Việt Nam Thời Báo

Côn Đảo làm đường Tây Bắc: Lồ lộ mục tiêu bất động sản *

“Tất cả các dự án đều được đưa ra để kiếm lợi dù ít hay nhiều, thậm chí còn có những nhóm chuyên vẽ dự án để lấy phần trăm”.

Trước việc, Bà Rịa – Vũng Tàu đang lên kế hoạch xem xét triển khai dự án làm đường Tây Bắc nối Bến Đầm với Cỏ Ống, dài khoảng 14km, phá gần 40ha rừng đặc dụng và nguyên sinh của Vườn quốc gia Côn Đảo, chặt gần 7000 cây rừng, gần 2000m3 gỗ, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, đây là việc không nên.

Ông chia sẻ: “Trước hết, việc khai thác gỗ, phá rừng để làm đường đã là việc phải tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, dự án làm đường đi xuyên Vườn quốc gia Cát Tiên cũng đã nhận không ít chỉ trích nặng nề.

Côn Đảo làm đường Tây Bắc: Lồ lộ mục tiêu bất động sản

Hàng loạt các dự án phá rừng, phá núi không nhận được sự đồng thuận của lòng dân, như dự án cáp treo lên đỉnh núi Fansipan, cáp treo xuyên hang Sơn Đoòng, cáp treo Bà Nà, cáp treo lên đỉnh núi Tây Thiên…trong đó, đã có 3 dự án được triển khai và sắp hoàn thiện.

Thiết nghĩ, nếu như làm cáp treo lên đỉnh núi hiệu quả thì Nhật Bản cũng đã làm cáp treo lên đỉnh núi Phú Sĩ. Tại sao người Nhật không làm mà Việt Nam lại thi nhau làm cáp treo hết lên núi, vượt biển rồi lại xuyên rừng, cứ như hội chứng làm cáp treo dài nhất cao nhất Thế giới!”.

Vườn quốc gia Côn Đảo
Theo ông Đực, với 4 mục tiêu dự án làm đường này có đề ra, thứ nhất, hỗ trợ quân sự là khó có khả năng, bởi hiện nay thế giới áp dụng tư duy quân sự hiện đại, không dùng nhiều bộ binh mà dùng hỏa tiễn, máy bay, tàu ngầm…

Thứ hai, về việc phát triển hệ thống giao thông, phá vỡ thế độc đạo, có thế thấy huyện Côn Đảo lượng người lưu thông không nhiều, dân cũng vài chục nghìn, du khách không nhiều đến mức độ phải đặt mục tiêu đó.

Muốn giao thông tốt hơn, thì có thể làm một con đường đi xung quanh đảo, rất hợp lý, không ảnh hưởng đến rừng, đến biển, phá vỡ hệ sinh thái.

Thứ ba, khai thác quỹ đất dọc tuyến đường, đây chính là mục tiêu đáng quan tâm nhất, bởi nó chính là cách phân lô bán đất, sau khi tuyến đường đưa vào sử dụng, thì các khoảng đất hai bên sẽ được xây dựng nhà cửa, rất nhiều cửa hàng, sẽ không còn vẻ đẹp hoang sơ của Vườn quốc gia Côn Đảo.

Thứ tư, về mục tiêu bảo vệ nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo, đó là điều không tưởng. Khi đã xây dựng một tuyến đường đi xuyên rừng chắc chắn sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái động vật, thực vật sẽ chia lìa vĩnh viễn.

“Ở đây nếu dựa vào 4 mục tiêu trên, thì có thể dễ dàng nhận ra, tất cả đều chỉ là muốn vẽ dự án theo hướng “có làm là có ăn”, thi công đường là có tiền, bán đất cũng có tiền, chặt cây cũng có tiền, nên ai cũng muốn vẽ dự án.

Chắc chắn nếu không ngăn chặn kịp thời, Côn Đảo sẽ dần dần bị phá nát, khi các nhà đầu tư, các nhóm lợi ích cố tìm cách phá biển, phá rừng, phá núi dần tới là phá đảo”, ông Đực nhận định.

Chia phần trăm dự án, lợi ích nhóm

Quay trở lại với dự án con đường Tây Bắc trên huyện Côn Đảo, theo ông Đực, nếu chỉ đơn thuần là làm đường giao thông thì có thể suy nghĩ, so sánh lợi và hại, nhưng nếu đã có mục tiêu khai thác quỹ đất hai bên, phải xem xét về hành vi chiếm đất rừng quốc gia. Điều này có được phép hay không và được phép trong điều kiện nào?

Thêm nữa, câu hỏi đặt ra là tại sao các đảo không làm đường đi quanh đảo, vừa tạo cảnh quan, vừa có thể khai thác du lịch? Một huyện có thế mạnh về đảo, biển, tại sao phải hướng tới phát triển du lịch rừng, hết sức vô lý.

“Một khi, đã muốn làm kinh doanh thì tại sao không khai thác tuyến đường vành đai xung quanh đảo, vì du khách đến với Côn Đảo là muốn sống với biển, còn sống ở rừng thì họ có thể tìm đến các địa điểm khác như Đà Lạt, hoặc các cao nguyên khác.

Hiện nay, chúng ta có nhiều mục đích ẩn mình phía sau các dự án bất động sản ở các khu du lịch, đứng dưới góc độ bảo vệ môi trường thì theo tôi không nên làm con đường cắt ngang rừng, nếu vì lý do cấp thiết quá, phát triển quá, thì có thể làm đường trên không cho dù rất tốn kém.

Theo ông Đực, hiện nay, tất cả các dự án đều được đưa ra để kiếm lợi dù ít hay nhiều, thậm chí còn có những nhóm chuyên vẽ dự án để lấy phần trăm, lợi ích nhóm.

Thậm chí, có những cây cầu chỉ cao 10m, tốn 10 tỷ đồng, họ vẽ lên 20m tốn 20-30 tỷ đồng, để chia phần trăm, dù sau khi nhận công trình người dân thấy bất tiện hay không thể sử dụng được. Đã có những nhà vệ sinh 500 triệu đồng, là một thí dụ nữa.


* VNTB đặt lại tiêu đề
* Tiêu đề gốc: Côn Đảo làm đường Tây Bắc: Vẽ dự án, chia lợi ích?

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhà xe Phương Trang với bê bối tài chính ít được nhắc đến

Do Van Tien

VNTB – Nhà băng khó đẩy mạnh cho vay?

Trương Thế Tử

Sân bay Long Thành “nhái” phối cảnh: “Nhóm tác giả đã coi thường công luận”!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo