Người Việt
Hà Giang/Người Việt
Với những ai quan tâm đến tranh chấp Biển Đông, Hội Nghị Biển Đông được Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS) tổ chức hàng năm tại Hoa Thịnh Đốn là một sự kiện quan trọng.
Một tuần trước ngày khai mạc Hội Nghị Biển Đông của CSIS năm nay, được tổ chức vào ngày 18 tháng Bảy, giáo sư Carl Thayer, một diễn giả thường xuyên có mặt tại hội nghị, post lên trang Facebook của mình tấm hình chụp ở hội nghị năm 2016. Đi kèm hình là dòng chú thích thoáng chút ngậm ngùi:
“Hình này chụp lúc tôi nói chuyện tại buổi Hội Thảo Biển Đông ở CSIS tại Hoa Thịnh Đốn. Tôi không được mời năm nay bởi Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, nhà tài trợ của họ, không muốn mời những diễn giả từng nói chuyện ở các hội nghị trước đây vì cần phải có sự ‘đa dạng’. Năm ngoái tôi cũng không được mời đến cuộc hội nghị Biển Đông ở Nha Trang do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam tổ chức với lý do ‘viện dẫn’ là vì nhu cầu tương tự. Sở dĩ tôi dùng chữ “viện dẫn” là vì đã có những lý do trái ngược nhau để giải thích việc tôi không được mời.”
Không được mời diễn thuyết
Trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt, giáo sư Carl Thayer (chuyên gia nghiên cứu về Châu Á và Biển Đông, từ năm 2010 đến nay đã có hơn 85 bài diễn thuyết khắp nơi trên thế giới về đề tài tranh chấp Biển Đông), cho biết một số thân hữu của ông tại Bộ Ngoại Giao Việt Nam không hài lòng về việc ông không được mời tham dự hội nghị, đã đặt vấn đề, và được cung cấp “những lời giải thích khác nhau”. Ông kể:
“Họ đưa ra một lý do mơ hồ là năm nay không mời người Úc nào cả, hay tôi sẽ không được mời với tư cách một người Úc [GS Carl Thayer là người Mỹ sinh sống ở Úc – NV]. Cũng có giải thích là tôi đã làm phật lòng một giới chức cao cấp vì một lý do nào không rõ. Tôi đoán có lẽ là vì bài diễn văn của tôi về ‘Vấn Đề Biển Đông và Nhân Quyền tại Việt Nam’ trong buổi hội thảo của Cộng Đồng Người Việt tại Úc, vào tháng Sáu năm 2016. Dĩ nhiên cũng có thêm lý do nữa là vì tôi phê phán Trung Quốc rất nặng nề, và như thế, được xem như là phe nhà của Việt Nam rồi, nên họ muốn dành tiền để mời thêm những học giả khác vào quỹ đạo của họ.”
Giả thuyết của giáo sư Carl Thayer là ông không được Hà Nội (phe nắm hầu bao ban tổ chức Hội Nghị Biển Đông của CSIS) mời diễn thuyết về đề tài mà ông rất am tường, chỉ vì đã đụng chạm đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam, có lý chút nào không?
Có ít nhất là một người đồng ý với suy nghĩ này của ông, rằng nhà cầm quyền Hà Nội không thích vấn đề vi phạm nhân quyền của họ bị nhắc đến.
Bàn tay dấu kín của Hà Nội
Ký giả Greg Rushford, một phóng viên điều tra kỳ cựu ở vùng Hoa Thịnh Đốn, trong bản tường trình “How Hanoi’s Hidden Hand Helps Shape a Think Tank’s Agenda in Washington” (Bàn tay dấu kín của Hà Nội ảnh hưởng đến nghị trình của một viên nghiên cứu ở Hoa Thịnh Đốn như thế nào?), phổ biến ngày 11 tháng Bảy, 2016, đưa ra nhận xét của ông về sự thiếu minh bạch của CSIS về nguồn tài trợ của tổ chức cũng như sự xung đột quyền lợi đến từ nguồn tài trợ.
Mở đầu bản tường trình, ký giả Rushford viết: “Thứ Ba ngày 18 tháng Bảy tới đây là một ngày trọng đại của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS), một trong những viện nghiên cứu uy tín hàng đầu của Hoa Thịnh Đốn trong hơn nửa thế kỷ qua. Hội nghị hàng năm lần thứ bảy về Biển Đông của CSIS, như lần đầu tiên năm 2011, sẽ lại một lần nữa lưu ý dư luận về thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.”
“Các diễn giả từng được cơ quan an ninh quốc gia của Hoa Kỳ chứng nhận là lý lịch ‘ổn’, sẽ được vời đến từ Singapore, Việt Nam, Philippines và các nơi khác ở Châu Á. Họ sẽ sát cánh với các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ, từ những tổ chức uy tín như Trường Cao Đẳng Hải Quân Hoa Kỳ và Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Tranh Hải Quân. Thượng nghị sĩ Cory Gardner, một đảng viên đảng Cộng Hòa từ Colorado, người điều phối nhóm thảo luận về Châu Á của Ủy ban Đối ngoại, sẽ khai mạc hội nghị bằng bài diễn văn về ‘Tiếp nối vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Châu Á – Thái Bình Dương’”.
Ông nêu vấn đề: “Vậy ai đã là người rộng rãi tài trợ cho các cuộc hội nghị nhằm khuyến khích tầm quan trọng của việc tiếp tục vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Á châu?”
Và ông tiết lộ: “Chủ tịch kiêm tổng giám đốc của CSIS, ông John Hamre, đã tránh né câu hỏi này trong suốt sáu năm qua. Chẳng hạn, vào tháng Bảy năm ngoái, CSIS công bố rằng Hội Thảo Biển Đông kỳ thứ Sáu đã’được thực hiện với sự hỗ trợ chung cho CSIS’. Công bố này không chỉ quá mơ hồ chẳng nói rõ được điều gì, mà còn là một sự ‘bóp méo sự thật’ một cách trắng trợn, theo một nguồn tin muốn được giữ kín. Để chứng minh điều mình nói, nguồn tin này đã cung cấp cho tôi [Greg Rushford – NV] tài liệu mật của nội bộ CSIS, cho biết chính xác tiền đến từ đâu.”
Ký giả Greg Rushford khẳng định: “Những bản ghi nhớ, email và nhiều tài liệu khác cho thấy tổng giám đốc CSIS, ông John Hamre đã có một ‘thiên thần’ bí mật ở Hà Nội. Và ‘thiên thần’ này có tiếng nói quan trọng trong việc ai được mời và ai không được mời đến tham dự các hội nghị hàng hải hàng năm của CSIS. Nhà hảo tâm bí mật của CSIS là một đơn vị của Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Theo trang web chính thức, đơn vị này có tên là Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, làm việc trực tiếp với Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Phạm Bình Minh, hiện là Phó thủ tướng Việt Nam, là thành viên cao cấp của Đảng, nắm chức bộ trưởng ngoại giao từ năm 2011.”
Ký giả Greg Rushford cho biết “Kể từ năm 2012, chính phủ Việt Nam đã tặng cho CSIS hơn $450,000 Mỹ kim để tổ chức các hội nghị Biển Đông hàng năm. Tổng Giám Đốc John Hamre nhất quyết từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến việc này, được liên tục gửi đến.”
Không những vị lãnh đạo cao cấp nhất của CSIS không trả lời báo chí, trong đó có tờ New York Times, về nguồn tài trợ, mà website của CSIS, vẫn theo ông Greg Rushford, cũng rất mơ hồ về điểm này. Đâu đó trên website của CSIS ghi rằng Học Viện Ngoại Giao Việt Nam (the Diplomatic Academy of Vietnam – DAV) có tặng cho CSIS “trên $5,000 nhưng dưới $99,000 đô la”, nhưng không hề giải thích Học Viện Ngoại Giao Việt Nam chính là một đơn vị của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, mà cũng không giải thích là món tiền được tặng sẽ được dùng vào việc gì.
Ngoài việc CSIS không nói rõ nguồn tiền tài trợ, phóng sự điều tra của Greg Rushford còn vạch ra là có một số xung đột quyền lợi khi ông Murray Hiebert, một cố vấn tối cao của CSIS từng làm ăn ở Việt Nam.
Xung đột quyền lợi hay sai lầm đạo đức?
Đơn cử một thí dụ về xung đột quyền lợi, phóng viên Greg Rushford viết: “Vào năm 2015, ông Murray Hiebert từng bị chỉ trích vì ông nhất định từ chối không đưa ra những phân tích có tính cách chỉ trích việc đàn áp nhân quyền của Việt Nam. Ông Hiebert cũng từng ra lệnh cho nhân viên an ninh lôi một nhà đấu tranh đòi nhân quyền cho Việt Nam người Mỹ gốc Việt ra khỏi khuôn viên của CSIS, sau khi bị giới chức của Hà Nội áp lực phải làm như thế.
Trong phần cuối phóng sự điều tra khá dài, ký giả Greg Rushford viết: “Độc giả sẽ tự rút ra kết luận về những gì Hà Nội đã đạt được khi tài trợ cho CSIS. Trong những năm được đề cập trong bài viết này, chương trình nghị sự về Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn có những phần chính. Hà Nội muốn tạo ra một bầu không khí trao đổi ý kiến để thúc đẩy quan hệ ngoại giao và an ninh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Các nhà phân tích của CSIS cũng muốn điều đó. Hà Nội muốn Tổng thống Barack Obama tới thăm Việt Nam, để giúp quan hệ đôi bên thắt chặt thêm, CSIS cũng ủng hộ chuyến đi đó. Hà Nội muốn Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí nguy hiểm cho chế độ cộng sản. Các nhà phân tích của CSIS cũng chia sẻ quan điểm ấy. Và Việt Nam muốn có sự hỗ trợ của Mỹ đối với hợp đồng thương mại Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. CSIS cũng cổ vũ điều đó. Dĩ nhiên lãnh đạo của CSIS có thể lập luận rằng việc thúc đẩy một quan hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Việt Nam cũng là điều hợp lý.”
Vấn đề nằm ở chỗ, Greg Rushford vạch ra: “Nhưng trên tất cả mọi thứ khác, nhà cầm quyền Việt Nam muốn giới trí thức ưu tú có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại ở Hoa Thịnh Đốn ngoảnh mặt lờ đi các vụ vi phạm nhân quyền ở Hà Nội. Đảng Cộng Sản hiểu rằng sự sống còn của nó phụ thuộc vào việc tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến ôn hòa. Và như tôi đã tường trình trước đây về cách Hà Nội mua ảnh hưởng và chuyến đi Việt Nam lịch sử của Tổng Thống Obama, những lãnh đạo của CSIS đã cẩn thận để không làm phật lòng giới chức cao cấp Hà Nội, khi có những câu hỏi về tình hình tù nhân chính trị tại Việt Nam.”
“Từ chối không lên tiếng trước việc những công dân can đảm Việt Nam bị bắt giam chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận, một quyền tự do phổ quát của con người, chắc chắn là một sai lầm đạo đức,” ông Rushford kết luận.
Trước tình trạng CSIS, viện nghiên cứu uy tín hàng đầu nước Mỹ bị vạch ra là đã nhận tiền để làm ngơ về vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, mà giáo sư Carl Thayer lại ngang nhiên diễn thuyết về điều này, thì giả thuyết vì thế mà ông không được mời diễn thuyết năm nay là điều có thể tin được.
Trả lời câu hỏi cảm tưởng của mình trước việc không được mời đến tham dự hội nghị về một đề tài ông rất am tường, Giáo Sư Carl Thayer phát biểu: “Tôi không rõ Việt Nam sẽ được gì, nhưng tôi thì đã mất niềm tin vào cả CSIS lẫn Học Viện Ngoại Giao Việt Nam.”
Tiền bạc rõ ràng đã mua được nhiều thứ. Trong trường hợp này, nó mua được sư im lặng trước những điều mà con người bình thường nào cũng thấy bất nhẫn.
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com