Có lẽ trong các khái niệm kinh tế trên thế giới, không có khái niệm kinh tế nào phức tạp bằng khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà các học giả Việt Nam miệt mài nghiên cứu ròng rã trong suốt 30 năm qua.
Kết quả nghiên cứu nhiều đến mức không chỉ người bình thường mà ngay cả người trong cuộc cũng khó có thể nói được ngắn gọn kinh tế thị trường định hướng XHCN là như thế nào.
Năm vừa qua có lẽ ít người quên nhận xét của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhân dịp ông được mời đến nói chuyện tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Ông nói: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà tìm”. Về thời gian chính thức để Việt Nam tiến lên CNXH, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhận định: “Không biết đến hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Các thắc mắc nêu trên và cũng có lẽ là của hầu hết các chuyên gia kinh tế và người dân vừa có lời giải nhân dịp đầu năm mới, định nghĩa mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN qua tọa đàm “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN” nói trên.
Thuyết phục tới đâu?
Chỉ trong trích đoạn rất ngắn vài chục chữ như trên đã có tới ba lần thuật ngữ XHCN được lặp lại như thể tính chất XHCN phải luôn hiện diện hầu hết trong bất kỳ thể chế hay công cụ nào của kinh tế thị trường. So với các lý luận kinh tế thị trường trước đây, lý luận mới lần này dường như đậm đặc tính chất XHCN nhiều hơn khi nói về kinh tế thị trường.
Nếu lấy định hướng XHCN như là có sự can thiệp của Nhà nước vào trong các hoạt động kinh tế thì các học giả phải có thật nhiều nghiên cứu thực chứng bằng định lượng để chứng minh cho luận điểm của mình.
Nhận thức mới lần này cũng không quên khẳng định kinh tế nhà nước vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo.
Để có được nhận thức mới như trên, hội thảo đã nêu ra những thành tựu về mọi mặt trong 30 năm đổi mới như là hệ quả của việc lấy kinh tế thị trường có sự can thiệp của Nhà nước làm phương tiện để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Nhận định này liệu có sức thuyết phục tới đâu? Những thành tựu, nhất là thành quả kinh tế-xã hội trong 30 năm qua là điều đáng ghi nhận, nhưng nếu gộp chung lại tất cả đều là do kinh tế thị trường định hướng XHCN mang lại thì rất ít thông tin chứa đựng trong đó. Mà càng thiếu thông tin thì càng thiếu sức thuyết phục.
Có thể hình dung mạch lập luận của hầu hết các học giả Việt Nam thời gian qua là tổng kết toàn diện thành tựu mọi mặt trong 30 năm như là kết quả. Còn nguyên nhân của thành quả này là do kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước mang lại.
Nếu lấy định hướng XHCN như là có sự can thiệp của Nhà nước vào trong các hoạt động kinh tế thì các học giả phải có thật nhiều nghiên cứu thực chứng bằng định lượng để chứng minh cho luận điểm của mình. Chẳng hạn, phải chứng minh cụ thể bằng con số xem thay đổi bao nhiêu phần trăm GDP, thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát, chênh lệch giàu nghèo, tham nhũng… trong 30 năm qua đáng lý sẽ như thế nào nếu như có và không có các doanh nghiệp nhà nước chủ đạo hay nếu có hay không có sự can thiệp của các bộ chủ quản.
Làm được điều này không khó nếu như các nghiên cứu này có sự tham gia rộng khắp và khách quan của các chuyên gia trong nước và quốc tế thay vì chỉ bó hẹp trong khuôn khổ một vài tổ chức trong nước nào đó. Chẳng hạn nếu các nghiên cứu chứng minh được GDP đáng lý còn có thể cao hơn nữa hay giá cả thị trường và nền kinh tế đáng lý không bị méo mó như hiện tại nếu không có sự tham gia không hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước, nhất là của các tập đoàn kinh tế.
Cần những quyết sách cụ thể
Mặc dù không có phương pháp nào tối ưu để có thể thuyết phục tất cả mọi người cùng nhìn về một hướng nhưng nếu chúng ta thật tâm muốn tranh luận lành mạnh để tìm ra sự thật thì nên tranh luận đa chiều theo hướng cung cấp thật nhiều thông tin như trên để Đảng, Nhà nước đưa ra những quyết sách hợp lòng dân nhất. Lúc bấy giờ chắc mọi người ít ai quan tâm đến nhận thức mới hay cũ về kinh tế thị trường định hướng XHCN ra sao mà chỉ quan tâm đến những quyết sách cụ thể trong cuộc sống hàng ngày và những thay đổi tốt hơn trong cuộc sống của người dân. Quyết sách thì phải luôn được điều chỉnh, sửa sai nếu thực tế cuộc sống không chấp nhận. Đó mới là yếu tố quan trọng.
Cuối cùng điều gây chú ý nhất trong nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN lần này ở hội thảo nêu trên, đó là nền kinh tế thị trường “hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”… Một điều đã được khẳng định rõ ràng trong Hiến pháp nước ta liệu có nên đưa vào trong một vấn đề mang tính khái niệm học thuật thế nào là nền kinh tế thị trường? Không khéo chúng ta đang loay hoay tranh luận chưa xong các thắc mắc cũ thì lại chuyển sang rắc rối mới từ nền kinh tế thị trường định hướng (XHCN), giờ đây chuyển sang nền kinh tế thị trường định vị Đảng lãnh đạo.
Có lẽ các học giả nước ta phải tiếp tục chứng minh xem liệu việc câu mới thêm vào định nghĩa lần này ưu việt như thế nào và sẽ làm cho người dân, doanh nghiệp tin tưởng hơn để bỏ nhiều vốn đầu tư hay không so với trước đó. Còn nhìn tổng quát, việc thêm vào cụm từ “nền kinh tế thị trường phải do Đảng lãnh đạo” liệu có làm cho môi trường đầu tư có công bằng hơn cho mọi người và khu vực kinh tế tư nhân hay không cũng cần phải làm rõ, vì khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài làm kinh tế thị trường đâu có tổ chức Đảng trong đó mà lãnh đạo.
* Tựa đề và hình ảnh do VNTB đặt
* Tựa đề gốc: Nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN?