Mới đây chính quyền Việt Nam soạn thảo một dự luật về tín ngưỡng, tôn giáo – được gọi là ‘Dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo’ nhằm thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 – và đề nghị các tôn giáo góp ý kiến về nội dung Dự thảo này.
Dự thảo đòi các nghi lễ tụ họp tôn giáo và các hoạt động đào tạo giáo sỹ ở nước ngoài phải được giới chức chuẩn thuận
Đáp lại đề nghị trên, Ban Thường vụ HĐGM hôm 4/5/2015 đã nhân danh Hội đồng Giám mục (HĐGM) gửi một bản nhận định, góp ý đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng.
Được biết có ít nhất bốn giáo phận – Bắc Ninh, Kontum, Vinh và Xuân Lộc – cũng đã chính thức gửi nhận định, góp ý của mình tới Chủ tịch Quốc hội và/hay Ban Tôn giáo Chính phủ.
Trong những bản nhận định, góp ý ấy, HĐGM và bốn Tòa Giám mục (TGM) đã rõ ràng, thẳng thắn chỉ ra nhiều khiếm khuyết, bất cập, phi lý trong Dự thảo 4.
‘Tái lập cơ chế Xin-Cho’
Bản nhận định, góp ý của HĐGM viết: ‘Luật được tạo ra nhằm đảm bảo quyền con người, tạo sự bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đem lại bình an cho xã hội cùng cộng đồng dân tộc.’
Nhưng theo những nhận định của các giám mục, Dự thảo 4 không hội đủ những yếu tố đó.
Một thiếu sót quan trọng được HĐGM cũng như các giáo phận Bắc Ninh, Vinh và Xuân Lộc nêu ra là Dự thảo này không công nhận sự tồn tại hợp pháp của một tổ chức tôn giáo trước pháp luật Việt Nam.
Văn thư góp ý của TGM Xuân Lộc còn chỉ rõ thiếu sót đó ‘sẽ dẫn đến nhiều bất cập khác’.
Chẳng hạn, vì không được nhìn nhận tư cách pháp nhân, các tổ chức tôn giáo không được bình đẳng trước pháp luật như các tổ chức khác – đặc biệt trong những lĩnh vực liên quan đến đất đai vốn đã được Bộ luật Dân sự 2005 qui định.
Hơn nữa, cũng vì không có tư cách pháp nhân các tổ chức tôn giáo không ‘được tham gia vào các hoạt động xã hội bình đẳng với các tổ chức, cơ quan khác’.
Đó cũng là lý do tại sao Giáo phận Bắc Ninh đề nghị các tổ chức, chức sắc tôn giáo phải được bình đẳng trước pháp luật và được quyền mở trường học, bệnh viện như các tổ chức xã hội, cá nhân hay tổ chức nước ngoài khác.
Không chỉ không cho các tổ chức tôn giáo được bình đẳng trước pháp luật và trong xã hội, Dự thảo 4 còn có nhiều điều khoản cho phép chính quyền can thiệp sâu vào đời sống, sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo – bằng ‘nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc’, nhiều ‘quy định quá tỷ mỷ và khắt khe’ và nhiều ‘đòi hỏi vô lý, quá nặng nề và phiền toái’ – và ‘chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho nhà cầm quyền’.
HĐGM và bốn giáo phận nói trên đã chỉ ra một số điều khoản như thế.
Chẳng hạn, Điều 32 của Dự thảo quy định các tổ chức tôn giáo chỉ được tổ chức hội nghị, đại hội theo hiến chương, điều lệ sau khi có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay Điều 49 quy định các tôn giáo cử chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo các giám mục, những việc làm như vậy ‘không cần sự chấp thuận của cơ quan nhà nước’ vì đó là ‘việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo’ và là ‘vấn đề thuần túy tôn giáo’.
Tòa Giám mục Vinh cũng chỉ ra rằng cụm từ ‘được Nhà nước công nhận’ được sử dụng rất nhiều trong các chương về ‘Đăng ký sinh hoạt tôn giáo’, ‘Đăng ký hoạt động tôn giáo’, ‘Tổ chức tôn giáo’ và ‘Hoạt động tôn giáo’.
Đó cũng là lý do tại sao TGM Bắc Ninh cho rằng ‘những điều nêu trong Dự thảo 4 muốn tái lập cơ chế Xin-Cho trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo’. Đây là một cơ chế ‘biến quyền tự do của con người thành những thứ quyền Nhà nước nắm trong tay và ban lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép’.
Tương tự, Giáo phận Vinh nhận định Dự thảo này ‘quay trở lại quy chế Xin–Cho’, còn TGM Kontum khẳng định Dự thảo 4 vẫn ‘mang nặng tính Xin-Cho như bao năm qua’. TGM Xuân Lộc cũng thấy ‘cơ chế Xin-Cho xuyên suốt bản Dự thảo’.
Một sự can thiệp quá sâu, mang nặng tính Xin-Cho như vậy là không thể chấp nhận được vì như Giáo phận Bắc Ninh khẳng định: ‘Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ’.
‘Một bước thụt lùi’
Tại cuộc họp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà nội ngày 20/09/2008, khi còn là Tổng Giám mục Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt cũng đã khẳng khái nêu rõ ‘tự do tôn giáo là quyền chứ không phải ân huệ Xin-Cho’.
Quyền căn bản ấy, như bản nhận định, góp ý của HĐGM và của TGM Bắc Ninh và Vinh chỉ ra, đã được khẳng định trong các công ước quốc tế – như ‘Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền’ hay ‘Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị’ của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã ký kết – và Hiến pháp sửa đổi năm 2013 của Việt Nam.
Vì vậy, các giám mục Việt Nam nhận định Dự thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Công ước, Tuyên ngôn Quốc tế và Hiến pháp Việt Nam thừa nhận.
Đặc biệt, theo nhận định của HĐGM và bốn TGM, thay vì đưa ra những điều khoản tiến bộ nhằm tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, Dự thảo này là ‘một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004’.
Chuyện chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam ‘không bắt kịp đà tiến của xã hội’ và cứ tiếp tục ‘thụt lùi’, ‘tụt hậu’ không có gì quá ngạc nhiên. Nhiều người cho rằng xét về mức độ tự do, dân chủ Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có nhiều điểm thụt lùi so với Hiến pháp 1992 và thậm chí thua xa Hiến pháp 1946.
Một điểm bất cập khác được các giám mục nêu ra là Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo này có những từ ngữ mơ hồ, dễ ‘dẫn đến những lạm quyền, nhũng nhiễu, giải thích luật tùy tiện’, như cụm từ ‘theo quy định của pháp luật’. Cụm từ này cũng xuất hiện nhiều trong các văn bản pháp luật quan trọng khác của Việt Nam.
Vì ‘tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở’, Hội đồng Giám mục đã ‘không đồng ý’ Dự thảo 4 và đề nghị ‘soạn lại một bản dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ’.
Hơn nữa, các giám mục Việt Nam cũng yêu cầu ‘bản dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ’.
Có được lắng nghe?
Khi gửi những kiến nghị của mình, HĐGM cũng như các Tòa Giám mục đều mong rằng những ý kiến, đóng góp của mình sẽ được chính quyền Việt Nam lắng nghe một cách nghiêm túc và qua đó có những điều chỉnh thích hợp.
Có thể nói không chỉ người Công giáo Việt Nam mà bất cứ ai muốn Việt Nam thực sự dân chủ, tự do, phồn thịnh cũng có mong ước đó. Đất nước chỉ có thể phát triển theo hướng đó khi mọi người trong xã hội được bình đẳng, tự do và quyền lợi của họ được pháp luật tôn trọng, bảo đảm.
Nhưng liệu những góp ý chân thành, thẳng thắn đó sẽ được giới hữu trách Việt Nam đón nhận?
Trong văn thư góp ý của mình, TGM Kontum cho rằng chính quyền Việt Nam kêu gọi góp ý cho Dự thảo này chỉ vì muốn tỏ ‘vẻ dân chủ’ và những ý kiến đóng góp sẽ ‘vô ích’ vì ngay cả những góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (nay là Hiến pháp sửa đổi 2013) – trong đó có kiến nghị của HĐGM Việt Nam – ‘đâu có được lắng nghe’ủ
Nhân định bi quan đó của Giáo phận Kontum không phải là không có cơ sở vì nếu dựa vào những chính sách, luật pháp được ban hành gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy chính quyền Việt Nam vẫn muốn giới hạn các quyền tự do nói chung và tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng và tìm cách can thiệp sâu vào các sinh hoạt, hoạt động của các tổ chức dân sự, tôn giáo.
Một điều nữa cho thấy chính quyền Việt Nam tiến hành lấy ý kiến cho Dự thảo này chỉ có lệ là thời hạn góp ý Dự thảo quá ngắn dù như TGM Xuân Lộc nhận định ‘đây là một văn bản luật quan trọng, có liên hệ thiết thực tới đời sống của một số rất lớn, nếu không nói là đại đa số người dân’.
Trang mạng của Giáo phận Kontum có đăngcông văn gửi các tôn giáovề việc góp ý Dự thảo 4 của Bộ Nội vụ – Ban Tôn giáo Chính phủ. Công văn này được ký ngày 10/04/2015 và hạn để gửi ý kiến là ngày 05/05/2015. Trong bản góp ý của mình, TGM Kontum cho biết chỉ nhận được công văn ngày 22/04/2015.
Công văn đó còn có câu ‘Hết thời hạn trên, nếu không nhận được văn bản góp ý của Quý vị xin được hiểu là đã đồng ý với dự thảo Luật’.
Thời gian sẽ cho biết chính quyền Việt Nam có nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của Giáo hội Công giáo hay như Tòa Giám mục Kontum nhận định tất cả mọi chuyện đã được quyết định và góp ý chỉ ‘vô ích’.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và văn phong của tác giả, một nhà nghiên cứu Công giáo sống tại Anh.
Theo TS. Đoàn Xuân Lộc/ BBC