Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2017-02-07
Mẹ con bà Trần Thị Thanh Loan tại tòa án Thị xã La Gi -Bình Thuận vào tháng 7/2016.
Sáng mùng bốn tết năm Đinh Dậu, trong khi mọi người xum họp quanh mâm cơm gia đình thì ngoài biển khơi một chiếc thuyền con chở người vượt biên đi tìm tự do lần thứ hai sau khi bị nước Úc trả về quê quán.
Họ là hai gia đình của các chị Trần Thị Thanh Loan và Trần Thị Lụa quyết định vượt biên một lần nữa sau khi bị tòa án tỉnh Bình Thuận truy tố về tội vượt biên trái phép mặc dù Việt Nam đã hứa với chính phủ Úc là sẽ không tuy tố nếu họ chấp nhận hồi hương.
Bị Úc trả về
Ngày 22 tháng 6 năm 2016 nước Úc đuổi ngược chiếc tàu thứ 28 ra biển, chiếc tàu này bị chặn trong vùng biển Timor và những người trên đó bị thanh lọc ngay trên biển và trả về Việt Nam vì không hội đủ điều kiện xin tị nạn chính trị.
Ngay sau đó Thủ tướng Malcolm Turnbull ngỏ lời cám ơn chính phủ Việt Nam đã hợp tác để nhận lại những người vượt biên. Đây là chiếc tàu thứ ba của Việt Nam bị chặn bắt trong 14 vòng tháng.
Trong hai lần trả về Việt Nam trước đây, mỗi lần 46 người hồi tháng Tư và tháng Bảy năm ngoái, có ít nhất 8 người đã bị tuyên án tù giam vì tội vượt biên trái phép.
Mùng Một tết thì chị Loan và chị Lụa còn gọi tôi chúc tết nhưng sáng ngày mùng Bốn thì họ nói là đang đi vượt biên từ Việt Nam qua Úc, đang ở địa phận của Indonesia.
– Luật sư Võ An Đôn
Và trong nhóm người bị tỉnh Bình Thuận tuyên án ấy sáng mùng Bốn tết năm Đinh Dậu lại tiếp tục vượt biên sang Úc một lần nữa như thử thách sự lạnh lùng của Úc và nhân thể tố cáo sự ngược đãi thuyển nhân hồi hương của chính phủ Việt Nam.
Luật sư Võ An Đôn người bảo vệ quyền lợi của nhóm ba gia đình bị truy tố kể lại câu chuyện của họ vào những ngày đầu năm mới:
Năm trước thì tòa án tỉnh Bình Thuận xử hai vụ vượt biên thì ba gia đình trong hai vụ đó là gia đình chị Trần Thị Thanh Loan, gia đình chị Trần Thị Lụa và gia đình chị Trần Thị Phúc. Trong ngày mùng Một tết thì chị Loan và chị Lụa còn gọi tôi chúc tết nhưng sáng ngày mùng Bốn thì tôi nghe điện thoại của chị Loan chị Lụa thì họ nói là đang đi vượt biên từ Việt Nam qua Úc, đang ở địa phận của Indonesia. Nói chuyện vài câu thì sau đó mất liên lạc. Chị Loan chị Lụa trình bày với tôi là cả ba gia đình đi trên một chiếc tàu còn số lượng bao nhiêu, có đàn ông hay không thì tôi không biết.
Và ra tòa
Báo chí Úc đưa tin về các vụ hồi hương người tỵ nạn Việt Nam trong đó ghi nhận thiện chí của chính phủ Hà Nội hứa hẹn rằng sẽ không truy tố, không bạc đãi họ và nhanh chóng giúp họ hòa nhập với cuộc sống bình thường. LS Võ An Đôn xác nhận điều này trong những gia đình mà ông bào chữa:
Anh Nguyễn Minh Quyết (hàng đầu, áo trắng) và chị Trần Thị Lụa tại tòa, ngày 1 tháng 9 năm 2016. Fie photo
Những người trong vụ án, bị can bị cáo là chị Loan chị Lụa đều trình bày rằng khi các chị bị trả về Việt Nam thì phía chính phủ Úc có hứa với người bị trả về là khi các bạn về nước sẽ không bị truy tố, sẽ được đối xử bình thường như các công dân khác và con em của các chị ấy sẽ được đến trường ví chính phủ Việt Nam đã cam kết với họ như thế rồi. Nhưng khi về đến Việt Nam thì chính phủ khởi tố họ thì không đúng với cam kết mà họ đã đưa ra.
Ông Nguyễn Thế Phong Phó Chủ tịch Nội vụ Cộng đồng toàn nước Úc khi nghe tin những gia đình này vượt biên trở lại Úc một lần nữa đã đưa ra nhận xét:
Trước nhất họ phải tới được nước Úc đã bởi vì vấn đề bây giờ biên phòng của Úc rất là nghiêm ngặt chưa chắc họ được đưa vào Úc mà họ sẽ bị đẩy trở ra. Chính sách của nước Úc bây giờ là đẩy tàu ra biển trở lại thành ra nếu họ vào được trại tạm giam, họ bị tạm giam thì mình có thể help (giúp) được vì ít nhất thì họ có bằng chứng là đang bị bách hại, lần trước họ không có bằng chứng đó. Không chỉ là theo luật di trú theo đúng tiêu chuẩn Liên hiệp quốc là nếu “you been prosecuted và you bear for your life” thì bây giờ họ bị lệnh truy nã và ra tòa buộc tội này nọ thì tôi nghĩ là họ đã có “ground” for refugee claim, lý do chính đáng để tỵ nạn, lúc trước thì họ không có lý do đó.
Khi các chị bị trả về Việt Nam thì phía chính phủ Úc có hứa với người bị trả về là khi các bạn về nước sẽ không bị truy tố, sẽ được đối xử bình thường như các công dân khác.
– LS Võ An Đôn
Nếu họ vô và được Úc giữ lại và mình biết trước như vậy thì cũng có ích lắm nhưng không biết họ có tới được hay không, họ có bị đẩy về vì nếu họ đi với những người khác nữa thì chính phủ Úc họ không quan tâm họ sẽ đẩy ra thôi vì họ không chấp nhận hình thức tới bằng tàu. Cho đến giờ phút này họ đang trên đường đi thì hải quân của Úc có làm gì đi nữa thì mình cũng không có thẩm quyền.
Nhiều tổ chức theo dõi Nhân quyền thế giới đã không ít lần kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với những thuyền nhân bị Úc trả về vì Hà Nội đã cam kết không trừng phạt các thuyền nhân hồi hương.
Tình cảnh của những gia đình này cho đến hôm nay vẫn không biết họ đang trôi dạt về đâu và số phận sắp tới của họ sẽ như thế nào. Nước Úc sẽ trả lời với thế giới ra sao trong trường hợp rất đặc biệt này bởi vì nếu Úc lựa chọn chính sách cứng rắn thì sẽ bị ch là vi phạm nhân quyền còn ngược lại nếu nhận trở lại những con người cứng cỏi bất hạnh kia thì Việt Nam sẽ có câu trả lời nào cho người dân lẫn chính phủ Úc?