Việt Nam Thời Báo

Chiến dịch đàn áp dân chủ ở Việt Nam kéo dài bao lâu?

Phạm Chí Dũng

Hình ảnh anh Trương Minh Đức bị đánh ngày 2 tháng 11, 2014
Hình ảnh anh Trương Minh Đức bị đánh ngày 2 tháng 11, 2014


Thời gian đang như lặp lại vòng xoáy trấn áp cuồng bạo của nhà cầm quyền Việt Nam đối với phong trào dân chủ tại quốc gia “chẳng còn gì để mất” này. 
Đợt trấn áp mới nhất khởi động từ đầu Tháng Mười Một có thể được xem là hình ảnh tái hiện phần nào của chiến dịch đàn áp giáo xứ Mỹ Yên ở Nghệ An vào Tháng Chín, 2013. Trước chiến dịch Mỹ Yên, có hai sự kiện thật trái ngược là lần đầu tiên nguyên thủ Việt Nam Trương Tấn Sang bước chân qua ngưỡng cửa Tòa Bạch Ốc vào Tháng Bảy, 2013, dẫn đến sự kiện nối tiếp là Hà Nội bắt buộc phải trả tự do ngay tại tòa cho một nữ phạm nhân chính trị là Phương Uyên.
Kịch bản lập lại
Một trùng hợp không thể bỏ qua là nửa sau của năm 2014 cũng được bắt đầu bằng những hình bóng chập chờn của mối quan hệ Việt-Mỹ được xem là tái lập vào nửa sau năm ngoái. Sau hàng loạt chuyến công du Việt Nam của hai thượng nghị sĩ John McCain và Sheldon Whitehouse, cùng Tướng Martin Dempsey, tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, rốt cuộc nhà cầm quyền Hà Nội đã chịu thả một nhân vật tiếng tăm nhất và cũng mang tính thách thức nhất đối với họ: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.

Tuy nhiên từ đầu Tháng Mười Một, một đợt trấn áp cần được mô tả mang tầm cỡ chiến dịch đã được phát động bởi nhiều cơ quan công an địa phương như Hà Nội, Sài Gòn, Lâm Đồng, Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hòa… Những cựu tù nhân lương tâm và nhà báo tự do như Phạm Bá Hải, Trương Minh Đức bị đánh đập vô cớ và hết sức dã man. Một số tu sĩ như Lê Văn Sóc (Phật Giáo Hòa Hảo), Nguyễn Hồng Quang (Tin Lành) cũng hoặc bị sách nhiễu hoặc bị vây hãm nơi nhà nguyện. Trong khi đó, gia đình Điếu Cày và một số nhân vật tranh đấu dân chủ khác đều bị rào chắn một cách quá ư không cần thiết bởi lực lượng sắc phục và không sắc phục hung hãn khác thường.

Thậm chí đến ngày 5 Tháng Mười Một, ngay cả ông Emmanuel Ly-Batallan, người vừa chân ướt chân ráo đến nhậm chức tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn chưa đầy một tháng, đã bị hành hung bởi những người bị nghi chính là công an ở thành phố này, bất chấp tư cách bất khả xâm phạm của giới ngoại giao nước ngoài.

Mọi chuyện dường như đang trở lại bóng ma “hồi tố” một cách bạo lực và thiếu kềm chế. Và kịch bản vừa ngẫu nhiên vừa rắp tâm là chuỗi sự kiện biến động của nửa cuối năm nay lại khá ứng với nửa cuối năm ngoái.

Chỉ có một chi tiết khác biệt cơ bản là năm ngoái đã không hề xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.

Thế nhưng những chuyến công du Trung Quốc của phái đoàn lên tới 13 tướng lĩnh cao cấp do chính Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu, và tiếp nối là chuyến đi của Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang về “hợp tác phòng chống tội phạm” vào Tháng Mười, rốt cuộc đã dẫn đến hành động của chính quyền Việt Nam được coi là không rút ra được bài học gì từ lịch sử cay đắng với người bạn láng giềng phương Bắc.

“Đánh người do yêu cầu của Trung Quốc”
Một Trung Quốc lo xa và xấu tính luôn tìm cách cân bằng tương quan ảnh hưởng đối với Hà Nội vào bất cứ thời điểm nào họ lo ngại người Mỹ quay trở lại Việt Nam. Chỉ trong vòng bốn tháng, Ủy Viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã “Nam triều” đến hai lần. Chuyến thị sát gần nhất diễn ra ngay sau cuộc làm việc tại Hà Nội của ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động.

Khó có gì dễ hiểu hơn khi ngay sau khi ông Dương Khiết Trì hoàn tất sứ mệnh “Nam chinh,” một cuộc trấn áp mới đã lập tức lộ diện ở Việt Nam. Lại một lần nữa, người Việt đày đọa người Việt theo nguồn cơn mà không ít dư luận nói thẳng là Hà Nội làm theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Nhưng không chỉ có thế, đến lúc này tâm lý cay cú dường như tràn ngập trong giới công an Việt Nam. Có lẽ việc phải thả Điếu Cày đã biến thành một ám ảnh sĩ diện quá tải đối với họ, khiến họ không thể nguôi ngoai nếu không tiến hành một số hành động răn đe tối thiểu nhắm vào giới đấu tranh dân chủ trong nước.

Cuối cùng, nhưng có lẽ chưa phải là tất cả, Hà Nội nhận ra dù từ đầu năm 2014 đến nay họ đã “khoan hồng” đến 12 tù nhân chính trị, nhưng cho đến giờ TPP vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Tâm lý bực tức và muốn trả đũa trong trường hợp này là hoàn toàn có thể “thông cảm” được. Nhất là khi trong não trạng sâu hiểm, Bắc Kinh chỉ muốn ngành công an Việt Nam hành xử càng thô bạo càng tốt để cộng đồng dân chủ thế giới phải giận dữ và phản ứng đến mức chấm dứt luôn triển vọng TPP cho Việt Nam.

Và hình như ngành công an Việt Nam, vô tình hay hữu ý, đang làm đúng như thế.

Khi một cựu tù nhân lương tâm ôn hòa như Phạm Bá Hải bị bắt giữ và bị đánh đập trên đường anh đi thăm các cựu tù nhân lương tâm khác, có thể hiểu là một chiến dịch đã được sắp sẵn nhằm răn đe những người có tư tưởng bất đồng.

Chỉ có điều, không phải nhân viên an ninh nào vào lúc thượng cẳng chân hạ cẳng tay cũng đều hiểu ra bản chất “đánh người do yêu cầu của Trung Quốc,” chứ chẳng hẳn từ một mối quan tâm “bảo vệ an ninh quốc gia” nào từ cấp trên của họ.

3-4 tuần?
Rõ ràng chuyến công du của ông Dương Khiết Trì đã có tác dụng, tuy không mãnh liệt như thời vàng son giữa hai nước môi hở răng lạnh, nhưng cũng phần nào tém dẹp được sự bùng nổ chực chờ trong giới dân chủ Việt Nam.

Để ngay sau đó, người ta nhận được tin tức hoãn chuyến công du Việt Nam của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel. Nếu không phải vì một lý do đủ nghe được, rất nhiều người sẽ cho rằng Hoa Kỳ không hề bằng lòng với thái độ quay ngoắt của những người đang được xem xét quy chế TPP và cả triển vọng cho “đối tác chiến lược” với người Mỹ.

Sự thất vọng của Hà Nội đang mau chóng chuyển từ siêu hình và ẩn giấu sang hữu hình và thực dụng. Theo thông lệ và thói quen lâu ngày của một đứa bé tham ăn và xấu bụng, họ quay lại trả đũa những công dân đã kéo chân họ trong vấn đề đối ngoại và cả đối nội.

Tuy nhiên, bài toán đối ngoại và đối nội trên vẫn chưa hề kết thúc. Kịch bản lịch sử có thể một lần nữa tái hiện. Sau vụ đàn áp công giáo ở Mỹ Yên vào Tháng Chín, 2013 và một số vụ trấn áp khác kéo dài khoảng ba tuần, sự thể lạ lùng là đến Tháng Mười Một năm ấy, Việt Nam lại được chấp nhận vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc với tỷ lệ phiếu thuận lên đến 98%. Sau đó một tháng, họ tiếp đón Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry ở Hà Nội với nụ cười tươi rói của cả hai bên.

Còn năm nay, ẩn số đang giấu mình. Chưa có gì phủ nhận chính sách tiếp tục đu dây của Hà Nội sẽ khác đi, và do đó giới chính khách Việt Nam vẫn tiềm ẩn hy vọng sẽ được nhận nhiều hơn từ nước Mỹ trong khi không phải cho lại bao nhiêu. Những chuyến ngoại giao con thoi giữa hai nước, như đã hình thành vào Tháng Bảy và Tháng Tám năm nay, cũng có thể bất ngờ song hành vào cuối năm hoặc đầu năm 2015, cùng những nụ cười tươi như hoa.
Đặc biệt, nếu ông John McCain, vị thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đang ở thế thượng phong trong Quốc Hội Hoa Kỳ, và là người rất có thể nắm chức chủ tịch Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện, trở lại thăm “chiến trường” Việt Nam trong không bao lâu nữa.

Nếu đúng như vậy, chiến dịch đàn áp dân chủ hiện thời sẽ kéo dài lâu nhất là 3-4 tuần, tức có thể sẽ chấm dứt vào cuối Tháng Mười Một.

Còn nếu không phải như vậy, bang giao Việt-Mỹ sẽ có nguy cơ trở về thời kỳ trước giữa năm 2013.

Người Việt

Tin bài liên quan:

“Human Rights Watch đã mất kiên nhẫn với chính quyền Việt Nam” *

Phan Thanh Hung

Đơn tố cáo Giám thị Trại B14 – Bộ Công an của Luật sư Hà Huy Sơn

Phan Thanh Hung

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam công bố kết quả Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2014

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo