Tú Anh –
Mặc dù đã qua dời từ 10 năm nay, nhưng cố tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương vẫn làm chế độ hiện nay lo ngại. An ninh bao vây căn nhà của họ Triệu ngăn chận phóng viên quốc tế và theo dõi từng cá nhân đem hoa đến cúng dường.
Ảnh chụp năm 1990 ông Triệu Tử Dương tại tư gia, thời ông bị chính quyền quản thúc – REUTERS /New Century Media
Theo AFP, sáng nay 17/01/2015, từng nhóm vài chục người dân Trung Quốc đã trang nghiêm đem hoa đến viếng nhà riêng của cố tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, nằm trong một con hẻm nhỏ, trước những cặp mắt soi mói, tra xét của hàng rào công an.
Khi đến trước thềm nhà, các nhà báo quốc tế đã bị công an chận lại. Điều đó cho thấy trong con mắt của chính quyền Trung Quốc, ngày giỗ của nhà cố lãnh đạo có tinh thần dân chủ này vẫn là một vấn đề nhạy cảm.
Mười năm sau khi từ giã cõi đời, Triệu Tử Dương vẫn là một nhân vật được giới tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ kính mến vì lập trường của ông khi xảy ra phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989.
Tuy vậy, tổng bí thư Triệu Tử Dương không ngăn chận được phe Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng sử dụng quân đội tàn sát sinh viên và công nhân, dìm cuộc tranh đấu trong biển máu. Bị cách chức tổng bí thư, ông Triệu Tử Dương bị quản thúc suốt 15 năm dài cho đến khi qua đời, thọ 85 tuổi.
Theo AFP, nhiều nhà hoạt động dân chủ bị an ninh bao vây không cho đến viếng ngôi nhà của họ Triệu. Áp lực của công an được mô tả là rất mạnh hơn cả những năm trước. Tro cốt của ông và người vợ quá cố vẫn còn thờ trong ngôi nhà này vì chính quyền không cho thân nhân đem về cố hương Hà Nam để an táng.
Bào Đồng, người thư ký riêng của Triệu Tử Dương chỉ trích các biện pháp giám sát của chính quyền Trung Quốc là « lố bịch » và hy vọng rằng những người đến thăm viếng nhân ngày giỗ không bị công an bắt giam sau khi ra về.
Được biết , mỗi vị khách được gia đình Triệu Tử Dương tặng một tấm thiệp lưu niệm trên đó có ghi rõ : “Đảng Cộng sản không có quyền độc quyền cai trị chỉ vì trên hiến pháp quy định như vậy. Chế độ Trung Quốc phải theo trào lưu dân chủ của thế giới, phải chấp nhận có cạnh tranh để mang lại phúc lợi cho dân”.
(Theo RFI)