Việt Nam Thời Báo

Chút tâm tình Hà Nội gửi cựu đảng viên thành phố mang tên Bác



VNTB: Sau khi VNTB 12/11/2014 đăng bài “Thành ủy Hà Nội “cơ cấu” chiến dịch “được từ chức” tại Quốc hội”, chúng tôi đã nhận được ý kiến phản hồi rất đáng suy nghĩ và có giá trị của bạn đọc Vương Quế Phương. VNTB trân trọng đăng nguyên văn phản hồi này đễ độc giả tham khảo và cùng góp ý kiến.
Vương Quế Phương
Phải nói là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng trung thành với luận điểm rằng đất nước đang được dân chủ hoá và ngày càng dân chủ hơn. Nội dung này hết sức phù hợp với mục tiêu tuyên truyền của Đảng và nhà nước. Trên các báo lề phải, báo chính thống, các nhà báo chỉ đưa tin và ít bình luận. Tờ báo của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng hơn hẳn họ điểm này.
Một khi Tiến sĩ tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng đến như vậy và bình luận đúng theo lập trường và cả ý đồ tuyên truyền của Đảng thì rời bỏ Đảng làm gì? Tiếp tục ở trong Đảng, với năng lực như vậy, chắc chắn sẽ trở thành đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh hay Trưởng hoặc Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh.
Đây là câu hỏi hết sức chân thành.
Đành rằng trong không gian tự do viết lách nhưng quan điểm song song và cùng hướng với đường lối, chính sách chính thống thì liệu có phù hợp với mục tiêu của Hội Nhà báo Độc lập là đa biên và tự do ngôn luận?
Về nội dung bỏ phiếu tín nhiệm, hy vọng và kỳ vọng của Tiến sĩ, tôi chỉ xin bình luận vài ý như thế này:
1. Ai là người bỏ phiếu tín nhiệm? Là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân Hà Nội. Đành rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm khiến những cán bộ hành pháp năng lực kém trong Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân có thể “khiếp sợ” vì khả năng mất chức nhưng các vị đó liệu có ngồi yên và không vận động? Vài trăm đồng chí trong Quốc hội, vài chục đồng chí trong Hội đồng Nhân dân có phải ai xa lạ lắm đâu?
2. Các vị trí trong Ban Chấp hành TW và Thành uỷ Hà Nội có bị “động chạm”? Cụ thể ở đây là các vị trí vô cùng quan trọng, gây nhiều búc xúc cho nhân dân là vị trí Tổng Bí thư và Bí thư Thành uỷ. Chức danh của họ không phải do Quốc hội và Hội đồng Nhân dân phê chuẩn nên “vô can”. 2 vị trí này trong thời gian qua đã phát biểu nhiều nội dung khiến lòng dân hoang mang, gây ra dư luận không tốt, trực tiếp làm sói mòn nhiều nhất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
3. Tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, những nhân vật có khả năng ít phiếu nhất chính là 4 vị trí đầy quyền lực và ảnh hưởng: 1). Thủ tướng Chính phủ, 2). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, 3). Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và 4). Bộ trưởng Y tế. Cứ cho là ngay sau cuộc bỏ phiếu, nếu như kết quả không thuận, họ phải từ chức thì liệu Đảng đã chỉ đạo một danh sách 4 cá nhân thay thế? Chưa có người kế nhiệm mà đã lấy phiếu tín nhiệm thì có đảng viên đại biểu Quốc hội nào dám bỏ phiếu tín nhiệm thấp? Tất cả rồi sẽ lại tận hưởng phiếu cao vì đây là lợi ích đại cục của Đảng ai ai trong Đảng cũng hiểu.
Có thể thấy chi tiết thứ 3 sẽ khiến chất lượng bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân lần này không thực chất bằng lần trước vì không cho thấy trước “viễn cảnh” nền hành pháp nếu như các cá nhân đương nhiệm bị miễn nhiệm. Lần trước là lần đầu bỏ phiếu tín nhiệm. Dù phiếu có thấp, rất thấp thì các cá nhân phiếu thấp cũng không bị mất chức, chỉ bị xấu hổ đôi chút.
Đối với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tương tự tại Nhật Bản, nếu Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng và Nội các thì lập tức giải tán cả Hạ viện và Nội các, nền hành pháp vẫn quay theo guồng như luật định, như không có gì xảy ra. Quốc dân sẽ tổ chức bầu cử lại Quốc hội và Nội các mới. Đâu đã ra đấy nên lá phiếu của dân biểu Nhật Bản mới thực chất.
Nếu bỏ phiếu để rồi Đảng bị đặt vào tình thế khó xử, phải xử lý tình thế, ví như Thủ tướng đương nhiệm bị cách chức trong khi không hề có kịch bản luật định trong trường hợp này thì bao nhiêu công việc các bộ, các cơ quan, ban ngành hành pháp sẽ ách tắc. Với nhận thức và ý thức của đảng viên, nhất là các đảng viên cao cấp, họ sẽ không đời nào bỏ phiếu bất tín nhiệm nhiều đến mức để cho các cá nhân tưởng chừng như đang ở trên “chảo lửa” phải mất chức.
Do đó, nếu Đảng thực sự muốn dân chủ hoá đất nước thì ít nhất phải ban hành kịch bản khi thành viên Chính phủ, hoặc toàn bộ Chính phủ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Quốc dân sẽ làm gì? Hệ thống hành pháp sẽ vận hành như thế nào khi thiếu Chính phủ? Đảm bảo khi rơi vào tình trạng như khi Chính phủ Obama phải đóng cửa thì nền hành pháp nước Mỹ vẫn đảm bảo phục vụ tốt hơn 300 triệu công dân Mỹ.
Việc ban hành Luật (hậu sự) cho Chính phủ chính là cách làm khiến lá phiếu của người đại biểu nhân dân thực chất hơn. Mà cần phải có bộ luật như vậy thì mới “trảm thành công” những kẻ bất tài, gây búc xúc dư luận bởi năng lực kém đang trực tiếp điều hành nền hành pháp của đất nước.
Và sắp tới phải đưa cả các chức danh trong Đảng như Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, Trưởng các Ban của Đảng và Bí thư, Phó Bí thư thành uỷ, tỉnh uỷ ra bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân không phê chuẩn bổ nhiệm các chức danh này thì không có tư cách cách chức thì đưa ra “trưng cầu dân ý”. Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, vì tổ quốc và nhân dân mà chiến đấu, hy sinh mà. Nếu dân ghét, dân khinh mà bỏ phiếu bất tín nhiệm thì hãy… dũng cảm đi đi cho dân đỡ khổ, đỡ ghét, đỡ khinh, đỡ búc xúc.
Một khúc tâm tình của đảng viên người Hà Nội gửi cựu đảng viên ở thành phố mang tên Bác như thế.
12/11/2014
———————–
Xem lại:
Thành ủy Hà Nội “cơ cấu” chiến dịch “được từ chức” tại Quốc hội
VNTB: Chiến dịch “được từ chức” hậu kỳ họp quốc hội cuối năm 2014 tiếp tục kịch tính.
Chỉ ít ngày trước hôm 15/11 diễn ra cuộc lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh lãnh đạo chủ chốt, Thành ủy Hà Nội đã chính thức ban hành “Hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội”.
Theo hướng dẫn này, trong lần bỏ phiếu ở Hà Nội tới đây, những cá nhân có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp sẽ xem xét “đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn”, còn với 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp “có thể cho từ chức”.
Như vậy, Hà Nội đã trở thành đô thị đầu tiên trong cả nước “đi đầu” trong việc mặc định tương lai nguy hiểm dành cho những chính khách đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp quá bán. Tính chất “đi đầu” này là rất khác với các đô thị khác như TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Có thể hiểu, với tư cách là thủ đô đất nước cùng người đứng đầu – Bí thư Phạm Quang Nghị là ủy viên Bộ chính trị và cũng được xem là ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ tổng bí thư đảng năm 2016, bản hướng dẫn “được từ chức” của Thành ủy Hà Nội là đặc biệt “nhạy cảm” và có tính tín hiệu cao, hoàn toàn có thể “nhân rộng điển hình” cho không chỉ các địa phương khác mà sẽ tạo “hiệu ứng nhân sự” ngay tại cuộc lấy phiếu tín nhiệm ngày 15/11 tới nơi nghị trường quốc hội.
“Lằn ranh đỏ” 1/2 số phiếu tín nhệm thấp cũng rất có thể sẽ ứng nghiệm chủ yếu với giới quan chức chính phủ. Những lãnh đạo ngành chạm vào lằn ranh này sẽ “nhẹ” nhất không được “quy hoạch” cho đại hội đảng 12 vào năm 2016, cũng chẳng có cơ hội được “thăng chức”. Chẳng hạn, từ bộ trưởng “lên” phó thủ tướng, từ phó thủ tướng “lên” thủ tướng, hoặc từ thủ tướng “lên” cao hơn…
Cần nhắc lại, tại lần bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên vào tháng 6 năm 2013 với 47 chức danh chủ chốt, kết quả mang tính “thảm họa” đã dành cho khá nhiều gương mặt bên chính phủ. Nhân vật đội sổ với xấp xỉ 42% số phiếu tín nhiệm thấp là Thống Đốc Ngân hàng nhà Nước Nguyễn Văn Bình – người bị tạp chí quốc tế Global Finance bình chọn “một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới.”
Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận giành ngôi á quân với trên 35% phiếu tín nhiệm thấp. Các bộ trưởng y tế và lao động – không tai tiếng về chuyện này cũng mang tiếng về chuyện khác – đều trong vòng nguy hiểm.

Nhân vật có thành tích khả quan hơn Thống Đốc Bình đôi chút trong lần bỏ phiếu năm ngoái là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông nhận được hơn 32% số phiếu tín nhiệm thấp.

Tin bài liên quan:

VNTB- Yên Bái: Sao lại đổ thừa đường sụp vì cái ao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sóc Trăng: Tàn phá cây xanh ở Hồ Nước ngọt

Phan Thanh Hung

VNTB – Thơ cuối tuần: Đón xem vở mới, kép cũ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.