Việt Nam Thời Báo

Chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông là gì?

BBC

Trung Quốc tăng cường năng lực hải quânImage copyrightCHINA DAILY
Image captionTrung Quốc tăng cường năng lực hải quân
Tổ chức nghiên cứu địa chính trị toàn cầu Stratfor phân tích chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông sau các diễn biến mới nhất như cải tạo Đá Lát.
Startfor cho rằng Hà Nội đang ngấm ngầm tăng cường năng lực quốc phòng thông qua việc đẩy mạnh xây dựng cải tạo đảo ở Trường Sa cũng như tiếp tục phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Ấn Độ.
Nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể bị một số nước láng giềng cản trở. Philippines và Malaysia dường như đã ngả theo áp lực của Trung Quốc để chuyển sang đàm phán song phương trực tiếp với nước này thay vì đưa chủ đề Biển Đông ra các bàn đàm phán quốc tế đa phương.
Hà Nội đang tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác để tránh đối đầu với Bắc Kinh thế nhưng theo Stratfor, nếu cứ tiếp tục giữ lập trường của mình về các vấn đề biển đảo, Việt Nam có thể sẽ bị Trung Quốc đối xử cứng rắn và buộc phải theo chân các nước láng giềng, chịu ngồi vào bàn đàm phán song phương.

Tăng gấp đôi nỗ lực

Lâu nay Việt Nam đã thực hiện việc xây dựng, cải tạo các đảo mà Việt Nam kiểm soát. Các đảo như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây hay Sinh Tồn là nơi Việt Nam đã có quân đội đồn trú. Các nỗ lực này trong những năm gần đây được tăng mạnh.
Hình ảnh so sánh cho thấy quy mô cải tạo đảo Trường Sa Lớn của Việt NamImage copyrightCSIS/AMTI
Image captionHình ảnh so sánh cho thấy quy mô cải tạo đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam
Trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã cơi nới thêm 50 hectare ở Trường Sa cho dù có kêu gọi của các bên dừng ngay việc cải tạo này để tránh gia tăng căng thẳng.
Theo hình chụp từ vệ tinh, Việt Nam đã nối dài gấp đôi đường băng trên đảo Trường Sa Lớn từ 600 mét lên 1.200 mét, dựng thêm hai kho chứa máy bay trên con số hai kho đã có từ trước. Khi xong các công trình này, đa số chiến đấu cơ của không quân Việt Nam có thể đáp xuống đảo.
Theo nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Hà Nội có thể sẽ điều tới đây máy bay do thám biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295.
Mới nhất, không ảnh vệ tinh cho thấy Hà Nội đang cho nạo vét cải tạo Đá Lát cũng thuộc quần đảo Trường Sa.
Trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Lớn có lẽ mang tính chiến lược quan trọng nhất.
Đây là đảo lớn, đối với Việt Nam đóng vai trò tiền tiêu giống như đảo Thị Tứ đối với Philippines hay đảo Thái Bình (Ba Bình) với Đài Loan.
Trường Sa Lớn nằm trên rìa phía Tây của đường chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra để chiếm trọn Biển Đông. Bởi vậy nếu Việt Nam giữ được chủ quyền ở đảo này, đó sẽ là thách thức cho chủ quyền của cả đường chín đoạn.
Stratfor cho rằng vì vậy, Việt Nam sẽ chú trọng tăng cường năng lực phòng thủ ở Trường Sa Lớn như một ưu tiên hàng đầu.

Trung Quốc phản ứng thế nào?

Tổ chức này đánh giá rằng thời gian hiện nay tình hình tranh chấp Biển Đông dường như đang yên ả, một phần vì Malaysia và Philippines đã ngả theo áp lực của Trung Quốc để tránh đối đầu và tranh thủ hỗ trợ.
Tàu Coconut Princess của Trung Quốc đưa khách ra Hoàng SaImage copyrightXINHUA
Image captionTàu Coconut Princess của Trung Quốc đưa khách ra Hoàng Sa
Trung Quốc một mặt gây áp lực với các nước trong khu vực, mặt khác hiện đại hóa quân đội, xây dựng cải tạo đảo của mình và phát triển công nghệ khoan sâu dưới biển.
Stratfor nói sau phán quyết bất lợi của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc dường như từ bỏ thái độ hung hăng đe dọa mà chuyển sang cách tiếp cận mềm dẻo hơn: sử dụng ‘mồi nhử’ kinh tế và ngoại giao, kêu gọi hợp tác với một số nước trong khu vực trong khi giữ nguyên áp lực lên một số nước “cứng đầu” khác.
Việt Nam được cho là trường hợp ngoại lệ, không giống như Philippines hay Malaysia đã phải ngả theo áp lực của Trung Quốc.
Bắc Kinh xem việc Việt Nam cải tạo đảo là “khiêu khích”, nhưng không có cơ sở luật pháp hay chưa muốn sử dụng biện pháp quân sự để đối phó với Hà Nội.
Để trả đũa, Bắc Kinh có thể tăng cường hiện diện ở Hoàng Sa hay tăng cường tuần tra ở Trường Sa, kêu gọi nhà thầu bên ngoài vào khai thác tài nguyên trong khu vực. Tuy nhiên trước khi làm những công việc này, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ hậu quả là khiến các quốc gia xung quanh trở lại nghi ngờ và lo sợ Trung Quốc, điều có thể có lợi trong tính toán của Việt Nam.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.