ giá trung tâm mỗi ngày sẽ là một hàm số các ước đoán (giả thuyết là tốt nhất) của một nhóm người ở NHNN. Vấn đề là các phán đoán này vẫn đến từ suy nghĩ chủ quan của những con người cụ thể và chắc chắn có một lúc nào đó họ phạm phải sai lầm. Mô hình càng phức tạp, dựa vào ba yếu tố tham chiếu tính tỷ giá trung tâm giống như mô hình mà NHNN công bố, thì lỗi sẽ càng nặng. Tỷ giá ngày càng xa rời thực tế đến khi buộc phải điều chỉnh thì đã muộn và phải trả giá lớn.
Trong báo cáo mới nhất mà IMF công bố vào năm 2014, có khá nhiều quốc gia áp dụng cơ chế tỷ giá giống với Việt Nam. Họ đã đặt ra lạm phát mục tiêu như là một khuôn khổ của chính sách tiền tệ trung hạn. Đây là một ràng buộc để tránh những lạm dụng và tùy tiện trong quá trình cho tỷ giá lên xuống.
Chẳng hạn việc NHNN đặt ổn định tỷ giá để biện minh cho việc không thể giảm lãi suất sẽ không còn là cái cớ thích hợp trong cơ chế tỷ giá mới vào năm 2016. NHNN sẽ phải linh hoạt cân đối liều lượng đánh đổi giữa tỷ giá với lãi suất (và cung tiền) sao cho tương thích với mức độ mở cửa thị trường tài chính trong khuôn khổ bộ ba bất khả thi phù hợp với đích đến cuối cùng là lạm phát mục tiêu. Nếu không, hoặc phải thay đổi phương thức điều hành hoặc phải xem trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc nên nghiêm túc bàn về việc đưa NHNN trở thành một ngân hàng trung ương độc lập thì hơn.
Vào trang web của NHNN sẽ thấy ngay hàng chữ rất ấn tượng “Hoạt động của NHNN nhằm ổn định giá trị đồng tiền”. Vậy có lý nào mà không lấy lạm phát mục tiêu làm tiêu chuẩn đánh giá độ ổn định giá trị của đồng tiền.

Sự hữu dụng của tỷ giá BBC (basket band crawling)

Thứ nhất (Basket), Tất cả mọi thứ đều giống nhau giữa hệ thống cũ và mới ngoại trừ điểm khác biệt quan trọng nhất: đồng nội tệ sẽ thay đổi nhưng không hoàn toàn dựa trên cung cầu của đồng đô la mà cố tìm cách thoát khỏi tầm ảnh hưởng thống trị của đồng đô la để bò trườn tới rổ tiền tệ. Hệ thống BBC có ưu điểm nổi bật là giúp NHNN có cách giải thích thuyết phục với thị trường mỗi khi điều chỉnh tỷ giá để ứng phó với các cú sốc.

Chẳng hạn đồng đô la trên thị trường thế giới đang tăng rất mạnh thời gian gần đây từ sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, nhưng tỷ giá VND/USD trong nước vẫn tăng nhỏ giọt. Lý do là tỷ giá trung tâm còn tham chiếu đến bảy đồng tiền khác nữa chứ đâu chỉ có đô la. Hệ thống BBC sẽ khiến giới đầu cơ không biết đâu mà phán đoán vì nó lên xuống hàng ngày không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của đồng bạc xanh như trước đây.

Thứ hai (Band), với biên độ ±3% được phép xoay quanh tỷ giá trung tâm, một lần nữa lực của thị trường sẽ thẩm định lại tính chính xác của tỷ giá trung tâm. Động thái đặt biên độ ±3% này, nếu trong tương lai càng mở rộng ra, sẽ là tín hiệu mà NHNN hướng đến thị trường rằng cơ chế tỷ giá sẽ ngày càng tiến tới thả nổi mạnh mẽ nhiều hơn nữa. Muốn biết tỷ giá linh hoạt đến đâu chỉ cần nhìn vào dải băng rộng hay hẹp là thấy.

Thứ ba (Crawling), NHNN sẽ có lý do tăng tỷ giá dần dần theo thời gian hướng về mục tiêu xuất khẩu mà không cần phải bận tâm quá nhiều vào việc hiện tại đồng tiền định giá cao (hay thấp). Đây cũng có thể là lý lẽ mà Việt Nam dùng để bác bỏ lập luận của các nước trong các vụ kiện bán phá giá khi họ cho rằng chúng ta đã sử dụng tỷ giá như là một khoản trợ cấp hỗ trợ các công ty xuất khẩu. Lúc này lấy một rổ tiền tệ chứ không phải chỉ đồng đô la để làm luận cứ phản biện.

Theo TBKTSG

Tin bài liên quan:

VNTB – Viện Kiểm sát có quyền kiểm soát quyền lực?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – “Con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu”

Do Van Tien

Trắng tay vì nạn tham nhũng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo