Việt Nam Thời Báo

Công an – Viện kiểm sát – Tòa án Tuy Hòa có vi phạm điều 258?

Minh Tâm

 

(VNTB) – “Trong quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dùng nhục hình diễn ra từ ngày 26-3 đến 3-4, luật sư Đôn đã lợi dụng việc hành nghề luật sư có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính”.
“Sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án, đưa ra nhiều quan điểm trái pháp luật, nhận định, bình luận không đúng với chức năng xã hội nghề nghiệp của luật sư khi hành nghề, tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương là đã vi phạm các điểm g, i khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư”.
Đó là những đoạn trích ở văn bản liên ngành của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân  thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, do 3 phó thủ trưởng 3 đơn vị cùng ký ngày 20-11, với tiêu đề “V/v kiến nghị xử lý vi phạm của luật sư Võ An Đôn”. Luật sư Đôn là người bảo vệ cho gia đình bị hại Ngô Thanh Kiều bị công an “dùng nhục hình” dẫn đến tử vong vào ngày 13-5-2012.
Văn bản kiến nghị “xử lý thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư Võ An Đôn”.
Không thuộc bài
Luật Luật sư sửa đổi 2012, tại Điều 18 “Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư”, cho biết người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:
a) Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này (Điều 10. Tiêu chuẩn luật sư: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư);
b) Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Không còn thường trú tại Việt Nam;
d) Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;
đ) Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư;
e) Thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng;
g) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;
h) Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
i) Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật;
k) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Chỉ Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và quy định thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Như vậy, mặc dù không nêu rõ là luật sư Đôn có những phát ngôn, hành động cụ thể gì để dẫn đến việc không còn trung thành với tổ quốc, đạo đức kém, vi phạm Hiến pháp và pháp luật…, giả dụ cho rằng đề nghị của 3 cơ quan Công an – Viện kiểm sát – Tòa án là có căn cứ, thì chỉ được đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên luật sư Võ An Đôn.
Từ chuyện “sai địa chỉ tố tụng” này, dư luận có quyền hoài nghi về kiến thức pháp luật của những cơ quan công tố tỉnh Phú Yên trong điều tra và xét xử.
Có thể khởi tố
Nếu 3 cơ quan Công an – Viện kiểm sát – Tòa án bổ sung được rõ ràng về những hành vi “Tạo điểm nóng không tốt trong dư luận”, “xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính”…, thì có thể căn cứ Bộ Luật Hình sự, Điều 258 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, để xem xét trách nhiệm hình sự của luật sư Võ An Đôn.
Lưu ý, điều luật này còn có thể áp dụng khi cơ quan công quyền vi phạm. Điều 258, viết: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của  Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm  hoặc phạt tù từ sáu  tháng đến ba  năm; Phạm tội trong  trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Nhưng nếu 3 cơ quan Công an – Viện kiểm sát – Tòa án không làm rõ về những chứng cứ dẫn đến cáo buộc cần thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư Võ An Đôn, thì 3 phó thủ trưởng 3 đơn vị cùng ký văn bản này cần thiết được xem xét về trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 258, Bộ Luật Hình sự.

Tin bài liên quan:

(VNTB)-Chọn trả phí công đoàn hay lập Công đoàn độc lập? (Bài 3)

Phan Thanh Hung

Tự ứng cử, “đảng cử – dân bầu” và “9 không”

Phan Thanh Hung

Vì sao khó đòi tiền đền bù từ… Nhà nước?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.