Lê Ngược Nắng
(VNTB) – Khi bộ phim khép lại giống như ‘Thần Chết’ bị ám ảnh bởi con người, tôi bàng hoàng đến thẫn thờ – sao nó giống xã hội nước tôi quá đỗi dù biết rằng nếu đem ra “cân đong đo đếm” thì thật khập khiễng.
Kẻ Trộm Sách
“Một thực tế nhỏ, bạn sẽ chết. Cho dù có làm gì bạn cũng không thể thoát khỏi cái chết. Rất tiếc bởi sự thật phũ phàng này. Lời khuyên của tôi, khi thời điểm đến đừng hoảng sợ…”.
“Tôi đã thấy rất nhiều thứ. Tôi đã có mặt ở rất nhiều cuộc chiến trên thế giới và làm việc cho những tên ác độc nhất. Và tôi thấy những điều kỳ diệu. Nhưng nó cũng như những gì tôi nói. Không ai sống mãi cả. Cuối cùng tôi cũng đến đón Liesel. Tôi đã rất ích kỷ để tìm hiểu rằng cô ấy sống 90 năm qua rất thông minh. Đến lúc đó câu chuyện của cô đã làm hàng triệu trái tim mê mẩn. Một vài người trong số đó tôi đã gặp qua. Max, tình bạn gần như vĩnh cửu với Liese, gần như vậy. Trong suy nghĩ cuối cùng của cô ấy, cô thấy một danh sách dài những điều gắn bó với mình. Ba đứa con, cháu, chồng. Trong số đó ánh sáng như những chiếc đèn lồng là Hans, Rosa, em trai và cậu bé có mái tóc vàng chanh. Tối muốn nói với kẻ trộm sách này, cô ấy là một trong số ít những linh hồn khiến tôi tò mò cuộc sống như thế nào. Nhưng cuối cùng, không gì cả. Chỉ còn lại sự bình yên. Sự thật duy nhất tôi được biết là tôi bị ám ảnh bởi con người”.
Dẫn trên là hai đoạn độc thoại, một mở đầu và một kết thúc của ‘Thần Chết’ – người dẫn chuyện trong bộ phim cùng tên được dàn dựng bởi đạo diễn Brian Percival từ tác phẩm văn học kinh điển ‘Kẻ Trộm Sách’ của tác giả Markus Zusak.
Tôi xem bộ phim, nhập theo từng trường đoạn, khi nở nụ cười hồn nhiên, trong sáng như những đứa trẻ trong phim, lúc xúc động không kìm được dòng nước mắt tuôn chảy , tôi cứ mặc để cho nó chảy. Và khi bộ phim khép lại giống như ‘Thần Chết’ bị ám ảnh bởi con người, tôi còn hơn thế nữa, bàng hoàng, bàng hoàng đến thẫn thờ – sao nó giống xã hội nước tôi quá đỗi dù biết rằng nếu đem ra “cân đong đo đếm” thì thật khập khiễng. Chỉ xin đôi lời về một số khía cạnh mà thôi!.
Bối cảnh bộ phim xảy ra bắt đầu từ năm 1938 ở nước Đức cho tới khi đế chế phát xít Hitler sụp đổ (cuộc đời về sau của nhân vật chính Liesel lúc này còn nhỏ không thể hiện lên phim). Bộ phim không đi sâu mô tả chiến tranh đẫm máu, giết chóc man rợ. Ngược lại có phần nhẹ nhàng, chủ yếu xoay quanh khu phố nghèo, khu phố Thiên Đường nhưng cuối cùng cũng bị tàn phá bởi bom đạn và những cái chết oan uổng của con người nơi đây. Chỉ thêm vài cảnh bắt bớ đi lính trận, bắt đánh đập người Do Thái vô tội… Hitler chỉ một lần xuất hiện trên màn hình chiếu trong một buổi lễ chứ ông ta không tham dự và một lần nữa qua lời mô tả đùa vui của Liesel với anh chàng Max, người Do Thái được cha mẹ nuôi của Liesel cưu mang che giấu dưới tầng hầm. Ấy vậy mà vẫn cho cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh, phải rùng mình với sự dã man của chế độ đầy đủ binh lực, quyền hành và vũ khí trong tay. Bởi vậy phải thông cảm cho sự sống trong sợ hãi của thường dân, khát khao mãnh liệt nhất của con người được sinh ra là để sống. Những điều đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao run sợ, im lặng dưới những chế độ độc tài, chế độ sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào cho dù hèn hạ nhất. Nhưng dù vậy, không là tất cả, vẫn còn đó những con người vượt lên sợ hãi, những con người bé nhỏ cả thể xác lẫn quyền lực, họ chỉ có quyền làm người, dám phản kháng lại cả một hệ thống, thật là khâm phục họ.
Sức mạnh của ngôn từ
Một điều không thể không nhắc tới là ngôn từ. Sức mạnh của ngôn từ như vô biên. Ngôn từ đưa Hiler lên đỉnh cao quyền lực rồi gần thống trị thế giới thì chính sự sử dụng thông minh ngôn từ đã cứu cô bé Liesel thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Hình ảnh đam mê sách của cô bé, lượm sách chưa cháy hết trong đống sách bị đốt đến cả trộm sách mà cô bé cho là chỉ mượn, từ một cô bé mù chữ, hướng dẫn bập bẹ của cha nuôi, khuyến khích của người bạn Max cô bé đã tìm được điều đẹp đẽ trong những trang sách này và viết tiếp những điều tốt đẹp đã nói lên tất cả. Sách, ngôn từ không chỉ giải thoát riêng mình cô bé mà còn mang lại bình yên cho những người xung quanh mình mà cô bé yêu mến.
Sự bàng hoàng đến thẫn thờ từ bộ phim là chưa hết, tôi còn mang thêm một nỗi nặng trĩu. Ký ức trỗi dậy, những thước phim chiếu chậm hiện ra rõ mồm một trước mặt. Sách báo, tạp chí… không cần ai liếc mắt đó là gì, bất kể chỉ biết quy là những “tàn dư văn hóa phẩm Mỹ – Ngụy” bị chất thành đống không khác trong phim làm mồi cho ngọn lửa, không mảy may thương tiếc, ngọn lửa “ngông cuồng” đốt trụi thành tro tàn. Rồi những cảnh bắt bớ cũng chẳng khác mấy trong phim diễn ra trong thời không tiếng súng. Bắt học tập cải tạo, bắt cải tạo tư sản, bắt đi kinh tế mới, bắt người vượt biên… Bắt bớ kéo dài cho tới ngày nay với những người bất đồng chính kiến, những người dân oan… Những người vô tội bị biến thành có tội với những gán ghép mơ hồ cùng những thủ đoạn…
Và một sự thật hiển nhiên dù có thế nào đi nữa cũng không thể dập tắt được sự phản kháng chính nghĩa, sự phản kháng tất cả là cho tự do. Tôi khâm phục những người trong phim bao nhiêu thì cũng khâm phục những người phản kháng ấy bấy nhiêu. Những con người chỉ có mỗi ngôn từ làm “vũ khí” duy nhất cùng với ý chí mãnh liệt của mình.
CHẾT
CHẾT, xét về cá nhân con người ai cũng phải chết. Nhưng những con người có tâm hồn đẹp sẽ có cái chết đẹp. Tâm hồn họ sẽ ghi dấu cho cuộc sống tiếp diễn.
Ngôn từ đẹp không bao giờ chết.
Với tôi đó là hai điều kỳ diệu nhất trong số điều kỳ diệu mà ‘Thần Chết’ đã thấy đã chỉ.
CHẾT, thể chế độc tài sẽ chết. Một cái chết trong thân tàn ma dại và không bao giờ được hóa kiếp trở lại. Ngôn từ là nấm mồ vùi chôn vĩnh viễn nó.
Đó là THÔNG ĐIỆP, thông điệp giải thoát U MÊ!